Ngân hàng được lợi?
Sáng 6/7, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố không thay đổi so với hôm trước đó, ở mức 22.638VND/USD. Với biên độ +/-3%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần lần lượt là 21.959 - 23.317VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN cũng không thay đổi khi mua vào tại 22.700VND/USD và bán ra ở mức 23.050VND/USD, mức bán này hiện thấp hơn 20 - 30 đồng so với các ngân hàng thương mại (NHTM).
Tỷ giá USD mua vào tại các NHTM hiện phổ biến quanh mức 23.000VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá chiều bán ra phổ biến từ 23.070 - 23.090VND/USD.
Vietcombank hiện niêm yết tỷ giá ở mức 23.005 - 23.075VND/USD, tạm thời không chênh lệch so với chiều hôm 5/7. Trước đó, đầu giờ sáng, giá mua - bán USD tại nhà băng này đã có lúc tăng mạnh lên 23.020 - 23.090VND/USD, sau đó được điều chỉnh giảm trở lại.
BIDV cũng đang để giá mua bán USD ở mức 23.005 - 23.075VND/USD. VietinBank chỉ tăng nhẹ 2 đồng lên 22.999 - 23.079 VND/USD.
Các ngân hàng khác đa số đều không thay đổi. Techcombank hiện tại là 22.980 - 23.090VND/USD. ACB niêm yết 23.000 - 23.080VND/USD.
Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng cho thấy giá đồng USD không hề giảm nhiệt dù trước đó, ngày 2/7, Thống đốc NHNN đã có phát ngôn trấn an thị trường là “sẵn sàng can thiệp khi ngoại tệ có vấn đề”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính thì tỷ giá tăng chưa hẳn là điều bất lợi cho các đơn vị quản trị ngoại tệ và có thể đối tượng được lợi nhất lúc này là các ngân hàng thương mại.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, hiện các ngân hàng đang kinh doanh ngoại hối qua 2 hình thức là tự doanh và theo đơn đặt hàng.
Với loại kinh doanh theo đơn đặt hàng thì ngân hàng có đơn đặt hàng mua ngoại hối sẵn, sau đó ra ngoài thị trường mua với giá thấp hơn về bán lại cho doanh nghiệp để ăn chênh lệch. Với hình thức kinh doanh này ngân hàng là trung gian và không phải chịu rủi ro nào cả.
Với hình thức tự doanh, các NHTM mua ngoại tệ với giá thấp khi thị trường thuận lợi và găm giữ ngoại tệ đến khi được giá cao sẽ bán. Tuy nhiên, hình thức này tiềm ẩn rủi ro vì tạo ra trạng thái hàng tồn kho, mất giá khi tỷ giá giảm. Vì vậy, NHNN quy định các ngân hàng mua ngoại tệ không được vượt quá 20% vốn tự có tại một thời điểm.
Với cả 2 phương án nêu trên thì khi tỷ giá tăng cao các ngân hàng kinh doanh ngoại hối đều sẽ được hưởng lợi từ việc mua thấp bán cao. “Chính vì thế, có nhiều trưởng hợp tỷ giá biến động không phải do thị trường mà do các ngân hàng găm giữ ngoại tệ”, ông Hiếu chia sẻ.
Trước phát biểu của NHNN về việc “sẵn sàng can thiệp khi ngoại tệ có vấn đề”, ông Hiếu cho rằng NHNN không nên can thiệp vào thị trường lúc này mà cần để nó vận hành theo đúng quy luật chung.
Cụ thể, NHNN muốn có chính sách tỷ giá được ổn định, nhưng điều đó không có nghĩa là duy trì mức giá như hiện tại. Bởi mong muốn duy trì một mức giá như hiện tại sẽ kiềm chế xuất khẩu, không có lợi cho xuất khẩu.
“Để xuất khẩu được khuyến khích thì tỷ giá cần được nới lỏng, tăng thêm từ 1 - 3% trong thời gian tới”, ông Hiếu bày tỏ quan điểm.
Dựa trên tình hình thực tế, ông Hiếu nhận định, từ nay tới cuối năm, tỷ giá sẽ tiếp tục nổi sóng, biến động, trong khi dự trữ ngoại hối trong nước mới chỉ đủ 3 tháng nhập khẩu, “đây mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ cho dự trữ ngoại hối. Vì thế, thiết nghĩ dùng dự trữ ngoại hối lúc này sẽ gây hao hụt và rủi ro”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”!
Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, Trưởng Ban Tài chính PVN, rủi ro về tỷ giá là rủi ro chính, trọng yếu nhất mà các doanh nghiệp ngành dầu khí thường gặp phải. Đối với các doanh nghiệp của PVN hiện có tổng mức giao dịch bằng ngoại tệ thường xuyên hàng năm khoảng 5 – 7 tỷ USD thì mức độ ảnh hưởng của biến động tỷ giá là rất lớn.
Thông tin từ PVN cho biết, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) có giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí chiếm hơn 80%. Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) phải thanh toán nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài khoảng 850 triệu USD/năm. Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có nhu cầu khoảng 1 tỷ USD/năm để trả tiền mua dầu thô nguyên liệu và trả nợ vay có gốc ngoại tệ.
Cùng với đó, Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS) phải mua USD phục vụ nhập khẩu LPG và thanh toán cho các nhà thầu cung cấp máy móc thiết bị, công trình dầu khí. Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) có nhu cầu sử dụng ngoại tệ để trả nợ vay bằng ngoại tệ để đầu tư nhà máy điện. Trong khi đó, nguồn thu từ bán khí, xăng dầu, điện trong nước của đơn vị này chủ yếu thu bằng VND.
Tại Công ty mẹ - PVN, theo kế hoạch hàng năm, đơn vị này cần mua thêm khoảng 500 triệu USD để đáp ứng nhu cầu thanh toán sau khi cân đối các nguồn thu và chi ngoại tệ…
Đại diện một công ty xuất nhập khẩu cũng cho biết họ đang như "ngồi trên đống lửa" vì biến động của tỷ giá. Bởi không chỉ những công ty chuyên xuất khẩu vay USD khi thanh toán không được lợi mà ngược lại, với những công ty nhập khẩu cũng chịu chung số phận. "Tỷ giá tăng thì xuất khẩu thu được nhiều ngoại tệ nhưng công ty tôi phải vay USD để nhập hàng và nguyên liệu từ nước ngoài nên thiệt hại lớn…", vị này cho hay.
Theo một khảo sát toàn cầu do Ngân hàng HSBC và FT Remark thực hiện mới đây với 200 giám đốc tài chính (CFO) và gần 300 chuyên viên quản lý nguồn vốn, phần lớn CFO của các doanh nghiệp lớn cho rằng, họ phải đối mặt với lợi nhuận giảm trong hai năm vừa qua do ảnh hưởng từ các rủi ro có thể tránh được liên quan đến phòng ngừa và kiểm soát rủi ro khi tỷ giá biến động.
Đồng thời, hơn một nửa CFO tham gia khảo sát tin rằng, biến động tỷ giá là loại rủi ro mà doanh nghiệp của họ ít có sự chuẩn bị để đối phó nhất. Những lo ngại này phản ánh mức độ biến động ngày càng tăng của các loại tiền tệ trong bối cảnh triển vọng về địa chính trị và kinh tế vỹ mô thiếu ổn định.
“Các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp thực hiện nguyện vọng quản lý rủi ro hiệu quả thông qua việc cung cấp các giải pháp quản lý rủi ro tích hợp, phát triển các công cụ kỹ thuật số mới, cung cấp thông tin chiến lược chuyên sâu được hỗ trợ bởi các thông tin kiến thức sẵn có trên toàn cầu và tại thị trường trong nước”, Rahul Badhwar - Giám đốc Toàn cầu khối Dịch vụ ngoại hối và quan hệ khách hàng, phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp tại HSBC cho biết.
Trong bối cảnh “tỷ giá nổi sóng” như hiện nay, nhiều chuyên gia trong nước cũng cho rằng nếu tỷ giá liên tục tăng cao là tín hiệu không tốt cho nền kinh tế. Nếu phá giá mạnh VND sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá trị VND. Thêm nữa, tỷ giá tăng sẽ kéo theo một loạt mặt hàng tăng giá theo như xăng dầu, điện nước, giá y tế, giáo dục... Như vậy, công cuộc kiểm soát lạm phát của Chính phủ liệu có càng khó khăn?!