Những mẩu chuyện "ít người biết" về quãng thời gian khởi nghiệp tại thành phố Kharkov, Ukaraine của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa được cựu thị trưởng Mikhail Pilipchuk tiết lộ. Ông Pilipchuk là người đứng đầu thành phố những năm 1996-2002, giai đoạn mà ông Vượng đã trở thành doanh nhân tên tuổi tại đây.
Chia sẻ trên tờ Tin tức Kharkov, vị này nhớ lại, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Địa chất tại Moscow (Liên Xô, sau này là Nga), ông Vượng cùng vợ đến Kharkov, Ukraine chỉ với vài nghìn đôla Mỹ vay từ bạn bè.
Với số vốn ít ỏi trong tay, vợ chồng ông mở một nhà hàng mang tên Thăng Long trên nền nhà ăn cũ của nhà máy Malyshev. “Đồ ăn ngon, giá cả phải chăng và hợp túi tiền, nhà hàng của ông Vượng đã nhanh chóng phát triển và trở nên nổi tiếng với không chỉ người dân Kharkov mà với cả những du khách tới thành phố”, ông Mikhail kể.
Khi khủng hoảng kinh tế, tài chính xảy ra và chế độ tem phiếu được áp dụng cho hàng loạt mặt hàng tại Ukraine, Phạm Nhật Vượng cùng các cộng sự bắt đầu chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới, đó là sản xuất mì ăn liền. Khởi đầu nhà máy của ông Vượng chỉ có 30 công nhân làm việc.
Sản phẩm mì ăn liền của "ông chủ" Phạm Nhật Vượng khi đó mang tên "Mivina" đã trở thành thương hiệu đặc biệt hấp dẫn, được thị trường Kharkov nhanh chóng đón nhận và sau này nổi tiếng trên toàn Ukraine. Những năm tháng sau đó, nhà máy của Phạm Nhật Vượng kinh doanh rất thuận lợi, các chi nhánh liên tục được mở rộng tại nhiều thành phố của Ukraine. Ngoài Ukraine, thương hiệu mì ăn liền Mivina của ông Vượng còn được bán rộng rãi tại 30 quốc gia trên toàn thế giới như Estonia, Litva, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel...
Từ sản phẩm đầu tiên là mì ăn liền, nhà máy của ông Vượng bắt đầu sản xuất thêm mặt hàng mới là khoai tây nghiền. Các nhà máy "vệ tinh" sản xuất các mặt hàng từ gia vị cho tới bao bì sản phẩm... lần lượt được đưa vào hoạt động. Công ty Technocom cũng ra đời từ đó.
Nhìn thấy tương lai phát triển tại đây, ông Vượng đã đề nghị chính quyền thành phố giúp đỡ để mở rộng diện tích nhà xưởng sản xuất. Thời điểm đó, các nhà xưởng bị bỏ hoang của nhà máy Malyshev và Ukrelectromash được giao lại cho ông Vượng.
Technocom cũng là một trong các doanh nghiệp đầu tiên tham gia Chương trình ưu đãi đầu tư của Kharkov được bắt đầu áp dụng từ năm 2000. Doanh nghiệp khi ấy đã đảm bảo việc làm cho khoảng 3.000 lao động với mức lương ổn định và chế độ phúc lợi tốt. Đây cũng là công ty đóng thuế lớn cho Kharkov và là nhà tài trợ thường xuyên cho các chương trình phúc lợi y tế, môi trường, văn hóa xã hội của thành phố.
Ông Mikhail cho hay, bản thân ông Vượng cũng tích cực tham gia vào đời sống xã hội tại đây. Nguyên thị trưởng thành phố Kharkov nhớ lại kỷ niệm, năm 1998 khi Ủy ban nhân dân thành phố quyết định xây nhà trẻ mới bằng nguồn vốn xã hội, chính ông Vượng đã đóng góp hệ thống sưởi và hệ thống nước nóng cho bể bơi. "Trong buổi lễ khánh thành ông ấy tặng cho các cháu nhỏ một bể cá lớn với các loại cá lạ được đưa đến từ Việt Nam", nguyên thị trường Kharkov kể lại.
Không những biến rạp chiếu phim “Salut” bị bỏ quên thành trung tâm văn hóa của quận, doanh nhân người Việt còn biến khu nhà trẻ bị bỏ hoang thành một khách sạn ấm cúng. Ông Vượng cũng nhiều lần tài trợ các chuyến thi đấu tại nước ngoài của các cầu thủ bóng chuyền Kharkov.
Vẫn dõi theo những bước đường thành công của ông Vượng, cựu thị trưởng thành phố Kharkov bày tỏ vui mừng khi "ông Vượng vẫn là người như tôi biết trước đây: chuyên nghiệp, đầy năng lượng, ý tưởng sáng tạo, không thích màu mè, ồn ào xung quanh".
"Ông ấy vẫn thích chơi bóng đá như trước. Tôi muốn tin rằng, vào ngày nào đó tôi sẽ được đá cùng với ông ấy trong một đội hình - đội hình Kharkov", ông Mikhail dí dỏm.
Đầu những năm 2000 khi việc làm ăn đang thuận lợi, ông Phạm Nhật Vượng đã quyết định bán lại doanh nghiệp của mình tại Kharkov và trở về Việt Nam lập nghiệp. Năm 2001, ông thành lập tiếp Công ty Vincom, chuyên xây dựng các trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp. Sau đó, hai công ty trên được sáp nhập trở thành Tập đoàn Vingroup, tập trung hẳn nguồn lực đầu tư trong nước.
Không chỉ dừng lại ở bất động sản, thương mại tài chính, chứng khoán, khách sạn, du lịch, vị tỷ phú còn thể hiện tham vọng chinh phục khi lấn sân sang một số lĩnh vực mới như thương mại điện tử và gần đây là nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao.
Nhiều năm giữ vị trí đầu tiên trong danh sách những cá nhân có tài sản lớn nhất trên sàn chứng khoán do VnExpress công bố, năm 2013, ông Phạm Nhật Vượng cũng lần đầu đứng trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes với tài sản 1,5 tỷ USD, đứng thứ 974. Theo dữ liệu của Forbes hiện tổng tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là 2,4 tỷ USD.