Aa

Ưu tiên giải pháp ngắn hạn, minh bạch thông tin để trấn an nhà đầu tư

Thứ Tư, 18/05/2022 - 06:33

Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước sau thời gian dài “lao dốc", giảm điểm sâu và thanh khoản thấp, khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư hoảng loạn.

Trước thực tế này, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) đã và đang quyết liệt triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ thị trường ổn định.

Theo UBCK, TTCK trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất mạnh; căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết; áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt giá năng lượng...

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết: Năm 2022 sẽ là năm đầy thử thách đối với nhà đầu tư trên TTCK.

“Nhiều nhà đầu tư mới chưa trải qua những đợt biến động mạnh nên năm nay được cho là sẽ thanh lọc nhà đầu tư có thiên hướng ngắn hạn. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ phải bỏ nhiều thời gian, công sức để lựa chọn những doanh nghiệp có thể đem lại tăng trưởng về mặt kết quả kinh doanh vượt trội hơn so với ngành, thị trường chung. Về dài hạn thị trường vẫn tiềm năng. Nhà đầu tư thay vì nhìn ngắn hạn cần nhìn dài hơn về năm 2023 - 2024 khi thị trường có cơ hội để trở thành thị trường mới nổi”, ông Long cho hay.

UBCK đang đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi để thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn của khối ngoại. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Mặc dù TTCK Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo nhưng trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư. Phía UBCK đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định TTCK trong nước.

“Ngay trong chiều 17/5, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) sẽ công bố thông tin số liệu tự doanh của công ty chứng khoán. Do Sở GDCK Hà Nội (HNX) cần chuẩn bị về kỹ thuật nên cần thêm thời gian nhưng đang nỗ lực cao nhất để công bố sớm và chắc chắn sẽ công bố đúng thời hạn, trước ngày 23/5 tới”, bà Nguyễn Thị Việt Hà - Quyền Chủ tịch HoSE cho biết. 

Như vậy chiều nay (ngày 17/5), HoSE công bố thông tin cuối ngày giao dịch về tổng khối lượng và tổng giá trị giao dịch mua, bán tự doanh đối với từng mã chứng khoán. Còn phía HNX cần thêm thời gian để chuẩn bị về mặt kỹ thuật, vì số liệu này trước đây Sở chưa tách dữ liệu nhưng mọi công việc đang được triển khai khẩn trương.

Phía UBCK cũng đã chỉ đạo HoSE, HNX yêu cầu tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố các thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu. Sở Giao dịch chứng khoán công bố nội dung báo cáo giải trình của tổ chức niêm yết/tổ chức đăng ký giao dịch trên trang thông tin điện tử của Sở.

Trước đó đầu tháng 3/2022, HoSE đã dừng cung cấp gói dữ liệu tự doanh của khối các công ty chứng khoán. Thông tin giao dịch tự doanh vốn là nhóm thông tin thuộc gói dịch vụ thông tin giữa HoSE và đối tác khách hàng theo hợp đồng. Tuy nhiên, thông tin giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán lại không thuộc nội dung công bố thông tin về giao dịch chứng khoán của sở giao dịch chứng khoán, theo định tại Điều 37, Thông tư 96/2020 hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK.

Cùng với đó, để hạn chế khả năng tác động giá từ TTCK phái sinh lên TTCK cơ sở, UBCK đã chấp thuận cho VSD ban hành Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh. Trong đó, một trong những điểm mới của quy chế này là điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (tập hợp 30 cổ phiếu có chỉ số vốn hóa lớn).

Theo đó, giá thanh toán cuối cùng sẽ là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa) sau khi đã loại trừ đi 3 mức giá trị chỉ số cao nhất và 3 mức giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục, thay vì chỉ lấy giá trị chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như cách tính trước đây. “Việc tính giá thanh toán cuối cùng theo phương pháp nêu trên sẽ được VSD áp dụng sau khi Sở giao dịch hoàn tất điều chỉnh thông tin hợp đồng mẫu và công bố tối thiểu sau 7 ngày làm việc theo quy định hiện hành”, lãnh đạo UBCK cho biết.

Cùng với đó, bên cạnh các giải pháp trung và dài hạn khác hỗ trợ thị trường phát triển bền vững, minh bạch, UBCK cũng đang đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi để thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn của khối ngoại.

Mặc dù, việc nâng hạng sẽ phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức xếp hạng thị trường, tuy nhiên, UBCK đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp, vạch lộ trình rõ ràng hơn, phấn đấu cao nhất để kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng sớm nhất, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Trong đó, Bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và rà soát vướng mắc, bất cập quy định pháp luật chứng khoán, từ Luật Chứng khoán tới các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, Bộ đề nghị tiếp tục triển khai đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo đúng kế hoạch, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 - 2030.

Theo Bộ Tài chính, để hạn chế hành vi vi phạm về giao dịch nội bộ, Bộ đang chỉ đạo các Sở giao dịch đẩy nhanh nghiên cứu giải pháp để ngăn chặn việc cổ đông nội bộ giao dịch cổ phiếu mà không công bố thông tin, đề xuất giải pháp chặn kỹ thuật, cũng như kiến nghị sửa đổi các quy định có liên quan. Các đơn vị chức năng được yêu cầu thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán có khách hàng báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót. Dựa trên kết quả giám sát, kiểm tra, Bộ sẽ xử lý theo đúng quy định.

Bên cạnh các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ thị trường trong ngắn và dài hạn, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trên TTCK, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót theo kế hoạch đã được phê duyệt. Dựa trên kết quả giám sát, kiểm tra sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan tới thị trường này, trong đó có Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, Bộ Tài chính sẽ có thêm các giải pháp để đảm bảo kênh dẫn vốn quan trọng này phát triển an toàn, minh bạch, trong đó vừa hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính, nhưng cũng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro, nhất là việc phát hành không có tài sản bảo đảm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top