Aa

Thủ đô Anh giảm lượng xe bằng phí ùn tắc như thế nào?

Thứ Năm, 22/11/2018 - 23:30

Mô hình thu phí ùn tắc giao thông ở London (Anh), được thực hiện từ năm 2003 tại khu vực trung tâm, sau đó mở rộng sang các khu vực phía Tây của thành phố.

Sau hơn 1 thập kỷ, đây vẫn là nơi triển khai loại hình thu phí này với quy mô lớn nhất trên thế giới. Mục tiêu của loại phí này là giảm tắc nghẽn giao thông bằng cách giảm bớt xe cá nhân đi vào thành phố.

Các nhà quản lý hệ thống giao thông London đã lắp đặt khoảng 600 camera giám sát tại 174 cửa ngõ ra vào thành phố trên diện tích 21km2 nhằm ghi lại hình ảnh các phương tiện ra vào khu vực. Để thu phí, xe được tích hợp với cơ sở dữ liệu đăng ký thông qua hệ thống nhận dạng biển số tự động (ANPR).

Nhờ phương pháp thu phí xe di chuyển vào trung tâm thành phố, London đã giảm được đáng kể lượng ô tô cá nhân trong hơn 1 thập kỷ qua

Nhờ phương pháp thu phí xe di chuyển vào trung tâm thành phố, London đã giảm được đáng kể lượng ô tô cá nhân trong hơn 1 thập kỷ qua

Để biến đề án này thành hiện thực, ban đầu những người thực hiện cũng gặp không ít khó khăn bởi sự phức tạp trong công nghệ và nhiều yếu tố chính trị, xã hội. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của ông Kenneth Robert Livingstone, người sau này thành thị trưởng London, cùng sự hợp tác của Sở vận tải London (TLF), đề án đã thành công và trở thành mô hình đáng học hỏi cho các quốc gia khác.

Tháng 7/2000, ông Livingstone công bố bài viết “Nghe quan điểm của London” trước gần 400 lãnh đạo các quận thuộc London, các nghị sĩ, thành viên của Nghị viện Anh, các nhóm kinh doanh và vận hành vận tải. Tháng 1/2001, ông ban hành “Chiến lược vận tải” để tham vấn cộng đồng và nhận được 8.000 phản hồi, trong đó hầu hết đều ủng hộ dự án. Từ những phản hồi này, ông cùng nhóm thực hiện đã có nhiều sửa đổi hợp lý để đề án thêm tính khả thi cũng như nhận được sự đồng thuận từ cộng đồng. Một trong số các chi tiết là giảm giá 90% cho những người sống trong khu vực thu phí.

Để tránh những rủi ro khi đi vào hoạt động thực tế, phía TLF đã triển khai những công nghệ thử nghiệm nhằm tìm ra các điểm bất hợp lý để chỉnh sửa trong mảng công nghệ, đảm bảo sự “nuột nà” cho yếu tố này khi đi vào sử dụng chính thức.

Đề án này chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2003, kể từ đó đến nay, nó đã mang lại những lợi ích đáng kể trong việc giảm lưu lượng tham gia giao thông ở trung tâm London. Sau 12 tháng đầu tiên của chương trình, các số liệu đo sự ùn tắc cho thấy giảm trung bình 30%. Tại khu vực trung tâm London, từ năm 2000 đến 2012, sự ùn tắc giảm 23%. Riêng việc sử dụng xe cá nhân trong trung tâm thành phố giảm tới 53% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2014. Cùng thời gian đó, việc sử dụng xe buýt và xe đạp để di chuyển lần lượt tăng 60% và 203%.

Kế hoạch tính phí cũng đã trải qua nhiều thay đổi kể từ khi ra mắt. Ví dụ, các khoản thanh toán đã chuyển từ thông báo qua tin nhắn SMS sang hình thức: Thanh toán tự động trực tiếp có tính phí qua thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ ngân hàng.

Được biết, từ năm 2003 đến 2013, khoảng 1,2 tỷ bảng Anh tiền phí ùn tắc ở London đã được dùng để đầu tư phát triển các hệ thống xe buýt, cải tạo cầu đường, mở rộng đường cho người đi bộ và đi xe đạp. Các khoản đầu tư này góp phần đáng kể vào việc tăng chất lượng cuộc sống của người dân London.

Tuy nhiên, gần đây, cách thu phí này cũng không ngăn cản được sự phát triển của những loại hình mới như xe công nghệ Uber, đồng thời việc xây dựng các công trình mới cũng làm tăng lượng phương tiện lưu thông trong khu vực trung tâm. Những điều này đặt ra thách thức mới cho các nhà quản lý, quy hoạch thành phố trong việc phải tìm ra phương thức mới để giảm bớt áp lực lên hạ tầng giao thông, vốn luôn là thách thức đối với các đô thị lớn như London.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top