Aa

Vì sao Forbes xếp hạng ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD Việt Nam duy nhất?

Thứ Bảy, 07/01/2017 - 02:54

Với khối tài ròng 2,2 tỷ USD, hiện tại ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch tập đoàn Vingroup là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam, theo tạp chí Forbes.

Ông Vượng vẫn là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam

Theo cập nhật của tạp chí Forbes đến ngày 5/1/2017, Việt Nam vẫn chỉ có duy nhất 1 tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

Theo đó, với khối tài ròng 2,2 tỷ USD, hiện tại ông Vượng là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam và giàu thứ 1011 thế giới. Tài sản của vị tỷ phú đã tăng đáng kể so với hồi tháng 3 (thời điểm đó ông Vượng có 1,8 tỷ USD tài sản ròng). Như vậy, trong năm 2016, ông Vượng đã tăng khoảng 400 triệu USD tài sản và tăng 107 bậc so với năm 2015 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn.

Con số cập nhật của Forbes về tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng cao hơn khá nhiều so với số liệu tài sản cổ phiếu của ông Vượng trên thị trường chứng khoán. Mức giá của VIC hiện khoảng 42.000 đồng tương ứng với giá trị tài sản cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng khoảng trên 30.400 tỷ đồng (tức 1,3 tỷ USD).

Với khối tài ròng 2,2 tỷ USD, hiện tại ông Vượng là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam và giàu thứ 1011 thế giới, theo tạp chí Forbes

Ông Vượng là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam. Hầu hết doanh thu của doanh nghiệp đến từ bất động sản, cụ thể là kinh doanh nhà ở và căn hộ. Ngoài ra, Vingroup cũng mở rộng sang mảng bán lẻ, nông nghiệp, giáo dục và y tế,...

Ông Vượng được xem là tỷ phú USD đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam từ ngày 7/3/2011. Tuy nhiên, mãi đến năm 2013, Forbes mới đưa tên ông vào danh sách tỷ phú thế giới, ở vị trí 974 trên bảng xếp hạng, với khối tài sản ròng là 1,5 tỷ USD.

Forbes đánh giá, tất cả tài sản ông Vượng đều đến từ bất động sản và do tự thân ông có được. Ông Vượng có tên trong danh sách này suốt 4 năm qua. Tháng 3/2013, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cũng đã được tạp chí danh giá này  bình chọn là một trong 10 tỷ phú mới nổi xuất sắc nhất thế giới.

Những tháng cuối năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chứng kiến cảnh hoán đổi vị trí người giàu nhất Việt Nam giữa 2 tỷ phú Trịnh Văn Quyết của năm tập đoàn FLC và tỷ phú Phạm Nhật Vượng của Vingroup.

Năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chứng kiến cảnh hoán đổi vị trí người giàu nhất Việt Nam giữa ông Vượng và ông Quyết.

Thống kê cho thấy, hiện nay ông chủ FLC đang nắm giữ 289,6 triệu cổ phiếu ROS (chiếm tỷ lệ tới 67,34% vốn điều lệ FLC Faros) và 114,2 triệu cổ phiếu FLC (chiếm tỷ lệ 17,9% vốn điều lệ FLC). Với thị giá ROS và FLC trên thị trường, giá trị tài sản cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết là khoảng gần 34.400 tỷ đồng (khoảng 1,56 tỷ USD).

Như vậy, với những tính toán này, ông Quyết là tỷ phú USD thứ hai của Việt Nam tính theo giá trị cổ phiếu song lại chưa được Forbes cập nhật. 

Việt Nam có bao nhiêu tỷ phú USD?

Tại thời điểm 2014, tổ chức chuyên nghiên cứu thống kê gia sản của các cá nhân siêu giàu Wealth-X và Ngân hàng Thụy Sĩ (UBS) là những đơn vị đầu tiên khẳng định Việt Nam có tới 2 tỷ phú USD với tài sản khoảng 3 tỷ USD. Theo báo cáo năm 2014 do Wealth-X và Ngân hàng UBS công bố, Việt Nam góp mặt 210 đại diện thuộc giới siêu giàu với tổng tài sản trị giá 20 tỷ USD.

Mặc dù báo cáo không tiết lộ danh tính, nhưng một trong hai tỷ phú USD này được cho là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch của Vingroup. Ông cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam trong danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes.

Với một bảng thống kê giấu tên, danh sách này chỉ có thể khẳng định chắc chắn thêm lần nữa việc Forbes không phải là tiêu chuẩn duy nhất để khẳng định một người liệu thực sự sở hữu khối tài sản tỷ đô hay không.

