Aa

Từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, thử bàn về chuyện “lách luật”

Thứ Tư, 23/02/2022 - 06:00

Từ “lách luật” vốn tồn tại từ lâu nay trong đời sống, vừa qua lại có dịp được nhắc đến nhiều sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm. Vậy “lách luật” có phải là một “tội”, và ai phải chịu trách nhiệm nếu có chuyện "lách luật"?

Liệu có cái gọi là tội “lách luật”?

Xin nói luôn, trong hệ thống pháp luật, không hề có khái niệm “lách luật”, chỉ có hoặc là tuân thủ đúng pháp luật, hoặc là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên trong thực tế, đôi lúc có chuyện một người làm đúng luật nhưng lại có vẻ gì đó không bình thường thì người ta lại có cảm giác hình như ở đây “có gì sai sai”, hình như ở đây pháp luật còn kẽ hở để người ta lợi dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân, và người ta gọi đó là “lách luật” hay “lợi dụng kẽ hở của pháp luật”. Nhưng thực ra không phải thế.

Bởi thứ nhất, luật pháp thường chỉ quy định, cấm những điều có hại cho xã hội, có hại cho cộng đồng, có hại cho tiến bộ và sự phát triển, chứ không cấm công dân và doanh nghiệp làm lợi cho xã hội và bản thân họ. Nếu luật pháp cấm đoán tất cả thì xã hội sẽ không thể phát triển và sẽ đi đến chỗ diệt vong. Mà điều gì pháp luật không cấm thì công dân được làm.

Thứ hai, pháp luật không thể bao quát hết các tình huống trong đời sống được, vì pháp luật là sự khái quát, tổng kết từ thực tiễn, còn thực tiễn thì muôn hình vạn trạng trong các biểu hiện của nó. Mặt khác, pháp luật thuộc kiến trúc thượng tầng sẽ luôn có độ trễ so với thực tiễn, nên không bao giờ phản ánh và bao quát hết thực tiễn sinh động luôn phát triển không ngừng.

Thế nhưng, có một thực tế tồn tại dai dẳng lâu nay là khi bộ máy Nhà nước không quản lý được hết và có cảm giác bị “hớ” thì sẽ luôn có xu hướng đổ lỗi cho xã hội, cho công dân và doanh nghiệp. Vì vậy mới có cái luật bất thành văn là “kết tội” người dân và doanh nghiệp “lách luật”, “lợi dụng kẽ hở của pháp luật”, hoặc chí ít cũng tạo nên sự ác cảm, kỳ thị với những người này, trong khi thực chất là họ không vi phạm pháp luật. Trong vấn đề này, những người, những doanh nghiệp bị cho là “lách luật”, “lợi dụng kẽ hở của pháp luật” thực chất là họ không sai, mà là họ nghiên cứu rất kỹ luật pháp và tìm ra những cách thức họ có thể làm để mang lại lợi ích cho mình mà không vi phạm pháp luật. Và trong trường hợp này, nếu cần tìm ra người để “kết tội” thì đó chính là nhà quản lý, người xây dựng luật pháp và thực thi pháp luật, chứ không phải người dân hay doanh nghiệp.

đấu giá bất động sản
Ảnh minh họa

Chuyện cái dần và chiếc hộp bảo quản chất phóng xạ

Hãy hình dung thế này. Các chất phóng xạ (đến nay được biết đến như là Urani, Poloni và Radi) có đặc tính là hạt nhân tự phân rã và quá trình phân rã đó phát ra các tia bức xạ hạt nhân, thường gọi là tia phóng xạ. Con người đã sử dụng tính chất này của nguyên tố phóng xạ để chế tạo bom nguyên tử, vũ khí hạt nhân, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hay trong y học để chụp X quang… Nhưng tia phóng xạ, nhất là tia beta và gama nếu vô tình tác động đến cơ thể sống, trong đó có con người, sẽ gây ra nhiều tác hại, có thể thay đổi cấu trúc gene, hay tác động đến sự phát triển bình thường của tế bào. Tuy nhiên, một lớp chì dày có thể ngăn cản sự phát tán của các tia phóng xạ. Vì vậy, người ta thường sử dụng các hộp bằng chì đủ dày để cất giữ và bảo quản các chất phóng xạ, không để nó vô tình gây tác hại cho con người.

