Aa

Ứng phó với đại dịch, Việt Nam cần ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thứ Bảy, 28/03/2020 - 10:29

Đại dịch toàn cầu này chắc chắn không phải nguồn gốc nhưng có thể là nguyên nhân dẫn tới sự suy yếu kinh tế trên thế giới trong thời gian qua.

Thế giới đang chao đảo trong khủng hoảng của Covid-19. Đại dịch toàn cầu này chắc chắn không phải nguồn gốc nhưng có thể là nguyên nhân dẫn tới sự suy yếu kinh tế trên thế giới trong thời gian qua.

GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam mới đây đã có nhận định về động thái chính sách của Việt Nam nhằm ứng phó ngăn kinh tế suy giảm trong bối cảnh đại dịch lần này, dưới đây là nội dung bài viết:

Sau suy thoái kinh tế dài nhất trong thời hiện đại vào năm 2008, một số cá nhân dường như đã quên rằng các cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn luôn tồn tại và không quá bất ngờ. Tương tự như trong quá khứ, trong những biến động về kinh tế sẽ có cả người thắng và kẻ thua.

Tuy nhiên, thắng hay thua phụ thuộc vào việc các quốc gia đối diện như thế nào với những khó khăn và những chính sách kinh tế nào được đưa ra. Vừa qua, Việt nam đã đưa ra những động thái khá thú vụ để giải quyết các vấn đề kinh tế trong đại dịch Covid-19. Liệu cách thức của Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu cho các quốc gia?

Trước tiên, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng với đại dịch toàn cầu Covid-19 rất nhanh và quyết liệt. Các trường học bị đóng cửa, các sự kiện với đông người tham gia cũng bị hủy bỏ, người dân được nhắc nhớ thường xuyên về việc phải cẩn thận, ngay đến cửa khẩu cũng từng bị đóng và hạn chế người di chuyển.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, chính phủ không cho thấy dấu hiệu của sự hoảng loạn như cách mà châu Âu đang phản ứng bây giới. Sau khi phớt lờ sự nguy hiểm của dịch bệnh ban đầu, những hành động không hợp lý của các Chính phủ bắt đầu xuất hiện. Hơn thế nữa do nguồn ngân sách ngày càng eo hẹp của Ngân hang Trung ương Châu Âu trong những năm gần đây, họ khó có thể đưa ra những công cụ tiền tệ cần thiết trong thời điểm này. Tuy nhiên, tại Việt Nam tình hình lại diễn biến khác.

GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann (FNF)

Những chính sách kinh tế gần đây của Việt Nam dường như sẽ hữu hiệu đối với nền kinh tế. Thứ nhất, Chính phủ tung gói tín dụng 250 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.

Thứ ba, Bộ Tài chính cũng đề xuất một vài công cụ kinh tế liên quan đến miễn giảm và gia hạn thuế và phí. Trước hết có thể nói rằng, gói tín dụng tiềm ẩn ít nguy cơ liên quan đến lạm phát, bởi lẽ 250 nghìn tỷ đồng không phải, hoặc có ít, nguồn cung tiền mới được bơm ra thị trường, khoản tiền này sẽ dung để gia hạn các khoản vay, giảm hoặc gỡ bỏ lãi suất, giảm các chi phí giao dịch, v.v. Nói cách khác, khoản tiền này nhằm mục đích “bôi trơn” để giúp các bánh răng trong nền kinh tế - các công ty vận hành.

Mặc dù, nguồn lợi nhuận của các ngân hàng có thể giảm nhưng ít nhất thì họ cũng duy trì được tính thanh khoản. Bên cạnh đó, gói 30 nghìn tỷ cũng có ít khả năng gây ra lạm phát bởi lẽ mục đích của khoản này là để giảm thuế hoặc giãn thời gian trả thuế.

Và tương tự như gói 250 nghìn tỷ, gói hỗ trợ này cũng ít khả năng gây lạm phát, trong khi giúp các doanh nghiệp duy trình tính thanh khoản trong tài chính của họ. Tuy nhiên, với cả hai gói hỗ trợ, điều quan trọng nhất là đảm bảo thành phần tham gia biết cách thức các gói hoạt động và làm rõ rang những đơn vị cần được ưu tiên sử dụng công cụ hỗ trợ. Hiển nhiên, khi nguồn lực có hạn thì không nên dùng đại trà trên tất cả các thành phần tham gia.

Đồng thời, đảm bảo, nguồn tiền được sử dụng cẩn thận, tránh các rủi ro về lạm phát và lấy đi các nguồn chi trả cho chính sách tài khóa từ tay Chính phủ. Không ai biết trước được đại dịch sẽ kéo dài trong bao lâu. Những phản ứng tài khóa tức thời sẽ trở nên ngày càng quan trọng và điều đó yêu cầu nguồn lực bền vững.

Việc Ngân hàng Trung ương (SBV) cắt giảm lãi suất cũng đưa ra một tín hiệu quan trọng. Những chính sách đó có thể cho phéo các công ty vay vốn một cách rẻ hơn. Không giống như Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với mức lãi suất điều hành đã bị hạ thấp xuống tới 0 từ 2016 (ECB) và 16/03/2020 (Fed), SBV vẫn còn chưa dùng hết “đạn” của mình. Ví dụ, không hiểu ECB có thể tiếp tục hỗ trợ thị trường của họ thế nào thông qua các công cụ về lãi suất.

