Aa

Ùn tắc mãi, đến lúc ra đường chỉ biết đứng nhìn nhau

Thứ Tư, 28/11/2018 - 23:30

Nói về đề án thu phí nội đô mà TP. Hà Nội đang nghiên cứu thực hiện, chuyên gia Bùi Danh Liên cho rằng, đây là phương án cần thiết để giải quyết vấn đề tắc đường nan giải ở Thủ đô, bởi nếu cứ để tình trạng này diễn ra thì đến một thời điểm, người dân khó mà lưu thông nổi trên đường phố.

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến phương án thu phí nội đô nhằm thực hiện Đề án số 04 về Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Xung quanh đề án này, có nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và người dân. Có ý kiến đồng tình nhưng cũng có người phản đối, lo ngại đề án không khả thi, gây ra tình trạng “phí chồng phí”, tạo thêm khó khăn cho người điều khiển phương tiện giao thông, nhất là chủ xe ô tô. Để làm rõ hơn về việc vì sao Hà Nội cần thực hiện đề án này, PV đã có buổi trao đổi với ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội.

Ông Bùi Danh Liên

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội. Ảnh: Minh Phương

PV: Xin ông cho biết vì sao Hà Nội cần áp dụng đề án thu phí nội đô vào thời điểm này?

Ông Bùi Danh Liên: Việc thu phí hạ tầng vào nội đô không phải là mới bởi trên thế giới, đã có nhiều quốc gia áp dụng mô hình này và đã thành công. Hiệu quả của cách làm này đã hạn chế phương tiện cá nhân, từ đó giảm ùn tắc giao thông và giảm khí thải – mà như chúng ta biết, khí thải có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của con người. Việc thu phí nội đô không phải bây giờ Hà Nội mới nghĩ đến mà nghĩ từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Còn vì sao thời điểm này, chúng ta thấy đề án là cần kíp, hãy nhìn vào các vấn đề sau.

Thứ nhất, khi tốc đô thị hóa diễn ra quá nhanh, kéo theo sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng xe cơ giới, trong đó nhiều nhất là xe máy và xe ô tô. Trong tương lai gần, nếu giá thành của ô tô giảm xuống, thuế về 0% thì số lượng ô tô sẽ còn tăng lên theo cấp số cộng. Trong khi đó, hệ thống đường phố không được mở rộng. Có nghĩa mật độ giao thông sẽ ngày càng dày đặc, mà không phải là ùn theo khung giờ mà ùn tắc liên tục cả ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân cũng như sự phát triển kinh tế chung. Nếu kéo dài như thế, chỉ một thời gian nữa, có những giờ cao điểm chúng ta ra đường chỉ biết đứng nhìn nhau. Đó là một điều thiệt thòi cho người dân Thủ đô.

Cho nên đặt vấn đề thu phí nội đô vào thời điểm này là một nhu cầu bức xúc của xã hội và thành phố. Đặc biệt, chúng ta đã nhất trí với khối ASEAN là xây dựng thành phố xanh nên chúng ta càng có cơ sở để bắt tay vào thực hiện.

Thứ hai, hiện nay đời sống nhân dân cũng đã tăng lên nhiều. Nếu là 10 năm trước có thể mọi người sẽ phản đối đề án ngay. Nhưng bây giờ thì tôi tin, người dân có thể đóng phí. Thu nhập bình quân tăng lên hàng năm, tiền lương tăng lên, cách mua sắm cũng thay đổi.

Do đó, có thể thấy, đề án phù hợp với xu thế của thế giới, phù hợp với thu nhập của người dân và phù hợp để giải quyết tình hình ùn tắc giao thông đang rất nghiêm trọng.

Ông Liên cho rằng, nếu Hà Nội không thể hạn chế được xe cá nhân sớm thì đến một ngày, người dân ra đường chỉ biết đứng nhìn nhau. Ảnh: Hoàng Huy

Ông Liên cho rằng, nếu Hà Nội không thể hạn chế được xe cá nhân thì đến một ngày, người dân ra đường chỉ biết đứng nhìn nhau. Ảnh: Hoàng Huy

PV: Vậy thành phố Hà Nội cần làm gì để có thể thực hiện được đề án thu phí nội đô, thưa ông?

