Aa

Ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển dịch vụ ngân hàng thông minh

Thứ Tư, 27/09/2017 - 06:01

Hiện nay, chúng ta đang đứng trước thềm của một cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo - cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), cuộc cách mạng này sẽ không giống như bất kỳ một cuộc cách mạng nào trước đó cả về quy mô, phạm vi và sự phức tạp của nó.

Nếu như cuộc CMCN lần thứ nhất sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá sản xuất thì cuộc CMCN lần thứ hai sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn. Cuộc CMCN lần thứ ba sử dụng các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.

“Và bây giờ, cuộc CMCN 4.0 được hình thành trên nền tảng của cuộc CMCN thứ ba - khi cuộc cách mạng công nghệ số đã được diễn ra từ giữa thế kỷ trước. Nó được đặc trưng bởi sự hợp nhất các công nghệ và làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học” (Klaus Schwab, 2016).

Khái niệm CMCN 4.0 lần đầu tiên được đề cập trong bản “Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao đến năm 2020” được chính phủ Đức thông qua vào tháng 3/2012. CMCN 4.0 có đặc điểm là thông minh hóa sản xuất, mang tính tích hợp cao, linh hoạt và thân thiện với môi trường; cuộc cách mạng này không chỉ giới hạn ở tự động hóa, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn bao trùm phạm vi rộng lớn bao gồm các làn sóng phát triển của những đột phá trong các lĩnh vực khác nhau.

Các công nghệ cao/công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 là những công nghệ có khả năng tạo ra đột phá, thay đổi cách mọi người sống và làm việc, xác định lại các giá trị, và dẫn đến các sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới.

Trong báo cáo này, nhóm tác giả chỉ đề cập đến 03 công nghệ đặc trưng của CNCM 4.0 bao gồm điện toán đám mây, dữ liệu lớn và khối chuỗi (blockchain). Những công nghệ đặc trưng này đã, đang và sẽ là xu hướng ứng dụng công nghệ của nhiều quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp trên toàn cầu và kỳ vọng sẽ có những tác động tích cực đến sự chuyển đổi và ứng dụng công nghệ ở Việt Nam trong thời gian tới nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Công nghệ điện toán đám mây 

Điện toán đám mây (ĐTĐM - cloud computing) là mô hình cung cấp các tài nguyên máy tính dưới dạng dịch vụ qua môi trường mạng. Nó đưa ra các giải pháp điện toán dựa trên Internet, ở đó cung cấp tài nguyên chia sẻ giống như dòng điện được phân phối trên lưới điện. Các máy tính “trên mây” được cấu hình để làm việc cùng nhau, các ứng dụng khác nhau sử dụng sức mạnh điện toán tập hợp như thể chúng đang chạy trên cùng một hệ thống duy nhất (Grace Walker, 2012).

Với công nghệ ĐTĐM, bất kỳ ứng dụng hay dịch vụ máy tính nào đều có thể được cung cấp qua mạng hay Internet, với phần mềm tối thiểu hoặc không cần phần mềm cục bộ hay công suất tính toán. Để làm điều này, các tài nguyên CNTT (như tính toán và lưu trữ) phải luôn có sẵn theo nhu cầu của người sử dụng, tức là khi cần thêm công suất, những tài nguyên như vậy sẽ được bổ sung tự nhiên liên tục, mà không đòi hỏi đầu tư trước vào phần cứng mới hay lập trình.

Công nghệ đám mây tạo điều kiện cho sự phát triển bùng nổ của các dịch vụ dựa trên Internet, từ tìm kiếm phương tiện truyền thông đến lưu trữ ngoại tuyến dữ liệu cá nhân, cũng như khả năng xử lý nền cho phép các thiết bị Internet di động thực hiện những việc như trả lời các lệnh bằng giọng nói để hỏi đường. Công nghệ đám mây cũng có thể cải thiện tính kinh tế của CNTT cho các công ty và chính phủ, cũng như cung cấp sự linh hoạt và đáp ứng lớn hơn. Cuối cùng, đám mây có thể cho phép các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, bao gồm tất cả các loại mô hình dịch vụ trả tiền theo khối lượng sử dụng.

Công nghệ đám mây là một yếu tố quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên qui mô toàn cầu bởi nó cung cấp các phương tiện cho doanh nghiệp đổi mới hoạt động bằng cách tích hợp chặt chẽ các dịch vụ tính toán và các nền tảng đám mây.

Theo báo cáo của McKinsey (2013) về những loại công nghệ tiên tiến sẽ làm thay đổi cuộc sống, kinh doanh và nền kinh tế toàn cầu, đến năm 2025 công nghệ ĐTĐM sẽ đạt doanh thu từ 1,7 đến 6,2 nghìn tỷ USD/năm trên qui mô toàn cầu.

Hiểu gì về big data?

Dữ liệu lớn (big data) là thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp đến nỗi những công cụ, ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không thể đảm đương được. Bao gồm các thách thức phân tích, thu thập, giám sát dữ liệu, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận, trực quan, truy vấn và tính riêng tư.
Dữ liệu lớn đề cập đến xu hướng CNTT và truyền thông về xử lý lượng dữ liệu khổng lồ để có được dữ liệu thích hợp cho việc ra quyết định nhanh chóng để tăng năng suất.

Để hiểu được thế nào là dữ liệu lớn, IBM đã giới thiệu mô hình Dữ liệu lớn với 4 đặc tính (thường gọi là 4V) như sau:

Tính qui mô (Volume): Câu hỏi đặt ra là dung lượng dữ liệu bao nhiêu thì được cho là “lớn”? Theo McKinsey (2011) thì dữ liệu được coi là dữ liệu lớn không phụ thuộc vào dung lượng của dữ liệu đó phải lớn hơn một con số terabyte (nghìn gigabyte) cụ thể do công nghệ ngày càng phát triển theo thời gian, kích cỡ dữ liệu mà được coi là dữ liệu lớn cũng sẽ ngày càng tăng lên.

Ngoài ra khái niệm thế nào là dữ liệu lớn cũng phụ thuộc vào từng ngành, lĩnh vực, dựa trên loại công cụ phần mềm nào được sử dụng.Với tùy từng trường hợp, dữ liệu lớn ngày nay có thể chỉ khoảng một vài terabyte cho đến hàng nghìn terabyte.

Tính đa dạng (Variety): “lớn” trong “dữ liệu lớn” không chỉ giới hạn ở qui mô mà còn ở độ phức tạp và tính đa chiều của dữ liệu. Sự đa dạng của dữ liệu liên quan đến sự kết hợp của nhiều nguồn dữ liệu và đặc tính của dữ liệu.Về hình thức, dữ liệu có thể là số liệu, giá trị thứ tự hoặc danh nghĩa.

Về nguồn gốc, dữ liệu có thể chiết xuất từ sách, tài liệu, phương tiện điện tử, văn bản chương trình phát sóng trên mạng xã hội, các tìm kiếm trên internet, thậm chí có thể tồn tại dưới dạng video, bản ghi âm.

Tính tốc độ (Velocity): Dữ liệu lớn đề cập đến các công cụ mới để xử lý, thu thập, lưu trữ, sắp xếp và liên kết dữ liệu ở cấp vi mô và các công cụ mới để chiết suất và phân tích dữ liệu để phục vụ trong quá trình ra quyết định của doanh nghiệp, chính phủ và người dân. Các công cụ này ngày càng được đổi mới và nâng cấp để xử lý một lượng lớn thông tin trong thời gian nhanh nhất để đưa ra quyết định.

Tính chân thực (Veracity): Việc xem xét kỹ lưỡng tính chính xác và sự không chắc chắn quanh nguồn dữ liệu là một trong các nguyên tắc cơ bản. Dữ liệu lớn yêu cầu phải có các chuẩn và khuôn khổ với chất lượng tương tự nhau áp dụng đối với bất kỳ nguồn dữ liệu nào được sử dụng để thống kê. Điều này liên quan đến tính minh bạch trong phạm vi và phương pháp thống kê đối với các quốc gia và khu vực.

Theo Cơ quan thương mại và đầu tư Đức dự báo tổng nguồn dữ liệu kỹ thuật số sẽ tăng trưởng lên đến 44 zettabyte (40 nghìn tỷ gigabyte) vào năm 2020. Dữ liệu hệ thống trong công nghệ internet kết nối vạn vật cũng được kỳ vọng tăng trưởng từ chỉ 2% trong tổng dữ liệu kỹ thuật số năm 2013 lên khoảng 10% vào năm 2020.

Khối chuỗi (blockchain)

Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Về bản chất, blockchain là một loại sổ cái phân phối (distributed ledger), bao gồm các thông tin được ghi lại bằng kỹ thuật số và không thể thay đổi được đưa vào trong các gói gọi là là khối (thay vì kết hợp chúng trên từng tờ giấy riêng lẻ).

Mỗi khối thông tin chứa đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó sử dụng một chữ ký mật mã. Điều này cho phép các chuỗi khối được sử dụng như là một cuốn sổ cái, trong đó thông được truy cập và chia sẻ bởi bất cứ ai có quyền truy cập trong khối chuỗi đó.

Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu. Tức là một khi dữ liệu đã được ghi thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.Blockchain được đảm bảo nhờ cách thiết kế sử dụng hệ thống tính toán phân cấp với khả năng chịu lỗi cao.Vì vậy,đây là phương thức giao dịch có khả năng chia sẻ, lập trình, mã hóa an toàn và tạo ra sự tin tưởng.Blockchain tiềm năng có thể giúp xóa bỏ các hậu quả lớn khi dữ liệu bị thay đổi trong bối cảnh thương mại toàn cầu.

Blockchain có thể được coi là một trong các nền tảng công nghệ để các quốc gia cũng như các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội trong cuộc đua CMCN 4.0 bởi hai lý do chính sau:

Thứ nhất, blockchain tạo dựng lòng tin do tính giải trình và minh bạch cao. Blockchain tạo nên một thế hệ mới của các ứng dụng trong giao dịch, cho phép dữ liệu được lưu trữ một cách liên tục, bảo mật và “cứng nhắc” nhằm chống lại việc giả mạo và sửa đổi thông tin. Do vậy blockchain có thể giúp ích trong việc tạo dựng lòng tin, tính trách nhiệm và minh bạch trong kinh doanh.

Thứ hai, công nghệ blockchain có tiềm năng giúp giảm thiểu đáng kể chi phí và sự phức tạp của các hoạt động kinh doanh. Với đặc tính là một cuốn sổ cái phân phối, blockchain giúp cho việc kinh doanh hiệu quả hơn về mặt chi phí, tiết kiệm thời gian giao dịch hơn khi mọi thứ trong qui trình được kiểm tra và giao thương mà không đòi hỏi phải có một điểm kiểm soát trung tâm hay những trung gian kiểm soát trong toàn bộ qui trình.

Các giao dịch và dữ liệu được thiết kế trên cơ sở ngang hàng (peer to peer basic) do vậy loại bỏ được hầu hết các chi phí về pháp lý và chi phí hợp đồng.

Bài 2: Dịch vụ tài chính kích hoạt đô thị thông minh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top