Aa

Tuyên Quang: Nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp

Thứ Năm, 15/08/2024 - 16:11

Nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về tài nguyên, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; qua đó góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, làm thay đổi diện mạo ở nhiều vùng nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Thu hút các dự án lớn

Để các khu, cụm công nghiệp thực hiện được mục tiêu về phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, những năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, đồng thời thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp của tỉnh đã có bước tăng trưởng đột phá về cả quy mô và năng lực sản xuất, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng GRDP của tỉnh. Tính đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 2 khu, 6 cụm công nghiệp thu hút được 39 dự án công nghiệp, cơ bản lấp đầy các khu, cụm công nghiệp có lợi thế, nằm trong vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Tuyên Quang: Nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp- Ảnh 1.

Công nhân nhà máy sản xuất chế biến nông sản JW (Công ty TNHH JW Nông sản Hàn Quốc), cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) chế biến sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

Sơn Dương là huyện nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, tiếp giáp với các tỉnh Vĩnh Phú, Thái Nguyên, Phú Thọ, trong những năm qua, huyện Sơn Dương đã tập trung mời gọi, thu hút nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khu công nghiệp Sơn Nam với 7 dự án, tổng số vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 35%; cụm công nghiệp Phúc Ứng thu hút được 12 dự án với tổng mức đầu tư trên 1.100 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 82,5%. Những điều kiện này đã giúp Sơn Dương trở thành điểm sáng, là sự lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Nhà máy sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu của Công ty TNHH JW Nông sản Hàn Quốc tại Cụm Công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đã mở ra triển vọng rất lớn cho việc bao tiêu sản phẩm rau, củ quả cho người nông dân trên địa bàn. Ông Trương Văn Hùng, Quản lý Nhà máy sản xuất chế biến nông sản JW (Công ty TNHH JW Nông sản Hàn Quốc), cụm công nghiệp Phúc Ứng cho biết, môi trường đầu tư của huyện Sơn Dương trong thời gian qua là lành mạnh và an toàn. Các nhà đầu tư được tạo điều kiện hết sức thuận lợi, nhất là về thủ tục đầu tư và mặt bằng xây dựng nhà máy, tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp. Hiện nay, công ty đầu tư nhà máy với diện tích 4,5 ha, giá trị đầu tư gần 46 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy chuỗi liên kết tuần hoàn giữa nhà máy - hợp tác xã - người nông dân, mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực chế biến rau, củ, quả xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, đồng thời, nhà máy cũng đang tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động tại địa phương.

Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang được đầu tư xây dựng trên diện tích 3,3 ha tại Khu Công nghiệp Long Bình An, nhà máy có công suất thiết kế sản xuất viên nén sinh khối 150.000 tấn sản phẩm/năm, dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm, với tổng vốn đầu tư là hơn 478 tỷ đồng, tương đương hơn 20 triệu USD. Dự kiến nhà máy sẽ vận hành chạy thử vào tháng 11 năm nay và chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2025. Ông Takai Kengo, đại diện chủ đầu tư Công ty Cổ phần erex, Nhật Bản cho biết: Để khánh thành và đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch, đơn vị đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và lắp đặt máy móc thiết bị. Hiện nay, tiến độ xây dựng nhà máy đã hoàn thành được khoảng 50% khối lượng công việc.

Rộng cửa đón nhà đầu tư

Với mục tiêu đến năm 2025, giá trị công nghiệp của tỉnh đạt trên 27.700 tỷ đồng,  các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện trên các lĩnh vực, tiếp tục thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là việc hoàn thiện tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là điều kiện lý tưởng để thu hút các nhà đầu tư đến với Tuyên Quang. Đồng thời, tỉnh luôn chú trọng quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…

Tuyên Quang: Nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp- Ảnh 2.

Cụm công nghiệp An Thịnh, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) thu hút các nhà đầu tư.

Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để cụ thể hóa Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 25/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025; rà soát bổ sung các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vào quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và bổ sung, tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 với 7 khu công nghiệp, 24 Cụm công nghiệp với diện tích 1.113 ha trên địa bàn tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 30/3/2023. sở công thương tham mưu cho UBND tỉnh thành lập và lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế (Sơn Dương), đây là cụm công nghiệp đầu tiên được UBND tỉnh lựa chọn và giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp.

Đồng chí Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, hiện nay, Khu công nghiệp Long Bình An tỷ lệ lấp đầy đạt 96,5% và Khu Công nghiệp Sơn Nam tỷ lệ lấp đầy 42,3%. Với phương châm rộng cửa đón nhà đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp luôn nêu cao tinh thần cầu thị, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi kêu gọi doanh nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp sẽ có sự sàng lọc. Đó là lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực thật sự để vào đầu tư hoạt động hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp ngân sách cho địa phương. Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp trên các lĩnh vực không gây ra chất thải, nước thải nguy hại làm ô nhiễm môi trường. Qua đó, sẽ góp phần lấp đầy các khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới.

Định hướng và giải pháp liên quan đến phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, sẽ góp phần củng cố năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh, từ đó kiến tạo thêm cơ hội để tỉnh thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Tuyên Quang./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top