Cụ thể, như đề cập ở bản tin trước, ngay trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2019, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã nâng mạnh giá mua vào USD, từ mức 22.700 VND lên 23.200 VND - điều chỉnh để phản ánh và phù hợp hơn với "mặt bằng" thị trường sau một năm đã có nhiều thay đổi.
Theo đó, mức 23.200 VND trở thành một "chốt chặn" đối với giao dịch USD trên thị trường liên ngân hàng. Đóng vai trò người mua - bán sau cùng, khi tỷ giá tăng hoặc giảm vượt các mức định hướng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện can thiệp bằng bán ra hoặc mua vào.
Mức 23.200 VND vừa điều chỉnh trở thành điểm xác định nhà điều hành có thể mua vào khi giá trên thị trường về mốc này. Từ trước đến nay, mức giá mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước luôn là "chốt chặn" và tỷ giá USD/VND chỉ giảm về đến đó và ngừng lại.
Lần này, dù sau ba phiên đầu tiên sau điều chỉnh trên, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa mua vào ngoại tệ, nhưng tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã chính thức về mốc định hướng mua vào nói trên.
Cụ thể, trong phiên ngày 3/1, giá USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã giảm 10 VND, về mức 23.200 VND. Trong phiên cuối tuần 4/1, giao dịch tiếp tục chạm ở mốc này.
Trong ngắn hạn, nếu giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục chạm điểm "chốt chặn" trên và thị trường dư cung, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ trở lại mua vào ngoại tệ - hoạt động bị gián đoạn từ cuối tháng 5/2018 đến nay.
Khả năng trên gắn với nguồn cung ngoại tệ tiềm năng có yếu tố mùa vụ và một số kỳ vọng thương vụ lớn trong tương lai gần.
Yếu tố mùa vụ gần Tết Nguyên đán, hoạt động chuyển đổi vốn từ USD sang VND thường thể hiện mạnh, phục vụ nhu cầu thanh toán và chi trả dịp cao điểm, tạo cung ngoại tệ thương mại thuận lợi trên thị trường.
Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa kiều hối vào vụ chính.
Theo thông tin từ đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài dẫn thống kê của Ngân hàng Thế giới đưa ra gần đây, mức tăng trưởng kiều hối của Việt Nam đạt 10% mỗi năm. Lượng kiều hối năm 2016 là 11,88 tỷ USD, năm 2017 là 13,8 tỷ USD. Và dự báo Việt Nam tiếp tục nằm trong top những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2018, ước tính đạt 15,9 tỷ USD.
Ở dòng chảy khác, từ đầu 2019 thị trường đón khả năng tiếp tục có những thương vụ lớn từ nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Gần nhất, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sắp hoàn tất giao dịch trị giá khoảng 270 triệu USD trong đợt phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Tương tự, thị trường cũng chờ đợi trường hợp Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cụ thể hóa kế hoạch bán cổ phần cho Hana Bank, sau những chuyển động cuối 2018…
Ở cân đối chung, năm 2018 Việt Nam đã ghi nhận kỷ lục xuất siêu với 7,2 tỷ USD; cán cân tổng thể năm 2018 dự kiến cũng tiếp tục có thặng dư cao.
Ở cân đối lãi suất, cuối 2018 và tuần đầu 2019, chênh lệch lãi suất VND với USD trên thị trường liên ngân hàng được giữ khá ổn định, theo hướng có lợi cho ổn định tỷ giá.
Đến cuối tuần qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng nhẹ 0,04 - 0,09 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với phiên trước. Qua đêm ở 4,65%, 1 tuần 4,83%, 2 tuần 4,89% và 1 tháng 5,10%. Còn lãi suất chào bình quân USD qua đêm 2,53%, 1 tuần 2,60%, 2 tuần 2,69%, 1 tháng 2,83%.
Trên thị trường thế giới, từ cuối 2018 đến tuần đầu 2019, chỉ số USD-Index đã suy giảm đáng kể, về dưới mốc 96 điểm.
Trong khi đó, ở diễn biến mới nhất, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong phát biểu cuối tuần qua đã có biểu hiện mềm mỏng hơn thay vì "quan điểm diều hâu" trước đó về chính sách lãi suất. Và giới đầu tư kỳ vọng FED sẽ ngừng tăng lãi suất ít nhất trong nửa đầu năm 2019.