Du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn
Tuyên Quang được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, bởi đây là nơi có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp nhưng tiềm năng chưa được đánh thức. Tuyên Quang có quần thể di tích lịch sử với trên 600 điểm di tích, có hệ thống đền chùa, suối khoáng nóng và hồ sinh thái Na Hang. Cùng với đó, tỉnh có hệ động thực vật phong phú, tỷ lệ che phủ rừng lên đến 65%, trong đó còn nhiều rừng nguyên sinh, thú quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam...
Để khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, mới đây, tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do đó phải chú trọng khai thác các yếu tố có lợi thế nhất của địa phương để tạo sự khác biệt, độc đáo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, lưu trú và nghỉ dưỡng dài ngày.
Các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch. Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, với hệ thống giao thông từng bước được kết nối đến các khu, điểm du lịch. Đến nay, tỉnh hình thành 385 cơ sở lưu trú và 220 cơ sở ăn uống nhà hàng, từng bước đáp ứng được yêu cầu của du khách. Tỉnh cũng đã thu hút được một số tập đoàn lớn đầu tư xây dựng các khu du lịch tầm cỡ như: Tập đoàn Vingroup, Sun Group, FLC, Mường Thanh… Hiện tăng trưởng du lịch tỉnh Tuyên Quang bình quân 4,85%/năm, trong cả giai đoạn 2016 - 2020 thu hút trên 8,4 triệu lượt khách du lịch, tổng thu xã hội đạt trên 7 nghìn tỷ đồng.
Tiềm năng du lịch của tỉnh từng bước được phát huy, từ một tỉnh chưa được nhiều du khách biết đến thì nay, nhiều tour đã được các công ty du lịch kết nối, đưa khách về Tuyên Quang thăm khu du lịch Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm, hồ sinh thái Na Hang.
Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn là tỉnh còn nghèo, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, tiềm năng lợi thế chưa được phát huy; quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; năng lực cạnh tranh, năng suất lao động còn thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế; khó khăn trong thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng về công nghiệp chế biến, nông nghiệp hàng hóa, đặc biệt là du lịch...
Mặc dù thế mạnh du lịch của tỉnh đã được khai thác, từng bước mang lại giá trị kinh tế cho người dân nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thu ngân sách Nhà nước từ du lịch còn thấp, người dân chưa giàu lên từ du lịch.
Tỉnh Tuyên Quang xác định, để du lịch thực sự là khâu đột phá, động lực cho sự phát triển trong thời gian tới, cần có sự hoạch định một cách bài bản bảo đảm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Bên cạnh những phần việc phải làm trong xây dựng hạ tầng du lịch, phát triển các khu, điểm du lịch, thì Tuyên Quang phải làm tốt công tác bảo vệ rừng, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, nếu mất đi những yếu tố này, Tuyên Quang sẽ không còn có cái riêng độc đáo, khi đó rất khó để phát triển du lịch.
Tập trung xây dựng được các sản phẩm du lịch, nổi bật là Lễ hội thành Tuyên đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có do chính nhân dân sáng tạo, khởi xướng. Lễ hội được tổ chức thường niên gắn với các sự kiện văn hóa cấp quốc gia và khu vực, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự và đã được Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận Lễ hội có nhiều mô hình đèn trung thu độc đáo, hấp dẫn, lớn nhất Việt Nam.
Là mảnh đất của nhiều đền, chùa nổi tiếng, thích hợp cho việc phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh, Tuyên Quang đã khẳng định được thương hiệu là “vùng đất linh thiêng", "miền đất Mẫu" được nhiều khách hành hương, chiêm bái nhắc tới.
Tỉnh tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm mang tầm cỡ quốc tế; phát triển thương hiệu Khu danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình; xây dựng Khu du lịch Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch Quốc gia; xây dựng Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch mang thương hiệu Quốc gia; Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La là sản phẩm du lịch tâm linh mang thương hiệu khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025 đón 2,6 triệu lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng; đến năm 2030 đón 3,2 triệu lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 4 nghìn tỷ đồng…
Động lực cho bất động sản cất cánh
Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và quy hoạch tổng thể 3 khu: Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang.
Hiện một loạt nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án phát triển du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chất lượng cao tại Tuyên Quang như: Trung tâm Thương mại, nhà phố thương mại (Shophouse) Vincom Tuyên Quang; dự án Vinpearl Tuyên Quang (của Tập đoàn Vingroup); Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang (của Tập đoàn khách sạn Mường Thanh), Tập đoàn FLC và nhiều nhà đầu tư đang tìm hiểu, triển khai dự án đầu tư tại huyện Sơn Dương, Nà Hang, Lâm Bình.
