Mới đây theo báo VnExpress, dựa trên lộ trình Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, từ tháng 7/2026, xe máy chạy xăng sẽ không được phép lưu thông trong tuyến Vành đai 1 Hà Nội.
Theo đó, dự kiến từ ngày 1/1/2028, ngoài việc cấm xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu, ô tô cá nhân có sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng sẽ bị hạn chế trong khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2.
Đến năm 2030 sẽ áp dụng đối với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.

Toàn cảnh các tuyến Vành đai 1, 2,3. Ảnh: Báo VnExpress
Tuyến Vành đai 1 Hà Nội được xem là trục lõi của đô thị, đóng vai trò là sợi dây kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của TP. Hà Nội với tổng chiều dài 7,2km.
Vùng giao thông xung quanh lõi trung tâm có chiều dài khoảng 30km, đây là nơi sinh sống của khoảng hơn 600.000 người.
Báo Lao Động cho biết, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường Vành đai 1 của Hà Nội sau khi hoàn thành sẽ khép kín khu vực nội đô, "ôm" lấy vùng lõi của Thủ đô.

Tuyến Vành đai 1 Hà Nội hiện vẫn chưa được khép kín hoàn toàn. Ảnh: Tạp chí Tri thức
Các tuyến đường nằm trên đường Vành đai 1 gồm: Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái.
Thực tế, Dự án Vành đai 1 chưa được khép kín do vẫn còn đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục hiện đang được triển khai thi công.

Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có tổng vốn đầu tư 7.200 tỷ đồng, thuộc tuyến Vành đai 1 là đoạn đường được mệnh danh "đắt nhất hành tinh". Ảnh: Báo Lao Động
Dự án Xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có tổng vốn đầu tư 7.200 tỷ đồng, từ ngân sách TP.
Trong tổng vốn đầu tư đó, chi phí giải phóng mặt bằng tốn đến 5.800 tỷ đồng, chi phí xây dựng đường là 636 tỷ đồng.
Dự án được phê duyệt vào tháng 12/2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2020 nhưng bị chậm tiến độ, phải lùi đến năm 2025.
Hiện nay, dọc dự án này (đoạn từ đường Hoàng Cầu đến Voi Phục) khá nhỏ hẹp và thường xuyên ùn tắc. Do đó, việc giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án đường Vành đai 1 là vô cùng cấp thiết.
Vì đi qua khu vực trung tâm TP. Hà Nội với mật độ dân cư đông đúc nên mức đầu tư cho đoạn đường này ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) khá đắt đỏ. Đây cũng là lý do mà tuyến đường này được mệnh danh là "tuyến đường đắt nhất hành tinh" vì chỉ dài 2,2km.

Tuyến Vành đai 1 được xem là trục lõi của đô thị. Ảnh: Tạp chí Tri thức
Theo như kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng tại quận Ba Bình sẽ hoàn thành trong quý I/2025, còn quận Đống Đa trong quý II/2025. Tại nút giao Láng Hạ - Giảng Võ - La Thành và nút giao La Thành - Nguyễn Chí Thanh, mặt bằng đã cơ bản được giải tỏa.
Trong khi đó, tuyến phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn hiện đã được quy hoạch đồng bộ, có thể đáp ứng 8-10 làn xe.
Những hạng mục cầu vượt, cầu đi bộ, hầm chui đều đã được hoàn thiện nhằm đáp ứng lưu lượng phương tiện tăng đột biến trong giờ cao điểm.
Tại khu vực ngã ba đường Lạc Long Quân - Âu Cơ và chạy thẳng đến Nghi Tàm - Yên Phụ hiện cũng đã hoàn thành việc nâng cấp.
Dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm, đoạn từ lối vào khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân có chiều dài 3,7km. Dự án này thuộc Dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên giai đoạn hai, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, tổng vốn 815 tỷ đồng.
Thời điểm tháng 10/2024, TP. Hà Nội đã tiến hành thông xe Dự án nâng cấp đường Âu Cơ - Nghi Tàm.
Trên trục đường Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư thuộc Vành đai 1 chạy sát khu vực phố cổ, hiện đi qua nhiều địa điểm văn hóa, du lịch nổi tiếng của Thủ đô.
Theo các chuyên gia, việc cấm xe máy xăng từ 7/2026 sẽ khiến nhiều người dân từ ngoài Vành đai 1 phải dừng xe xăng và chuyển sang phương tiện khác. Quyết sách này có thể tác động đến một vùng có diện tích khoảng 31,5km2, nơi sinh sống của gần 600.000 người cũng như phạm vi di chuyển của hàng triệu người tại Hà Nội.
Thực tế hiện nay, theo báo VnExpress, khu vực Vành đai 1 đang có mật độ xây dựng thuộc diện lớn nhất TP, rất ít đất trống để có thể bố trí làm bãi đỗ xe. Việc xây dựng các bãi đỗ xe cũng gặp nhiều khó khăn do một số bãi là đất ở, đất công sở hoặc nằm trong khu đất khó giải phóng mặt bằng.