Thực tế, vì có rất nhiều doanh nhân Việt Nam được cho là tỷ phú USD thực sự nhưng chưa lộ diện vì họ chưa công khai tài sản và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Hồi đầu 2016, trang Bloomberg cho rằng, bà chủ hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam VietJet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo có thể trở thành nữ tỷ phú USD đầu tiên sau khi hãng không này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Dù Vietjet chưa công bố thông tin về việc IPO trong thời gian tới nhưng nhiều hãng tin nổi tiếng đã thông tin về việc này. Theo Reuters, Vietjet Air được định giá khoảng 1,2 tỷ USD, nếu IPO thành công doanh nghiệp sẽ huy động được khoảng 170 triệu USD.

Một cái tên tỷ phú USD giấu mặt cũng được đề cập tới là ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát - Trần Quý Thanh, với giá trị doanh nghiệp (do gia đình ông Thanh nắm 100%) được một số báo nước ngoài ước tính có thể lên tới 2 tỷ USD. 

Cú bứt phá mạnh mẽ của doanh nghiệp ô tô lớn nhất Việt Nam - Trường Hải (Thaco) của ông Trần Bá Dương cũng vẽ lên chân dung của một tỷ phú USD ẩn danh, có thể vượt mặt hầu hết các đại gia giàu có trên thị trường chứng khoán nếu cổ phiếu lên sàn. Thaco được định giá hơn 2 tỷ USD, doanh nghiệp đã đăng ký lưu ký chứng khoán tại VSD từ đầu năm 2016. 

Với khối lượng cổ phiếu liên quan tại Thaco lên tới hơn 211,23 triệu cổ phiếu, tương đương gần 60% vốn điều lệ, nếu Thaco đăng ký giao dịch cổ phiếu trong năm nay, ông Dương sẽ trở thành tỷ phú USD tiếp theo trên sàn chứng khoán Việt.

Nhiều gương mặt khác cũng đang sở hữu khối tài sản khổng lồ như: ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Him Lam và cổ đông lớn của LienVietPostBank; Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Tập đoàn T&T; ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch ABBank đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát,...

Nhiều người không muốn tiết lộ khối tài sản khổng lồ của mình như một thói quen kín tiếng của hầu hết doanh nhân Việt. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, danh tiếng giàu có cũng giúp các đại gia dễ làm ăn và tiếp cận với thế giới tốt hơn.

Forbes tính tài sản tỷ phú ra sao?

Forbes từng thừa nhận công việc xếp hạng các tỷ phú, triệu phú "chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng". Forbes cho biết để xác định tài sản của các tỷ phú, tạp chí này đã kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.

Cụ thể, Forbes định giá tài sản của các cá nhân dựa trên cổ phiếu của họ trong các công ty nhà nước và tư nhân, bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ. “Chúng tôi cũng cố gắng xác minh các con số với toàn bộ mọi tỷ phú. Một số họ hợp tác, một số lại không. Chúng tôi cũng tham vấn hàng loạt chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau”, Forbes cho biết. Các phóng viên của Forbes phỏng vấn cả nhân viên kế toán, cố vấn, luật sư... của các tỷ phú để ước tính tài sản của họ. 

Trên báo New York Times, cây bút tài chính Kevin Roose từng bình luận định giá tài sản là một công việc cực kỳ khó khăn, bởi rất nhiều tỷ phú có những khoản đầu tư lớn và phức tạp, một số công khai nhưng một số bí mật. Kể cả với cách tính chi tiết như trên thì các con số tài sản mà Forbes hay Bloomberg công bố trên thực tế đều chỉ là “tài sản trên giấy tờ” - có thể xác định bằng phương pháp toán học dựa trên số liệu, thông tin công khai nhưng thay đổi chóng mặt hằng ngày.

Nhà báo Kevin Roose dẫn chứng: theo danh sách tỷ phú Forbes 2012, ông chủ tập đoàn Zynga Mark Pincus sở hữu khối tài sản trị giá 1,8 tỷ USD. Forbes nhân 112 triệu cổ phiếu của ông Pincus trong Zynga với mức giá 14,35 USD/cổ phiếu tính theo ngày 14/2/2012 - ngày Forbes chốt giá cổ phiếu để tính tài sản. Cộng với các tài sản khác mà ông Pincus có như nhà, xe, cổ phiếu các công ty khác... Forbes đưa ra con số 1,8 tỷ USD. Thế nhưng, ngày 15/2 giá cổ phiếu Zynga giảm còn 11,8 USD/cổ phiếu. Nếu dựa trên con số ngày 15/2, tổng tài sản của ông Pincus chỉ là 1,5 tỷ USD!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top