Ông Bùi Danh Liên: Để có thực hiện được đề án này, điều đầu tiên cần nghĩ đến là áp dụng công nghệ thông tin và quản lý nhà nước bằng sự thông minh chứ không phải mệnh lệnh. Tốt nhất, chúng ta cứ nhìn nước ngoài mà học tập. Tất nhiên, không phải áp dụng 100% mô hình của nước ngoài, bởi cơ sở hạ tầng của chúng ta khác họ, nhưng hãy học hỏi những gì thiết thực. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ quản lý nhà nước theo công nghệ 4.0 cũng như tạo ra được một lớp cán bộ có trí tuệ cao, đồng thời áp dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý.

Khi thu phí, chính quyền phải công khai minh bạch phí đó, do ai quản lý, phí sẽ được dùng để đầu tư vào cái gì, có ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông không. Khi thực hiện chính sách, cũng cần có những ưu đãi nhất định đối với các đối tượng xứng đáng, ví dụ như người có công, thương bệnh binh…

Ngoài ra, khi đưa bất cứ cái gì mới vào áp dụng, chắc chắn sẽ có một lượng người phản đối. Chẳng hạn như với dự án đường sắt trên cao, ban đầu nhiều người phản đối cho rằng công trình không an toàn, không ai dám đi… nhưng dần dần khi họ thấy, khi nào có đường sắt trên cao, việc đi lại sẽ thuận tiện hơn, nhanh hơn, từ đó họ dần có cảm tình với phương tiện này. Có thể thấy, trình độ người dân khác nhau nên nhận thức khác nhau, dẫn đến phản ứng khác nhau. Nến nếu muốn nhận được sự ủng hộ của người dân, cần có sự tuyên truyền phổ biến, “mưa dầm thấm lâu”.

Trước khi thực hiện đề án, nên lấy ý kiến chuyên gia, các tổ chức chính trị xã hội, người dân để họ đóng góp ý kiến, từ đó xây dựng kế hoạch bền vững và lâu dài.

Cá nhân tôi cho rằng, đề án này là rất cần thiết và phù hợp nên tôi mong đề án sẽ thành công.

PV: Là một người có nhiều kinh nghiệm đối với vấn đề giao thông Thủ đô, cũng là một người tham gia giao thông hàng ngày, ông có chia sẻ nào với người dân để họ hiểu hơn về đề án này, từ đó chấp nhận và ủng hộ đề án đi vào thực tiễn?

Ông Bùi Danh Liên: Nỗi khổ của người dân Hà Nội hiện giờ là ùn tắc và ô nhiễm, cho nên muốn giảm đi điều này, cần phải hạn chế phương tiện giao thông. Với đề án này, sẽ hạn chế phương tiện theo cách quản lý phải thông minh chứ không hẳn là cấm và có sự hạn chế theo khung giờ, tuyến đường, khu vực nhất định chứ không phải tất cả. Nên người dân sẽ có sự lựa chọn, nếu không muốn đóng phí, họ vẫn có cách để di chuyển, chẳng hạn tránh giờ cao điểm, hoặc chọn cung đường khác.

Ngoài ra, bây giờ đã là thời đại của công nghệ thông tin. Các hoạt động của xã hội đã dùng nhiều đến thẻ ngân hàng như phát lương hưu, trả tiền điện nước, thanh toán mua sắm… Do đó, người dân nên tự tạo cho mình thói quen sử dụng các dịch vụ hiện đại. Như cá nhân tôi, trước đây ít dùng đến thẻ vì không có nhu cầu, nhưng nếu cần tôi lại sử dụng bình thường.

Khi đề án được đưa ra thảo luận, có nhiều ý kiến cho rằng, đây là phí chồng phí. Nhưng bạn thử nghĩ xem, nếu cứ để tình trạng này diễn ra, đến một lúc nào đó, chính bạn không muốn lái xe ra đường mà chỉ ước được nằm nhà vì sợ ùn tắc, hoặc chỉ dám lái xe đi vào những giờ không phải cao điểm thì bạn có chịu nổi không? Đây là thời điểm thích hợp không thể dừng lại được nữa.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top