Trao đổi với BizLIVE, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông (PhuDong Group), cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang có sức hút đối với nhà đầu tư sành sỏi.
PV: Ông đánh giá thị trường bất động sản sẽ ra sao vào cuối năm và đầu năm tới? Việc siết tín dụng vào lĩnh vực này có gây xáo trộn gì không?
Ông Ngô Quang Phúc: Câu chuyện tín dụng hạn chế “rót” vào bất động sản nhằm giảm sự tăng trưởng nóng của thị trường này nhưng điều quan trọng là nhắm vào đối tượng nào mới đúng. Đối tượng của thị trường bất động sản gồm 2 chủ thể: chủ đầu tư dự án và người mua nhà. Do đó, việc kê thuốc chữa bệnh cho người bệnh phải trúng đích, ở đây đối tượng nên bị siết tín dụng là chủ đầu tư bất động sản yếu kém, còn người mua nhà nên kích thích cho vay để tạo điều kiện cho người dân có nhà ở, vì nhu cầu “ăn, mặc, ở” là những nhu cầu thiết yếu và chính đáng của mọi người dân.
Những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019 với sự ảnh hưởng của siết tín dụng vào bất động sản sẽ tạo ra 2 xu hướng. Thứ nhất, nếu siết tín dụng không trúng đích sẽ tạo sự khan hiếm nguồn cung, làm giá cả tăng lên. Thứ hai, nếu siết tín dụng trúng đích, những dự án tốt vẫn được rót vốn, thị trường sẽ từ từ cân đối cung – cầu, vì bất động sản vẫn là nơi trú ẩn tốt, an toàn trong các kênh đầu tư của người dân.
Thêm nữa, về cơ bản những tháng cuối năm 2018 và năm 2019 thị trường sẽ ổn định về nhu cầu và giá cả, nhưng vẫn có những điểm bất ngờ nhưng không phải là tính đại diện của thị trường.
PV: Lý giải như nào chuyện có cả tỷ USD vốn FDI vẫn liên tục đổ về thị trường này, thưa ông?
Ông Ngô Quang Phúc: Điều này rất đơn giản là thị trường bất động sản Việt Nam quá hấp dẫn. Thứ nhất, so với nước ngoài giá bất động sản tại Việt Nam đang thấp hơn. Thứ hai, thị trường nhà ở tại Việt Nam có điểm đặc biệt, đó là thị trường nhà ở để bán, còn thị trường bất động sản nước ngoài chủ yếu là thị trường nhà ở cho thuê, bản thân người dân nước ngoài có đủ tiền mua nhà rất ít. Tại Việt Nam, với văn hoá tích luỹ chứ không phải văn hoá tiêu xài như dân các nước khác nên có người Việt có khả năng mua nhiều nhà.
Điều này lý giải tại sao nhiều nhà đầu tư Singapore ồ ạt đầu tư vào các dự án bất động sản tại Việt Nam, vì bán nhà tại Việt Nam đem lại lợi nhuận lớn hơn bên Singapore rất nhiều, tỷ suất lợi nhuận tới 15-20%/năm. Đối với nhà đầu tư ngoại đây là mức sinh lời rất hời so với đầu tư tại Singapore. “Nước chảy chỗ trũng” khi thị trường bất động sản Việt Nam đang là thị trường mới nổi “hot” nhất khu vực Đông Nam Á, cơ sở hạ tầng đang phát triển rất nhanh, dân số trẻ, giá rẻ hơn…
Việt Nam nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, chính trị ổn định thì việc nhà đầu tư nước ngoài vẫn ồ ạt đem tiền đầu tư tại Việt Nam là điều dễ hiểu.
PV: Theo ông, làm sao nâng cao chất lượng bất động sản của Việt Nam ngang tầm quốc tế?
Ông Ngô Quang Phúc: Trong vòng 5 năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt Nam một cách vô tình được hưởng lợi rất lớn từ cuộc đua âm thầm về “tự chuyển hoá bản thân” của doanh nghiệp bất động sản Việt trong vấn đề phải làm dự án bất động sản chuyên nghiệp hơn, tốt hơn, chất lượng hơn, có nhiều khác biệt hơn… Các dự án đưa ra thị trường có sự cạnh tranh về thiết kế, về tiện ích, chất lượng… đã đem lại nhiều sản phẩm bất động sản đa dạng, tiện ích hơn cho người mua nhà.
Những năm gần đây, khoảng cách về chất lượng xây dựng dự án giữa các doanh nghiệp nội – ngoại đã được thu hẹp, vì các doanh nghiệp nội tự ý thức nếu không chuyển mình thì sẽ thất bại và thua ngay trên sân nhà.
Do đó, để nâng tầm chất lượng bất động sản Việt, các chủ đầu tư không nên vì lợi nhuận ngắn hạn mà tuỳ tiện sửa đổi công trình theo hướng tiết kiệm và tận dụng, mà nên nhìn về những tiện ích lâu dài phục vụ nâng tầm cho đời sống của người dân, vì giá trị sử dụng của bất động sản chỉ được kiểm chứng qua thời gian và thương hiệu chủ đầu tư được lan toả từ giá trị mà chủ đầu tư đem lại cho cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!