Đặc biệt, Tuyên Quang xác định phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng là thế mạnh của tỉnh. Dự án Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đã thu hút một số doanh nghiệp lớn đang đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, trong đó có dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang.
Từ giữa năm 2019, Tập đoàn Vingroup tổ chức lễ động thổ, dự án vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng công cộng thuộc Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm. Hiện tại, Vingroup có hai dòng sản phẩm chính bao gồm phân khu trung tâm dòng sản phẩm Shophouse Vinpearl Tuyên Quang – Nhà phố thương mại dịch vụ và phân khu biệt. Với sự đầu tư bài bản, hiện đại của Tập đoàn Vingroup, thương hiệu Suối khoáng Mỹ Lâm được kỳ vọng sẽ lan tỏa đến mọi miền đất nước và khách du lịch quốc tế.
Mới đây, Tuyên Quang mời thầu dự án khu dân cư sinh thái Mimosa có tổng mức đầu tư khoảng 461,8 tỷ đồng, tổng diện tích sơ bộ của dự án khoảng 92,36 ha, quy mô dân số dự kiến khoảng 800 người.
Theo đó, dự án khu dân cư sinh thái Mimosa sẽ được triển khai tại xã Nhữ Khê và xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn. Tổng số nhà ở thương mại dự kiến là 188 căn; trong đó, nhà chia lô liền kề 70 căn, biệt thự và nhà vườn 118 căn.
Mục tiêu của dự án là hình thành một khu dân cư sinh thái với mật độ xây dựng thấp được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, theo hướng văn minh, hiện đại có đầy đủ tiện ích, bao gồm các công trình nhà ở (liền kề, biệt thự, nhà vườn) kết hợp với các khu dịch vụ, nghỉ dưỡng, khách sạn được thiết kế hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và được phân cách bởi các không gian xanh.
Đây sẽ là điều kiện để đưa Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm trở thành khu du lịch dịch vụ tổng hợp cao cấp, tạo đà thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển bền vững.
Vừa qua, Tuyên Quang đã hoàn thiện các thủ tục tạo điều kiện cho Tập đoàn FLC đầu tư dự án phát triển du lịch tại huyện Sơn Dương.
Được biết, đây là những dự án quy mô lớn, mang tính chiến lược được của Tập đoàn FLC tập trung thực hiện trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của Tuyên Quang, tạo thêm việc làm, nâng cao mức sống cho người dân địa phương. Các dự án được triển khai hầu hết kết nối với các trung tâm đô thị của tỉnh, các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, du lịch tâm linh thành phố Tuyên Quang và các tỉnh trong khu vực tạo thành quần thể du lịch có tính liên kết mạnh mẽ, bảo đảm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn trong tương lai gần.
Một dự án khác là Khu đô thị mới Trung Môn (Yên Sơn) với 71,5 ha với điểm nhấn là khu nhà ở trung tâm thương mại cao tầng; hệ thống trường mầm non, trường tiểu học, THCS, các khu nhà phố thương mại, nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề và hệ thống công viên cây xanh. Khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao Thái Long với 529 ha, trong đó có trung tâm hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện; khu vui chơi mạo hiểm, sân gôn và khu nhà ở nghỉ dưỡng, nhà vườn, homestay.
Còn Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao và giải trí huyện Sơn Dương được xây dựng với 1.400 ha tại xã Tú Thịnh và Minh Thanh tập trung phát triển khách sạn, resort, sân gôn, các trò chơi mạo hiểm khai thác địa hình núi cao.
Ngoài ra, Tập đoàn Sun Group đang có kế hoạch đầu tư phát triển du lịch, thương mại tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) mở ra cơ hội lớn kết nối phát triển du lịch, dịch vụ bảo đảm du lịch thực sự trở thành khâu đột phá, tạo nhiều việc làm cho người dân.
Với sự đầu tư của các “ông lớn” vào Tuyên Quang, đây sẽ là cơ hội, động lực cho bất động sản Tuyên Quang, đặc biệt du lịch nghỉ dưỡng phát triển trong tương lai. Đồng thời, tạo nên sức hút, làn gió mới cho các nhà đầu tư vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Tuyên Quang.