Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty BĐS Đất Lành, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội BĐS TP. HCM cho biết: Thực tế, thủ tục đầu tư dự án tại Hà Nội khắt khe hơn.
Theo ông Đực, đầu tư dự án BĐS khác với nhiều lĩnh vực đầu tư khác, phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ.
Trong khi các doanh nghiệp TP. HCM có thể có quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương, nhưng lại không có mối quan hệ đủ mạnh với chính quyền Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc. Vì thế nếu “Bắc tiến”, doanh nghiệp phía Nam khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp bản địa nên không dám mạo hiểm.
Một vấn đề khác khiến doanh nghiệp địa ốc phía Nam không mặn mà đầu tư dự án ra phía Bắc, theo ông Đực, vì thị trường phía Nam rất rộng lớn, từ Đà Nẵng, Nha Trang, TP. HCM, Bình Dương đến Phú Quốc. Đấy là một thị trường rất rộng lớn và sôi động, bản thân các doanh nghiệp phía Nam cũng chưa khai thác hết.
Thừa nhận thị trường BĐS phía Nam có nhiều tiềm năng, nhưng ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP dịch vụ và địa ốc Đất Xanh Miền Bắc khẳng định: Có rất nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Nam đã từng có ý định tấn công đầu tư dự án tại thị trường Hà Nội.
“Theo tôi được biết thì các doanh nghiệp lớn như Novaland, Hưng Thịnh, Hoàng Quân, Phát Đạt… đều từng có ý định rất nghiêm túc đầu tư dự án tại Hà Nội”, ông Quyết khẳng định.
Theo ông Quyết, việc các doanh nghiệp địa ốc phía Nam từng rầm rộ “Bắc tiến” chào bán sản phẩm cho thấy các doanh nghiệp đánh giá rất cao tiềm năng tại thị trường phía Bắc. Tuy nhiên, việc đầu tư dự án sau đó lại không diễn ra. Lý do chính, là sự khác biệt về văn hóa.
Cụ thể theo ông Quyết, văn hóa trong Nam rất thẳng, nói là làm. Các thủ tục đầu tư dự án thường thực hiện rất nhanh, chỉ trong vài tháng, chứ không có chuyện thủ tục đầu tư dự án kéo dài đến 3 - 4 năm như tại Hà Nội.
Việc nhiều doanh nghiệp phía Nam ra ngoài Bắc tìm cơ hội đầu tư, cách làm dự án thấy có nhiều khác biệt, khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp bản địa nên hầu hết sau đó đều không tiếp tục thực hiện tham vọng “Bắc tiến” của doanh nghiệp.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn BĐS Soho Việt Nam cũng đồng tình khi cho rằng, việc có ít doanh nghiệp địa ốc phía Nam “Bắc tiến” triển khai dự án lý do đầu tiên vì thị trường trong Nam đã rất lớn, có tiềm năng hơn và hoạt động sôi động hơn thị trường địa ốc Hà Nội.
Một lý do khác khiến ít doanh nghiệp địa ốc phía Nam đầu tư dự án tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, vì thị trường BĐS có tính địa phương rất cao. Doanh nghiệp chỉ có xu hướng đầu tư dự án mới, hoặc thâu tóm dự án dở dang để tiếp tục triển khai khi đã có mối quan hệ rất thân với chính quyền. Nếu không có mối quan hệ đủ mạnh, doanh nghiệp sẽ không dám mạo hiểm.
Ngoài ra, yếu tố về chỉ số năng lực cạnh tranh cũng tác động mạnh đến việc “Bắc tiến” của doanh nghiệp địa ốc phía Nam.
Theo ông Cần, các tỉnh phía Nam thường có chỉ số cạnh tranh cao hơn nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội. Việc chỉ số cạnh tranh cao hơn khiến việc làm các thủ tục đầu tư dự án tại các tỉnh phía Nam thường nhanh hơn, và tốn ít chi phí hơn.
Cụ thể tại TP. HCM, ông Cần cho biết, việc thực hiện thủ tục đầu tư dự án được tính theo tháng, trong khi tại Hà Nội, để thực hiện được dự án, doanh nghiệp chắc chắn phải mất nhiều năm.
Trong khi thị trường BĐS Hà Nội không thu hút được nhiều doanh nghiệp phía Nam “Bắc tiến” đầu tư dự án, thì thị trường lại đang diễn ra xu hướng ngược lại: Ngày càng có nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Bắc “Nam tiến” đầu tư dự án tại các tỉnh phía Nam.
Cụ thể trong 3 năm qua, hầu hết các doanh nghiệp lớn như Vingroup, FLC Group, CEO Group, Tập đoàn Mường Thanh, Địa ốc Hòa Bình, Tập đoàn Geleximco… đều đã “Nam tiến”, rót hàng tỷ đô la vào thị trường địa ốc phía Nam.
Xu hướng “Nam tiến” của doanh nghiệp địa ốc phía Bắc đang mạnh đến nỗi, chỉ trong 2 năm trở lại đây, doanh nghiệp phía Bắc đã chi phối thị phần lớn của thị trường BĐS nghỉ dưỡng, vốn rất phát triển và được dự báo còn tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới.