Aa

Ưỡn ngực mà xanh

Thứ Ba, 13/06/2023 - 06:00

Trường Sa Lớn đang xanh lên từng ngày, tỏa mát, cảnh quan, môi trường nên thơ. Những đảo khác, dù là nhỏ cũng đang xanh dần lên, đẹp dần lên nhờ bàn tay, khối óc, tình yêu “biển là nhà, đảo là quê hương”...

Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân lên đảo Trường Sa, thường gọi là Trường Sa Lớn. Trường Sa Lớn cách Cam Ranh khoảng 254 hải lý và cách Vũng Tàu hơn 500km theo đường biển. Gọi là cách Cam Ranh hơn 470km, nhưng chúng tôi đi cả ngàn cây số, theo cách gọi hải trình mới đến, vì trước đó còn ghé chân vài đảo nhỏ khác.

Cổ nhân dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, nhà thơ Lê Va (Hòa Bình) - một người bạn, có lần nói với tôi, phương châm của ông là “đi xa để hiểu gần”. Đúng là tôi nhặt được cả “túi khôn”, và hiểu thêm nhiều điều gần gũi, ngay chính giữa lòng mình. Tôi hiểu thêm cả những điều tưởng giản đơn, ngỡ đã hiểu.

Thuở bé, tôi từng nghe câu “phong ba, bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Theo Hán Việt, “phong” có một nghĩa là gió, “ba” là dư ba; tất nhiên “dư ba” lại phải cắt nghĩa tiếp, bởi bản thân nó cũng là từ Hán Việt. “Bão táp” thì có thể hiểu nôm na là gió mạnh, cực mạnh, những hiện tượng bất thường từ tự nhiên. Tóm lại, cả hai cụm từ “phong ba” và “bão táp” đều nói đến những hiện tượng cực đoan từ khí hậu, thủy văn trong tự nhiên, ngoài sức chịu đựng của con người.

Cây phong ba, bão táp được trồng để chắn gió, cát, giữ đất, làm bóng mát, che chở cho những loài cây khác. (Ảnh: NĐH)

Tôi thường có thói quen, đến bất cứ vùng đất nào, cũng quan sát và hỏi bằng ra các cây, cỏ khác lạ hiện diện trước mặt. Tương tự như vậy, hôm ở đảo Trường Sa Lớn, khi đi qua cổng Ủy ban nhân dân Thị trấn Trường Sa, tôi hỏi chiến sỹ bảo vệ: “Loài cây này là gì, kia nữa là gì?”. Thật bất ngờ, chiến sỹ ấy cho tôi biết đó là loại cây phong ba và cây bão táp. Chúng được trồng bên cạnh nhau, cả hai phía nằm trong cổng trụ sở chính quyền thị trấn đều có. Chính vì sự ngạc nhiên này, tôi có viết bài thơ, và mấy câu khổ đầu là: “Cây Phong ba xanh cùng Bão táp / mở qua ngày nắng gió / Trường Sa”, (Nghĩ bên cây Phong ba và Bão táp).

Khi về đất liền, có mạng, tôi phải nhờ đến “ông google”. Hóa ra đó là một loài thực vật thuộc họ Mồ hôi (còn gọi là họ Vòi voi). Phong ba có tên khoa học hẳn hoi. Đây là loài thực vật nhỏ, chỉ cao trung bình 3 - 6m, dù cá biệt có thể đạt chiều cao tới 10 - 15m, thường xanh, hay mọc ở những nơi đất cát. Thân gỗ mềm, cong queo, phân cành thấp. Nghĩa là phận phong ba luôn phải cúi mình?

Còn cây bão táp thì sao? Vẫn theo “ông google”, bão táp hay còn gọi là cây hếp có tên khoa học là Scaevola taccada (Scaevola sericea). Đây là thực vật hạt kín, thuộc loài cây bụi sống lâu năm có chiều cao tối đa khoảng 2 - 10m. Có một điều kỳ lạ là, mang tiếng “phong ba”, “bão táp” nhưng cả hai được con người trồng để chắn gió, cát, giữ đất, làm bóng mát, che chở cho những loài cây khác. Điều này thật “ngược” với phong ba, bão táp của tự nhiên và “phong ba, bão táp” của đời người (nó quăng quật và tàn phá người ta ghê lắm).

Quân và dân huyện đảo Trường Sa đang thực hiện chủ trương “xanh hóa Trường Sa” vì phát triển bền vững. (Ảnh: NĐH)

Và cũng do có tán lá màu xanh nhạt, hình dáng nhỏ gọn, hoa quả quanh năm nên cây thường được sử dụng nhiều trong cảnh quan. Như vậy là phong ba, bão táp theo nghĩa thực vật, thân thiện, có ích cho cuộc đời. Điều này thật phù hợp, khi quân và dân huyện đảo Trường Sa đang thực hiện chủ trương “xanh hóa Trường Sa” vì phát triển bền vững.

Bỗng nhiên, yêu quá phong ba, yêu quá bão táp. Cũng vì cảm xúc này, tôi phải nhờ Nguyễn Thị Vân Quỳnh, người bạn cùng tham gia hải trình “chộp” cho tôi nhiều kiểu ảnh tựa vào phong ba, bão táp.

Đứng bên hàng cây phong ba và bão táp trong buổi sáng yên bình, mặt biển chia đều, óng ánh bình minh, tôi không thể không nghĩ đến phong ba, bão táp từ tự nhiên. Đúng vậy, Việt Nam có bờ biển hơn 3.260km chiều dài. Đúng là đất nước bên bờ sóng. Đúng là đất nước ưỡn ngực biển Đông. Ngoài tiềm năng, dư địa từ biển mang lại, từ ngàn đời nay, con người đã vượt lên biết bao phong ba bão táp?

Trường Sa Lớn đang xanh lên từng ngày, tỏa mát, cảnh quan, môi trường nên thơ. (Ảnh: NĐH)

Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay đã có nhiều siêu bão: Bão số 8 (bão Sơn Tinh) tháng 10/2012; bão số 14 (bão Hải Yến), 2013; bão số 12 (bão Damrey), tháng 11/2017; bão số 9 (bão Molave), tháng 10/2020... Ngược về thời gian, có lẽ không ai không nhớ cơn bão số 6 (bão Xangsane) đổ bộ vào Việt Nam tháng 9/2006 với tâm bão vào Đà Nẵng - Quảng Nam; với sức gió mạnh nhất 38m/giây (cấp 13), giật 44m/giây (cấp 14) tại Đà Nẵng. Cơn bão làm 72 người chết, bị thương 532 người và mất tích 4 người. Rất may, Việt Nam chưa trải sóng thần.

Dự báo là nguy cơ nước biển dâng. Đầu năm ngoái, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra kịch bản biến đổi khí hậu (phiên bản 2020). So với phiên bản trước được công bố vào năm 2016, kịch bản lần này đã cung cấp bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng cho các khu vực đồng bằng, ven biển, các đảo và quần đảo của Việt Nam. Mức độ ngập chi tiết của bản đồ được cập nhật đến cấp xã. Đó là phong ba, bão táp.

Bão tố, phong ba, bão táp của tự nhiên, nhất là ở thời kỳ biến đổi khí hậu, băng tan, nước biển dâng... có thể đến bất cứ lúc nào, thảm họa đối với con người có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Con người có thể chế ngự được sự hung hãn của tự nhiên không?

Chế ngự sự “nổi nóng” của “mẹ thiên nhiên” luôn là khát vọng của con người. Con người đã thực hiện những điệu nhảy nghi lễ và cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa trong suốt hàng nghìn năm qua. Ở Hà Nội và Kinh thành Huế xưa đã từng có đàn Xã Tắc để thực hiện những nghi lễ tâm linh này.

Không ai có thể “hô mưa, gọi gió” như trong những pho sách, bộ phim dã sử đâu. Ngay cả khoa học, cũng chỉ mới là dự báo, rằng, con người đang tiến đến rất gần thời điểm có thể kiểm soát thời tiết theo ý muốn, nhưng bao giờ, thì ngay cả các nhà thông thái cũng không trả lời được. Có điều chắc chắn duy nhất là, việc trước mắt con người cần phải làm là dự báo thời tiết thật chính xác, nhất là cảnh báo được động đất, sóng thần, nước biển dâng... Chỉ có điều này mới giảm thiểu được thiệt hại do “nóng, giận” cực đoan từ thiên nhiên.

Cách đây nhiều năm, tôi đọc được đâu đó câu, biển không hiền lành với ai, bất cứ điều gì. Tôi cứ nghĩ mãi câu nói này trong suốt hải trình. Đúng vậy, “biển mênh mông nhường nào”, dẫu con tàu cao, lớn đến thế nào, giữa đại dương chỉ là một chấm nhỏ. Tất nhiên chấm nhỏ ấy tùy thuộc “tầm nhìn xa” của thị giác. Chính xác, nó luôn chỉ là chiếc “cúc áo” trên hải đồ điện tử về hải trình.

Con người đã và đang nhận ra rằng, phải học cách sống cùng phong ba, bão táp. Trường Sa Lớn đang xanh lên từng ngày, tỏa mát, cảnh quan, môi trường nên thơ. Những đảo khác, dù là nhỏ cũng đang xanh dần lên, đẹp dần lên nhờ bàn tay, khối óc, tình yêu “biển là nhà, đảo là quê hương” của quân và dân Trường Sa, trực tiếp ở đây là các chiến sỹ bộ đội Hải quân Việt Nam. Họ vượt lên phong ba bão táp của tự nhiên, đặc biệt là vượt lên “phong ba bão táp” để bảo vệ vững chắc chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo của đất nước.

Có gì sáng nay mà sóng xôn xao / Chân trời vẫn xanh màu nắng vẫn ngọt ngào / Môi cười rất xinh lung linh màu áo / Câu hát gợi lên những khát khao đại dương”, những ngày ở Trường Sa trong tim tôi luôn ngân lên bài hát Biển hát chiều nay của cố nhạc sỹ Hồng Đăng, qua giọng hát Trọng Tấn.

Cha ông xưa và lớp lớp con cháu hôm nay, ngày mai đã, đang và sẽ nắm chặt tay nhau vượt qua phong ba, bão táp. Ưỡn ngực mà xanh...

Hà Nội, tháng 6/2023

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top