Bây giờ giả thiết hộp chì đựng chất phóng xạ có một khe hở, tia phóng xạ nhân đó mà phát qua khe hở lọt ra ngoài. Tia phóng xạ lọt ra ngoài có thể đã hoặc chưa gây tác hại cho con người, nhưng nếu từ đó mà đổ tội lên đầu tia phóng xạ hoặc chất phóng xạ là “lợi dụng kẽ hở của hộp chì” để thoát ra ngoài thì thật là vô lý. Bởi phát ra bức xạ hạt nhân là đặc tính không thể tách rời của chất phóng xạ. Nếu có tội ở đây thì phải là tội của cái hộp chì bị hở, hay truy nguyên sâu xa hơn là tội của người làm ra cái hộp chì không hoàn hảo, hoặc cùng lắm là cả người có trách nhiệm bảo quản, trông coi hộp chì đựng chất phóng xạ đã không phát hiện ra khe hở kịp thời để tìm cách khắc phục, chứ không thể “kết tội” chất phóng xạ được.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Đưa ra ví dụ trên, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của việc để xảy ra tình trạng “lách luật” nếu có, chứ chưa phải đề cập đến hậu quả của việc này.

Có một ví dụ khác có thể sát hơn trong tình huống mà chúng tôi đề cập từ đầu bài viết, như sau. Những người từng sống ở nông thôn Bắc Bộ những năm trước đây đều biết người dân quê có một dụng cụ gọi là cái dần để tách gạo và cám riêng ra. Gạo sau khi cho vào cối giã hoặc ngày nay cho vào máy xay xát được đổ ra nia. Người ta xúc gạo lẫn cám từ nia vào cái dần rồi lắc qua lắc lại đều tay cho cám và tấm nhỏ lọt xuống nia, còn hạt gạo và tấm to vẫn ở trên mặt dần được đổ ra thúng dùng để thổi thành cơm.

Vấn đề ở đây là người ta đan dần (giống như xây dựng pháp luật) sao cho mắt dần (lỗ thủng trên mặt dần) đủ nhỏ để giữ cho hạt gạo và tấm to trên mặt dần mà không lọt xuống nia, nhưng nó cũng đủ rộng để cho hạt cám và tấm nhỏ lọt được xuống để tách gạo ra gạo, cám ra cám. Như vậy, ở đây không thể “kết tội” là hạt cám đã “lách luật”, “lợi dụng kẽ hở” của cái dần để lọt xuống nia, mà nó được con người “cho phép” bằng cách đan chiếc dần sao cho mắt dần đủ rộng cho hạt cám lọt qua một cách “hợp pháp”.

Cũng như thế, pháp luật thường được thiết kế sao cho đủ chặt để ngăn chặn những hành vi gây hại cho cộng đồng, cho xã hội, nhưng cũng đủ rộng để mang lại lợi ích cho từng cá nhân trong xã hội đó. Không có pháp luật chỉ hoàn toàn mang lại lợi ích cho người nào và cũng không có pháp luật chỉ gây tổn hại cho một người nào. Pháp luật bảo đảm sự cân bằng theo hướng phát triển cho cá nhân và xã hội. Ai cũng tìm thấy cái lợi cho mình khi được pháp luật bảo vệ.

Bây giờ hãy hình dung xem điều gì sẽ xảy ra khi ta bịt kín mọi kẽ hở của cái dần? Khi đó thì dù có lắc đến mỏi tay cũng không có hạt cám nào rơi xuống nia, và trên mặt của dụng cụ gọi là cái dần đó chỉ là mớ hỗn độn trộn lẫn lộn cám và gạo; và người ta sẽ không thể mang thứ đó nấu thành cơm được, mà nó chỉ có thể trở thành món cám lợn. Và dụng cụ trên không phải là cái dần nữa, mà nó là cái mẹt. Chân lý ở đây là, cái mẹt để sảy và để đựng nên nó kín để không cho thứ gì, dù là cám lọt qua; nhưng nếu đã là cái dần thì nó phải có mắt (lỗ thủng trên mặt) đủ rộng để cho cám đi qua, đó là bản chất và đặc tính của từng loại công cụ tùy theo mục đích mà con người đặt ra cho dụng cụ đó, gần giống như mục đích của từng bộ luật vậy.

Người di chuyển trong biên độ cho phép không có tội

Vấn đề rút ra ở đây là, thứ nhất, mục đích chính của pháp luật là duy trì trật tự cho xã hội nhưng pháp luật không phải coi ngăn chặn là chính, lại càng không phải chỉ bằng biện pháp ngăn chặn; mà chủ yếu và cốt lõi là tạo điều kiện cho xã hội phát triển. Chính vì vậy, pháp luật không cứng nhắc mà nó thường có biên độ đủ rộng để cuộc sống vận động và phát triển. Ví dụ như trên đường cao tốc, người ta thường kẻ vạch phân làn cho xe di chuyển. Nhưng điều đó không có nghĩa chiếc xe chỉ được chạy theo một được thẳng như kẻ chỉ, mà nó có thể sang trái sang phải một chút trong làn đường đó, miễn sao không ra khỏi làn; thậm chí nó có thể chuyển làn nếu điều kiện cho phép nhưng phải ra tín hiệu chuyển làn.

Thứ hai, pháp luật luôn có độ trễ so với thực tiễn cuộc sống và không thể bao quát hết các tình huống xảy ra trong thực tiễn. Vì vậy, nếu có “lỗ hổng” trong pháp luật gây hại cho cộng đồng, cho xã hội, thì trách nhiệm thuộc về nhà quản lý chứ không phải tội của người thi hành; và việc cần làm là bịt lỗ hổng chứ không phải xử tội người đi qua lỗ hổng đó.

Trước đây, khi còn làm việc ở ngành Hải quan, tôi đã chứng kiến trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng xảy ra tình trạng tương tự và nhiều người thường có xu hướng kết tội cho doanh nghiệp là “lách luật”, “lợi dụng kẽ hở pháp luật” để trục lợi.

Chẳng hạn, có một thời (không biết bây giờ đã thay đổi chưa) trong pháp luật về thuế thường đánh thuế theo mục đích sử dụng. Ví dụ, cùng là hạt hướng dương nhưng nếu nhập về trong nước để làm giống thì thuế suất nhập khẩu sẽ rất thấp hoặc bằng 0 (với lý giải để khuyến khích sản xuất). Nhưng nếu cũng hạt hướng dương ấy nhập về với mục đích tiêu dùng, để rang lên cho người ta cắn chắt đỡ buồn mồm lúc rỗi rãi thì sẽ bị đánh thuế cao. Một doanh nghiệp nhập số lượng lớn khai báo là về làm hạt giống, nhưng lập tức bị nghi ngờ là “lách luật” để trốn thuế vì “ai lại nhập hạt giống số lượng lớn như vậy”.

Hay trước đây thuế suất nhập khẩu của một loại giấy được đánh rất cao, nhưng nếu cũng là loại giấy ấy nhưng có tráng nến thì thuế suất lại rất thấp. Thế là có doanh nghiệp bèn yêu cầu nhà cung cấp hàng tráng nến lên giấy trước khi xuất hàng để hưởng thuế suất thấp, trong khi vẫn sử dụng vào mục đích như cũ với giấy không tráng nến, nhưng lập tức bị kết tội “lách luật”, “lợi dụng kẽ hở chính sách” để trục lợi. Hoặc trường hợp một mặt hàng có thể áp vào nhiều dòng thuế khác nhau, chủ hàng khai báo theo dòng thuế có thuế suất thấp lại cũng bị coi là “lách luật” và nhà quản lý thường có xu hướng áp vào dòng thuế cao hơn.

Ơ hay! Luật quy định như thế, người ta làm theo đúng luật như thế sao lại bảo là “lách luật”? và sao lại coi là “tội đồ”, hay ít nhất là có thành kiến, ác cảm rồi gây khó dễ cho người ta? Trong trường hợp này, nếu gọi là “có tội” thì đó phải là tội của điều luật, hay truy nguyên là tội của người xây dựng nên luật đó, chứ sao lại đổ lên đầu người thi hành, trong khi họ làm đúng theo luật?

