Aa

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhiều địa phương đã bứt phá

Thứ Bảy, 29/07/2023 - 06:00

Nhờ nỗ lực thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp đề ra, cho đến giữa tháng 7 vừa qua, nhiều địa phương đã có tỷ lệ giải ngân tăng cao.

Với tỷ lệ tăng đó, các địa phương cũng đang kỳ vọng sẽ bứt phá trong những tháng tiếp theo để giải ngân hết 100% nguồn vốn được giao.

Tỷ lệ giải ngân đã tăng hơn so với những tháng đầu năm

Theo báo cáo mới nhất của UBND TP. Hà Nội về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, tính đến ngày 15/7/2023, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội là 17.002 tỷ đồng, đạt 36,2% so với kế hoạch. Trong đó, ngân sách cấp thành phố giải ngân được trên 9.083 tỷ đồng, đạt 34,8% kế hoạch.

Trước đó, báo cáo lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 đến hết ngày 30/6 của toàn TP. Hà Nội là 15.931 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Theo đó, kết quả giải ngân của TP. Hà Nội trong 6 tháng đầu năm đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước và đang cao hơn mức trung bình của cả nước.

Còn nhớ, khi kết thúc quý I/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Hà Nội lúc đó mới đạt 11% kế hoạch vốn được giao. Mặc dù có cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước lúc bấy giờ nhưng chưa đạt so với kế hoạch của thành phố đặt ra. Theo đó, ngoài nỗ lực thực hiện những giải pháp đã đặt ra, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức giao ban xây dựng cơ bản quý I/2023 và quán triệt các đơn vị tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Từ đó, tiến độ giải ngân của Hà Nội trong quý II đã nâng lên rõ rệt.

"Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan và trực thuộc triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công, rà soát tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ".
- Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính - 

Tại Bến Tre, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 12/7/2023, toàn tỉnh đã giải ngân các nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch (bao gồm cả vốn kéo dài) là 2.506 tỷ đồng, đạt 41,8% so với kế hoạch năm (sau khi được điều chỉnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Bến Tre là 6.273 tỷ đồng); tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tỉnh Bến Tre có 4 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng kế hoạch vốn đã được trung ương phân bổ năm 2023 là 1.045 tỷ đồng; đến ngày 11/7/2023, tỉnh đã thực hiện giải ngân đạt 53,8%. Các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh có tổng kế hoạch vốn năm 2023 là 445,1 tỷ đồng, đến ngày 11/7/2023 giải ngân đạt 61,5%...

Kết quả này cũng cho thấy những nỗ lực của các cấp lãnh đạo tỉnh Bến Tre trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn ngay từ những tháng đầu năm. Đặc biệt là thực hiện các giải pháp trong tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ và trong giải phóng mặt bằng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các đơn vị liên quan, tính đến ngày 17/7/2023, tỉnh Đồng Tháp đã giải ngân được hơn 3.129 tỷ đồng, đạt 50,38% so với tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh, cao hơn 19,19% so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn 21,75% so với mức giải ngân trung bình của cả nước...

Có thể thấy, với sự bứt phá của các địa phương đã đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước ước đến hết tháng 7/2023 đạt 35,49% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 37,85%, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (34,47%).

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Tiếp tục khơi thông điểm nghẽn

Mặc dù tỷ lệ giải ngân của cả nước đang trên đà tăng, nhưng những thách thức đặt ra cho công tác giải ngân vẫn còn khá lớn. Đơn cử như tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 là rất lớn với 726.684 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022. Đồng thời, tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ: “Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao”.

Theo ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư Bộ Tài chính, để giải tỏa áp lực, khơi thông điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, các đơn vị, địa phương có dự án sử dụng nguồn vốn NSNN cần bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chương trình, kế hoạch được giao. Cụ thể, về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, cần thực hiện có hiệu quả Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ, Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần nắm rõ và thực hiện kịp thời công tác kiểm tra phân bổ vốn theo quy định tại Luật NSNN và Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ để nhập hoặc phê duyệt dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) để Kho bạc Nhà nước kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời cho các dự án phân bổ đúng quy định.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong cả nước, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 sau khi Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021 - 2025; giao bổ sung vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top