Aa

Tục cáo giang sơn

Thứ Bảy, 19/12/2020 - 08:00

Người Việt, bất kể trong một dịp nào, từ lễ tết, hội hè, đình đám... bất kể đi xa về gần, trong nết ăn ý ở đều tâm niệm và răn dạy con cháu chỉ một điều không thể xem nhẹ, không thể lãng quên. Đó là: Nước chảy tự nguồn.

Tôi tổ chức một Lễ cáo giang sơn mà lòng thật sự xúc động vô cùng. Hình ảnh giang sơn dâng lên với lòng biết ơn vô ngần về nguồn cội tiên tổ bao nhiêu ngàn năm khai quốc lập làng tạo dựng nên giống nòi Việt khi nhìn các vị lão làng tiến hành Lễ cáo.

Lễ cáo giang sơn là một lễ nghi rất quan trọng trong lễ nghi tế tự của người Việt. Muốn khởi sự tiến hành bất cứ lễ nghi gì, đầu tiên, phải có Lễ cáo giang sơn. Chưa có Lễ cáo giang sơn, ta tuyệt nhiên không được chạm đến chiêng trống kèn sáo lễ nhạc hay nghi tiết tế tự nào cả. Giang sơn chính là cách gọi Tổ quốc của người Việt.

Trong đám tang quê tôi, sau lễ nhập liệm, trước khi tiến hành Lễ Khai kinh, Lễ Thỉnh linh phục hồn và Thành phục, phải có Lễ cáo giang sơn. Không cáo giang sơn thì không "khỉ lệnh" được. Khỉ là khởi. Khỉ lệnh là khởi lệnh Chung cổ.

Thủ tục trong Lễ cáo giang sơn (Ảnh sưu tầm)

Giang sơn có chủ. Đất có Thổ Công sông có Hà Bá. Xã Tắc có Thần Xã Tắc, không phải ta thích làm gì là làm, nhất là khi ta dọng chuông dọng trống kinh động đến thần linh.

Tổ quốc (Giang sơn) trong tâm thức người Việt được nuôi dưỡng và tôn vinh như thế nào?

Sống ở nơi miền quê làng xã non nước này, từ thủa lọt lòng, lớn lên theo chân bố mẹ đến Đình làng hay tham gia từng lễ tiết, tôi không ngừng chứng kiến hình ảnh này.

Lễ cần bao nhiêu người?

Một vị xướng lễ. Một người lo đứng hầu rượu. Một vị đọc văn cáo. Một người đứng lạy. Hai vị đứng ở vị trí chiêng và trống. Sau tam tuần tứ bái và đọc văn cáo xong là xướng "khỉ lệnh". Sau khi xướng "khỉ lệnh" thì đầu là 3 hồi chiêng. Sau 3 hồi chiêng là đến 3 hồi trống. Từ đó về sau là thỉnh thoảng điểm 2 tiếng chiêng 2 tiếng trống xen kể nhau. Khi nào xướng lễ tất thì cùng cả chiêng trống đều đánh 1 hồi dài kết thúc.

Lễ phẩm gồm những gì?

Nhân gian có câu: "Vô tửu bẩt thành lễ". Lễ phải có rượu. Sau ba tuần rượu là đến tuần trà. Có ấm trà, hoa, quả, cau trầu, ít tiền vàng. Thế là đủ. Lễ bạc, nhưng rất trịnh trọng.

Thi hài chưa liệm vào áo quan thì chưa được lễ cáo. Tổ quốc hay giang sơn hiện hữu rất thiêng liêng trong tâm thức cộng đồng làng xã người Việt là ở đó. Vấn đề Hiếu sự, bao nhiêu lễ tiết giữa lúc tang gia, nhưng, mọi việc chỉ thực sự bắt đầu khi có Lễ cáo giang sơn

Ai là người đứng ra làm lễ này?

Đơn cử như trong đám tang bác tôi, hai vị đứng ra phụ trách chiêng và trống là do Xóm cử. Phân định ở quê tôi, những người làm công việc "chấp lệnh" phải phụ trách bắt đầu từ Xóm, rồi lên Phái, lên Họ, sau cùng mới ra Làng là cao nhất.

Người mất, từ 90 tuổi trở lên thì danh dự là được Làng đi phúng điếu. Tất nhiên là với điều kiên người dân làng đó trong quá trình sống không phạm vào "luân thường đạo lý".

Sống phạm vào "luân thường đạo lý", người đó không được hưởng hai việc trọng đại nhất trong Lễ tang. Đó là không được đi triệu tổ và không được Làng đi phúng điếu.

Đó là một bất hạnh, một điều tủi nhục nhất cho một người con dân làng, sống mà chết không được Lễ Tổ tiên.

Tục cáo giang sơn trước khi bắt đầu một nghi lễ là nét văn hóa Việt vô cùng đáng quý và có ý nghĩa thiêng liêng. Người Việt, bất kể trong một dịp nào, từ lễ tết, hội hè, đình đám... bất kể đi xa về gần, trong nết ăn ý ở đều tâm niệm và răn dạy con cháu chỉ một điều không thể xem nhẹ, không thể lãng quên. Đó là: Nước chảy tự nguồn, lá rụng về cội. Đó là: Con người có cố có ông, như cây có cội, như sông có nguồn”. Không quên nguồn cội, ghi nhớ công ơn tiên tổ và giữ lòng hiếu trung chính là cái gốc đầu tiên của đạo làm người trong nếp sống văn hóa Việt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top