Aa

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ lọt "tầm ngắm" của tập đoàn Tài chính Canada

Chủ Nhật, 09/07/2017 - 15:29

Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản số 534 thông báo kết luận của Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong về nội dung làm việc với một số tỉnh về tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Theo đó, sau khi nhận được đề xuất của Viện Khoa học Công Nghệ Phương Nam và Tập đoàn Tài chính MorFund (Canada), TP HCM đồng thuận về sự cần thiết đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ cho sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM chủ trì, phối hợp với Sở GTVT các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Viện Khoa học Công Nghệ Phương Nam để thống nhất về quy hoạch tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, làm cơ sở trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và Tập đoàn Tài chính MorFund, Viện Khoa học Công Nghệ Phương Nam, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) để thống nhất phương thức hợp tác đầu tư cho tuyến đường sắt này. Qua đó, đẩy nhanh công tác chuẩn bị hồ sơ trình các cấp có thẩm quyết phê duyệt.

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đã được Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam nghiên cứu từ nhiều năm trước. Theo Viện này, việc đầu tư hệ thống đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là cần thiết, tác động tích cực đến sự phân công lao động chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam, TP.HCM là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuộc miền Đông Nam bộ; TP.Cần Thơ là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Vì vậy, việc đầu tư xây dựng đường sắt nối hai trung tâm kinh tế lớn phục vụ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng hết sức cần thiết. Dự báo của Đoàn Nghiên cứu JICA, đến năm 2030, khối lượng vận tải hành khách trên hành lang TP.HCM-Cần Thơ sẽ tăng gấp 4,8 lần so với năm 2008, khối lượng vận tải hang hoá cũng sẽ tang 3 lần so với năm 2008.

Trước tính cấp bách trên, ngày 7/1/2002, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 06/2002/QĐ-TTg quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, nhiều cơ quan chuyên ngành lập báo cáo dự án tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM-Cần Thơ.

Đến ngày 6/11/2013, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đồng ý cho Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam tiến hành nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên theo hình thức hợp đồng BOT (100% vốn đầu tư của nhà đầu tư không cần bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam).

Theo đề xuất của Viện, điểm đầu vận tải hàng hoá: ga lập tàu hàng An Bình (thuộc xã An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương), thuộc tuyến đường sắt Trảng Bom, Hoà Hưng. Điểm đầu vận tải hành khách tại ga Tân Kiên (thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Điểm cuối tại ga Cái Răng (thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ). Theo đó, chiều dài toàn tuyến dài 135,5 km. Đường sắt hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, khổ đường 1.435 mm, tốc độ tàu khách 200 km/h; tốc độ tàu hàng 150 km/h.

Như vậy, từ TP.HCM-Cần Thơ chỉ mất 45 phút. Toàn tuyến có 11 ga đi qua 6 tỉnh, thành phố nối với điểm dừng chân của đường cao tốc. 11 ga được xây dựng thành 11 thành phố vệ tinh công nghiệp hoá-hiện đại hoá.

Trước tầm quan trọng của dự án, nhiều năm liền, UBND TP.HCM kêu gọi đầu tư. Dự án có tổng số vốn đầu tư 5 tỷ USD, tương đương 112.000 tỷ đồng, mỗi km có suất đầu tư 27 triệu USD, giá trị đầu tư xây dựng 2 cây cầu khoảng 700 triệu USD. Dự kiến cuối năm 2024, dự án vận hành thử hệ thống và đưa vào sử dụng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top