Lãi suất âm chính là một nguyên nhân khiến các cá nhân đổ dồn sang nắm giữ tiền mặt, và tất nhiên đây là điều không ai muốn. Sự đi xuống của nền kinh tế có thể gây ra them nhiều thất vọng và cuối cùng sẽ là sự mất kiểm soát tuyệt đối của ECB.

Thậm chí đến nay, việc ECB duy trì không lãi suất cũng gây không ít khó khăn cho các ngân hàng tại châu Âu. Thường thì đến 70-80% lợi nhuận của Ngân hàng đến từ biên lãi ròng. Nhưng với mức lãi suất 0%, biên lãi ròng gần như là không có.

Các khoản vay với mức lãi suất rất thấp cho phép các “công ty ma” tồn tại và bong bóng tài chính hoàn toàn có thể xảy ra. Tại Việt Nam, tình hình có vẻ khả quan hơn. SBV vẫn còn nhiều khoảng trống trong sử dụng công cụ lãi suất. Tuy nhiên bài học của châu Âu chính là lời cảnh báo cho Việt Nam để chống lại lãi suất điều hành bằng 0%.

Tất nhiên, chính sách của Việt Nam cũng kéo theo rủi ro. Ví dụ, nợ quốc gia sẽ tăng lên. Kể từ năm 2016, nợ quốc gia đã gần mức trần tại 65%, điều đó khiến Nhà nước có ít không gian để vay thêm. Ngoài ra, có thể xảy ra việc các công ty phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ của chính phủ thay vì tự mình tìm cách thoát khỏi khủng hoảng – đây mới thực sự là điều sẽ khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn. Việt Nam nên chống lại sự cám dỗ của các chính sách lâu đời của Keynes bởi Điều này luôn yêu cầu sự can thiệp đắt đỏ của nhà nước.

Thực tế chứng minh rằng đã có những khủng hoảng kinh tế và sẽ luôn có và sẽ là “giả kim thuật” khi tin rằng các công cụ của Keynes có thể loại bỏ chúng. Các biện pháp như thế có thể cần thiết trong trường hợp này, nhưng chúng nên được thực hiện với ý thức về tỷ lệ và giới hạn về thời gian nhất định.

Tại thời điểm này, Việt Nam nên chú ý những điều sau đây. Thứ nhất, việc cung cấp các gói viện trợ khẩn cấp là không cần thiết. Ở đây, các gói biện pháp nêu trên là hướng đi đúng đắn nhưng nên cân nhắc nếu được tiếp tục sử dụng.

Thứ hai, một chính sách gia tăng đầu tư lớn của nhà nước theo nghĩa của Keynes là không nên. Thay vào đó, các nguồn tài nguyên nên được đưa vào để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân và FDI.

Thứ ba, nói một cách cụ thể, tăng cường thương mại điện tử hoặc đa dạng hóa các nhóm khách hàng có thể là hai giải pháp khả thi để tăng sự luân chuyển của hàng hóa.

Thứ tư, doanh nghiệp nhà nước không nên là người hưởng lợi nhiều từ bất kỳ khoản trợ cấp nào vì tính hiệu quả và minh bạch của nó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lẽ nên được ưu ái hơn.

Thứ năm, kiểm soát giá quá chặt từ phía nhà nước sẽ phản tác dụng và khiến méo mó thị trường. Chúng nên được tránh để ngăn chặn các ảnh hưởng phụ như thị trường chợ đen,lãng phí tài nguyên, chi phí chờ đợi và đầu tư thấp.

Thứ sáu, các hỗ trợ về mặt xã hội như trợ cấp thất nghiệp chắc chắn phù hợp để hỗ trợ công dân bị ảnh hưởng. Và cuối cùng, dựa theo ví dụ từ EU, không bao giờ nên áp dụng chính sách lãi suất bằng 0 cho Việt Nam.

Tôi tin rằng Việt Nam sẽ trở nên mạnh mẽ hơn sau những biến động kinh tế này nhờ vào các gói hỗ trợ cùng với đó sức ảnh hưởng của nền kinh tế Việt Nam trên thế giới sẽ phát triển. Nguy cơ về sự sụt giảm có thể thấy trước của giá tài sản, đặc biệt là ở EU, các cơ hội đầu tư tốt sẽ xuất hiện cho Việt Nam trong khuôn khổ EVFTA.

Trong mọi trường hợp, thương mại tự do sẽ giúp tất cả các quốc gia hồi phục nhanh hơn. Cho đến nay, dường như chính sách chống khung hoảng của Việt Nam thực sự có thể đóng vai trò là hình mẫu cho những quốc gia khác.

Tổ chức Friedrich Naumann là một tổ chức phi lợi nhuận của Đức, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2012 với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thị trường thông qua các dự án hợp tác, hoạt động đối thoại, hội thảo và trao đổi học thuật giữa Việt Nam và Đức.

GS. TS Andreas Stoffers có 18 năm kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực ngân hàng tại Đức và Đông Nam Á. Ông là Giáo sư về Quản trị Kinh doanh và Quản trị quốc tế tại trường Đại học Quốc tế SDI Munich về khoa học ứng dụng; cũng là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Malaya, Kuala Lumpur, Malaysia và trường Đại học Việt – Đức tại Bình Dương, Việt Nam. Kể từ tháng 9/2019, ông tiếp quản Quỹ Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam dưới tư cách là Giám đốc quốc gia.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top