Nhiều nhận định đáng chú ý về xu hướng tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng cũng như lạm phát vừa được Công ty Chứng khoán MB (MBS) công bố trong báo cáo Economic Outlook 2019.
Tỷ giá có thể tăng từ 1,5 - 2%
Tỷ giá VND/USD biến động khá mạnh trong năm 2018. Sau khi tăng nhẹ trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá tăng mạnh trong các tháng 6 và tháng 7 trước khi hạ nhiệt trở lại vào 3 tháng cuối năm. Tổng kết năm 2018, tỷ giá VND/USD tăng 2,6%.
MBS đánh giá, mặc dù không được ổn định như năm 2017 song diễn biến tỷ giá VND/USD trong năm 2018 là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam khi các quốc gia trong khu vực phải hạ giá mạnh đồng nội tệ trước áp lực tăng của đồng USD.
Theo MBS, áp lực lên tỷ giá VND/USD trong thời gian tới có khả năng tăng lên khi USD có xu hướng tăng trên thị trường toàn cầu (USD index tăng từ mức 91,67 điểm lên mức 97 điểm), tuy nhiên cũng không quá mạnh.
Vẫn theo MBS, quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của FED tiếp tục diễn ra theo lộ trình tiếp tục hỗ trợ đà tăng của USD song không đáng quan ngại do thông tin trên đã được thị trường phản ánh khá nhiều.
Dự trữ ngoại hối được củng cố và duy trì ở mức khá (63,5 tỷ USD), khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời mua vào 11 tỷ USD trong năm 2018, tạo điều kiện giữ ổn định tỷ giá.
"Trong năm 2019, NHNN hoàn toàn có đủ điều kiện chủ động trong việc điều hành tỷ giá linh hoạt trong biên độ an toàn nhờ nguồn cung USD dồi dào và cân đối vĩ mô ổn định", MBS nhận định.
Hiện NHNN vẫn quy định mức lãi suất 0% đối với tiền gửi USD cho cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Trong khi đó, lãi suất huy động VND vẫn được giữ ổn định kể từ đầu năm. Mức chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND ở mức khá cao trong bối cảnh lạm phát duy trì ở hợp lý khiến người dân có xu hướng bán USD và nắm giữ VND. Đây cũng là điều kiện cho NHNN có thêm nhiều dư địa để duy trì mức tỷ giá VND/USD hợp lý.
Bên cạnh đó, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 7,2 tỷ USD trong năm 2018 cũng tạo thêm dư địa cho ổn định tỷ giá tại Việt Nam.
Năm 2019, MBS cho rằng NHNN sẽ chỉ tăng nhẹ tỷ giá VND/USD khoảng 1,5 - 2% nhằm cân đối hai mục tiêu là ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu.
Lãi suất khó tăng mạnh
Trong năm 2018, NHNN đã ra nhiều văn bản điều hành chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt tốc độ và chất lượng tín dụng hệ thống.
Năm 2019, theo MBS, định hướng chinh sách tiền tệ của NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục mang tính thận trọng như trong nửa cuối năm 2018. Thông điệp xuyên suốt được đưa ra là ổn định mặt bằng lãi suất thay vì hạ mặt bằng lãi suất. Tăng trưởng tín dụng cũng được định hướng ở mức dưới 15% thấp hơn năm 2017 và 2018. Tăng trưởng cung tiền được định hướng ở mức 14 - 15% thấp hơn năm 2017 và 2018.
Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là kể từ 1/1/2019 trở đi sẽ giảm xuống còn 40%. MBS nhìn nhận, quy định này cũng sẽ khiến áp lực huy động của các NHTM tăng lên và làm giảm khả năng tăng trưởng tín dụng của các NHTM.
Về tổng thể, mặt bằng lãi suất huy động cuối năm 2018 tăng nhẹ 0,1 - 0,3% tùy kỳ hạn và tùy NHTM so với cuối năm 2017.
Hiện, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm. Lãi suất cho vay hiện phổ biến khoảng 6 -9%/năm đối với ngắn hạn, 9 -11% đối với trung và dài hạn.
"Xu hướng giảm mặt bằng lãi suất nhiều khả năng đã kết thúc khi áp lực lạm phát tăng lên, tuy nhiên khả năng lãi suất tăng mạnh trong năm 2019 cũng không cao do thanh khoản hệ thống dồi dào và NHNN hạn chế tăng trưởng tín dụng", MBS nêu quan điểm.
Rủi ro lạm phát cao trong năm 2019 không đáng kể
CPI bình quân 2018 tăng 3,54% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái. Riêng CPI tháng 12/2018 tăng 2,98% so với tháng 12/2017.
MBS đánh giá, nguyên nhân lạm phát tiếp tục được duy trì ổn định là do NHNN đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng với việc giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng và cung tiền so với năm ngoái.
Cụ thể, trong năm 2018, tín dụng ước tăng dưới 16% và cung tiền ước tăng dưới 14%, thấp hơn đáng kể so với năm 2017. Do đó, áp lực tổng cầu lên lạm phát không quá lớn khi nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn tương đối ổn định. Bên cạnh đó, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá thực phẩm giảm trở lại trong các tháng cuối năm cũng tạo điều kiện thuận lợi khiến áp lực lạm phát suy giảm.
Đặc biệt là giá dầu thô thế giới trong năm 2018 sau khi đi lên và chạm ngưỡng 79,8 USD/thùng vào tháng 5/2018, đã chững đà tăng và giảm trở lại xuống mức 55 USD/thùng vào tháng 12 năm 2018, làm giảm áp lực đáng kể lên lạm phát của Việt Nam.
Theo xu hướng chung, sẽ có nhiều yếu tố tác động đến CPI năm 2019 như giá điện nhiều khả năng được điều chỉnh tăng quanh 5% sau năm 2017 không tăng; giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng theo lộ trình; lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng từ 1/1/2019 và sẽ tăng trung bình 5.5%.
Tăng trưởng tín dụng được dự kiến sẽ duy trì quanh mức 15% như năm 2018 do đó, theo MBS, sẽ không gây áp lực cầu kéo lên lạm phát. Công ty chứng khoán này cho biết "không nhận thấy áp lực lạm phát cao lên nền kinh tế trong năm 2019. Rủi ro lạm phát cao trong năm 2019 nhìn chung không đáng kể".
MBS nhận định lạm phát đã chính thức chạm đáy trong năm 2015, tăng dần lên trong năm 2016, 2017, 2018 và 2019 song vẫn sẽ duy trì ổn định không gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế.