Aa

Uông Bí (Quảng Ninh): Bài học từ công tác quản lý quy hoạch tại khu vực hồ Yên Trung

Thứ Hai, 10/05/2021 - 14:00

Hàng loạt vi phạm về đất đai, xây dựng tại khu vực hồ Yên Trung, TP. Uông Bí được Thanh tra tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ nhưng chưa được xử lý dứt điểm, gây bức xúc dư luận.

Lời tòa soạn:

Nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh nổi lên là điểm sáng về đột phá trong nhiều lĩnh vực, nổi bật là công tác xây dựng quy hoạch phát triển chiến lược. Để có được kết quả này, Quảng Ninh đã sớm định vị được tiềm năng, lợi thế, thực hiện lập và công khai các quy hoạch chiến lược, trở thành chỉ dẫn quan trọng trong thu hút các nguồn lực phát triển.

Tuy nhiên, thời gian qua công tác quản lý quy hoạch tại Quảng Ninh còn nhiều bất cập, việc buông lỏng quản lý cũng kéo theo nhiều hệ lụy phát sinh gây bức xúc dư luận.

Trên tinh thần nghiên cứu, thu thập tài liệu, thông qua khảo sát thực tế, Reatimes gửi tới độc giả bài viết Uông Bí (Quảng Ninh): Bài học từ công tác quản lý quy hoạch tại khu vực hồ Yên Trung với mong muốn đưa đến những góc nhìn khách quan về thực trạng quản lý quy hoạch tại các địa phương.

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Quy hoạch phải đi đôi với quản lý

Quy hoạch chung xây dựng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mang tầm chiến lược quan trọng quyết định diện mạo địa phương này trong tương lai. Đến nay, Quảng Ninh đã phát triển 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (Hạ Long), 3 đô thị loại II (Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái), 2 đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều); 2 đô thị loại IV (thị trấn Tiên Yên, thị trấn Cái Rồng) và 5 đô thị loại V (thị trấn Quảng Hà, thị trấn Đầm Hà, thị trấn Cô Tô, thị trấn Bình Liêu, thị trấn Ba Chẽ).

Đáng chú ý, trong 3 đô thị loại II, Uông Bí có vị trí quan trọng nằm giữa tam giác trung tâm kinh tế lớn Hà Nội - Hạ Long và Hải Phòng, Uông Bí còn là trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch phía Tây của tỉnh; trung tâm y tế, giáo dục, đào tạo… Vì vậy, Uông Bí rất có lợi thế về phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, thời gian gần đây những sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng xảy ra trên địa bàn TP. Uông Bí đang khiến dự luận bức xúc. Việc “xẻ thịt” đất rừng xây dựng hàng loạt những công trình trái phép đang “băm nát” quy hoạch tại khu vực hồ Yên Trung, vi phạm nghiêm trọng Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Thủy lợi.

Điều này đang đi ngược lại với chủ trương, đường lối nhất quán của tỉnh Quảng Ninh. Bài học về công tác quản lý quy hoạch tại Quảng Ninh đang khiến giấc mơ đưa địa phương này trở thành một đô thị hiện đại mang tầm cỡ quốc tế còn gặp nhiều khó khăn.

Hàng loạt vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại

Tìm hiểu được biết, ngày 18/11/2019, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh ban hành Kết luận số 28/KL-TTr về việc chấp hành pháp luật đất đai, xây dựng khu vực hồ Yên Trung, phường Phương Đông, TP. Uông Bí.

Kết luận nêu rõ, công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường của UBND phường Phương Đông vi phạm: Để các hộ dân xây dựng vượt diện tích và ngoài quy hoạch tạm thời nhưng không ban hành quyết định xử phạt hành chính và biện pháp cưỡng chế tháo dỡ là không đúng với Nghị định 139/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ; công tác quản lý đất đai trên địa bàn còn chưa chặt chẽ dẫn đến một số hộ dân có đất trồng cây khu vực hồ tự ý chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, cho thuê, cho mượn nhằm mục đích kinh doanh, bán hàng vi phạm Điều 12 Luật Đất đai số 45/2014/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội; một số hộ kinh doanh xả trực tiếp xuống lòng hồ gây ô nhiễm nguồn nước, không đảm bảo vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp.

công trình vườn địa đàng
Việc buông lỏng quản lý của chính quyền đang khiến công tác quản lý quy hoạch và trật tư xây dựng gặp nhiều khó khăn

Trách nhiệm các bên liên quan cũng được nêu rõ trong kết luận:

Thứ nhất, Thường trực TP. Uông Bí chịu trách nhiệm trong việc: Thành lập Tổ công tác thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tại khu vực hồ Yên Trung nhưng chưa ban hành quy chế hoạt động. Chủ trương và giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng lập phương án bố trí khu du lịch tạm thời trên đất rừng sản xuất của các hộ dân và vi phạm bảo vệ hồ đập không phù hợp với quy định Luật Đất đai và Luật Thủy lợi; bố trí ngân sách địa phương để đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang các công trình trên đất rừng sản xuất, trong phạm vi quản lý, bảo vệ hồ đập chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất và quy hoạch, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều chưa đủ điều kiện khởi công. Đội kiểm tra trật tự đô thị và môi trường TP. Uông Bí trách nhiệm phối hợp với UBND phường Phương Đông, còn để các công trình xây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất, vi phạm phạm vi bảo vệ hồ đập, có lập biên bản nhưng không báo cáo thành phố xử phạt hành chính. Để các hộ dân xây dựng vượt diện tích, không có phương án xử lý, để các công trình vẫn tồn tại. 

Thứ hai, đối với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập (đơn vị quản lý hành lang hồ đập): Chưa thực hiện hết trách nhiệm, chưa kịp thời hoàn thiện thủ tục xin giao đất, cắm mốc chỉ giới phạm vi đập, phối hợp chưa tốt với chính quyền để tổ chức cá nhân xây dựng trái phép.

Thứ ba, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc để các tổ chức cá nhân xây dựng trái phép trong phạm vi do mình quản lý.

nhà sàn chưa tahos sỡ
Những công trình xây dựng trái phép vẫn tồn tại trước sự “bất lực” của chính quyền địa phương

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, thiếu sót, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, thu hồi hủy bỏ Phương án bố trí khu du lịch tạm thời tại hồ Yên Trung; tổ chức vận động người dân tự tháo dỡ công trình, hoàn trả mặt bằng, tổ chức cưỡng chế nếu các hộ dân không chấp hành sau ngày 31/12/2019. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến tồn tại, thiếu sót, xem xét xử lý theo quy định…

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên vào ngày 9/5/2021, một số nội dung nêu trong kết luận thanh tra vẫn chưa được thực hiện, hàng loạt những công trình xây dựng trái phép vẫn tồn tại trước sự “bất lực” của chính quyền địa phương.

Để những vụ việc tương tự không tiếp tục tái diễn, UBND tỉnh Quảng Ninh cần làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đã để xảy ra sai phạm nêu trên và xử lý nghiêm minh để làm gương cho các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài viết tiếp theo./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top