Cần nhà quản lý có đủ bản lĩnh, phẩm chất và năng lực

Việc kết tội doanh nghiệp hay người dân “lách luật” rồi xử lý họ, hoặc tạo sự ác cảm, kỳ thị, phân biệt đối xử với họ thực chất là sự đối xử thiếu công bằng, không đúng luật cần và nên loại ra khỏi đời sống xã hội. Nếu có bằng chứng công dân vi phạm pháp luật, cần xử họ theo luật pháp. Còn nếu họ làm những điều pháp luật cho phép, pháp luật không cấm thì không thể kết tội họ. Còn nếu điều đó gây thiệt hại, ảnh hưởng cho xã hội, thì nhà quản lý cần hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn những hậu quả xảy ra trong tương lai, chứ không vì thế mà “xử tội” hoặc gây khó dễ cho người làm đúng luật. Không nên để một từ mang hàm ý xấu, thiên về xu hướng kết tội như từ “lách luật” tồn tại, nhất là đối với nhà quản lý.

Ở một phương diện nào đó, nó cũng không khác bao nhiêu so với việc trước đây xã hội thường dùng từ “con buôn”, “con phe” để gọi những tư thương, mang tính miệt thị và phân biệt đối xử. Nó cũng chẳng khác mấy có một thời mà xã hội gọi nghề “thày cãi” mang tính miệt thị, trong khi thực chất là họ hành nghề luật sư để bảo vệ công lý. Chúng ta đang xây dựng một xã hội pháp quyền, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, thì rất cần phải tôn trọng pháp luật, tôn trọng những người làm theo đúng luật pháp, chứ không nên “kết tội” họ một cách vô hình chỉ bằng cảm tính nhất thời hoặc định kiến của một thời.

Bán đảo Thủ Thiêm tháng 10/2021. (Ảnh: Quỳnh Trần/VnExpress)

Cuộc đấu giá đất thủ Thiêm vừa qua cho ta nhiều bài học đắt giá, về cả “được” và “mất”. Khi chúng ta chỉ mới bước vào cơ chế thị trường, đặc biệt là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì những vấp váp là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cần phải hết sức tránh. Và điều quan trọng rút ra từ bài học Thủ Thiêm vừa qua, với việc đạt được hiệu quả lớn đến thế nào qua việc đấu giá, là cần phải coi đấu giá đất là xu hướng tất yếu, là phương thức chủ yếu, nếu không muốn nói là bắt buộc trong thời gian tới.

Còn để ngăn chặn những hậu quả không mong muốn, kể cả những hệ lụy theo “thuyết âm mưu” và cả những hậu quả khác có thể xảy ra trong tương lai, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc đấu giá đất, từ đó hạn chế tình trạng giao đất, chỉ định chủ đầu tư hay hình thức BT không qua đấu giá đất gây thất thoát nguồn lực lớn của đất nước và cũng gây mất mát lớn về cán bộ như trong thời gian vừa qua. Không thể vì sự “lùm xùm” ở Thủ Thiêm mà nghi ngờ rồi đi đến chối bỏ hay kìm hãm phương thức đấu giá đất ưu việt này.

Trong một cuộc chơi, người nắm vững luật chơi và “cứng tay” sẽ luôn làm chủ cuộc chơi, tin tưởng vào luật chơi và các quyết định của mình; còn người “non tay” thường không tin tưởng vào chính mình sẽ luôn nghi ngờ đối tác và nghi ngờ cả các quyết định của mình, với câu hỏi luôn canh cánh trong đầu là “liệu mình có bị họ lừa không”, “mình làm như thế có bị mắc bẫy họ không?”…

Vì vậy, để sử dụng hiệu quả phương thức đấu giá đất, rất cần những nhà quản lý có đủ bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, để thiết lập một thời kỳ mới cho đất đai với tiêu chí hiệu quả, minh bạch, chuyên nghiệp, bình đẳng được đặt lên hàng đầu, và hơn hết là phát huy được nguồn lực đất đâi để phát triển đất nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top