Aa

Ưu tiên hiệu quả đầu tư công, mở rộng đầu tư trong nước

Thứ Hai, 13/02/2023 - 14:52

Cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong năm 2023 xuất phát từ chính các nguồn lực như: Thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, nâng cao hiệu quả đầu tư công và mở rộng đầu tư trong nước.

Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Văn Hiến - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, những biến động và áp lực từ bên ngoài càng tăng đòi hỏi nội lực của nền kinh tế trong nước càng phải mạnh hơn thì mới chống trả được những tác động xấu từ bên ngoài. Cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong năm 2023 xuất phát từ chính các nguồn lực như: Thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, nâng cao hiệu quả đầu tư công và mở rộng đầu tư trong nước.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đã đạt kết quả ấn tượng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của chính sách tài khóa. Ông nhận định thế nào về ý kiến trên?

TS. Nguyễn Văn Hiến

TS. Nguyễn Văn Hiến: Năm 2022 là năm rất khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát vẫn duy trì dưới 4%, tăng trưởng kinh tế đã lập kỳ tích, đạt 8,02%, tốc độ tăng trưởng kinh tế gần gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát. Đạt được thành tựu quan trọng như vậy là do sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó đóng góp của chính sách tài khóa là vô cùng quan trọng.

Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm của chính sách tài khóa năm 2022 là tập trung vào phục hồi kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội sau đại dịch Covid-19 và ứng phó với những tác động xấu của kinh tế thế giới ảnh hưởng đến kinh tế trong nước.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và thông qua gói hỗ trợ lên đến 347 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thu, chi ngân sách nhà nước, cân đối đảm bảo nguồn lực thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Tài chính cũng đã tham mưu trình các cấp có thẩm quyền giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp; giảm 37 loại phí, lệ phí; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu... góp phần kéo giá xăng dầu xuống, giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Việc giãn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí đã giúp doanh nghiệp có nguồn vốn quay vòng, vượt qua khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đánh giá một cách tổng quát, các chính sách tài khóa mà Bộ Tài chính đã đề xuất và triển khai thực hiện trong thời gian qua là đúng hướng, kịp thời nên đã phát huy tác dụng hết sức tích cực, cơ bản hoàn thành được 3 mục tiêu chính, đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, thực hiện tốt mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. (Đồ họa: Văn Chung)

PV: Nhiều tổ chức quốc tế nhận định, năm 2023 nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn của nền kinh tế toàn cầu. Vậy kinh tế Việt Nam sẽ chịu những tác động ra sao, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Năm 2023 được dự báo là năm đầy khó khăn thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là những tác động xấu của nền kinh tế toàn cầu. Trước tiên, đó là áp lực lạm phát từ bên ngoài, trong đó diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới còn rất khó lường. Xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại dẫn đến sự biến động về giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào sẽ còn phức tạp, áp lực lạm phát từ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU chắc chắn sẽ là những dư chấn tác động mạnh đến kinh tế trong nước.

Tiếp đến là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, trong năm nay và vài năm tiếp theo, kinh tế thế giới khả năng rất cao rơi vào suy thoái. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2023 sẽ có khoảng một phần ba số nền kinh tế trên thế giới rơi vào suy thoái, vì vậy thị trường xuất khẩu sẽ bị thu hẹp, nhất là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Điều này đã diễn ra ngay từ giữa năm 2022 và dự báo sẽ còn khó khăn hơn trong năm 2023.

Cùng với đó, do các nền kinh tế lớn gặp khó khăn nên dòng vốn FDI vào Việt Nam chắc chắn bị sụt giảm, điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế trong nước. Cần lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có đóng góp rất quan trọng của khu vực FDI.

PV: Theo ông, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2023, cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm nào?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Năm 2023, mặc dù Chính phủ cũng đã tiên liệu trước khó khăn, thách thức sẽ phải đối diện nên đã đặt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn năm 2022, tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 cũng không phải dễ dàng đạt được.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng nói trên, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Muốn vậy cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, phù hợp; điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, giữ ổn định thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ. Vừa thực hiện chính sách nới lỏng tài khóa, nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng, vừa thực hiện kiểm soát lạm phát.

Tiếp tục gia hạn nhiều khoản thuế, phí là phù hợp và cần thiết

TS. Nguyễn Văn Hiến cho hay, trong năm 2022, đặc biệt là 2 quý cuối năm, khu vực kinh tế trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ… đã bị mất thị trường, mất đơn hàng, phải cho công nhân nghỉ việc hàng loạt, các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, vận tải… cũng còn rất nhiều khó khăn, chưa hồi phục hoàn toàn. Thông qua chính sách tài khóa, Nhà nước đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân với quy mô khoảng 233.000 tỷ đồng. Với quy mô hỗ trợ như vậy, nhưng thu ngân sách nhà nước năm 2022 vẫn vượt hơn 27% so với dự toán. Vì vậy, năm 2023, chúng ta vẫn còn dư địa về tài khóa để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Việc Bộ Tài chính tham mưu, đề xuất tiếp tục gia hạn nhiều khoản thuế, phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2023 là hoàn toàn phù hợp và cần thiết. Đây sẽ là động lực giúp doanh nghiệp, người dân sớm vượt qua khó khăn thách thức, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định thu nhập và đời sống, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, chủ động xây dựng các kịch bản đối phó với những tác động xấu từ bên ngoài, đặc biệt là sự biến động của giá và nguồn cung năng lượng cũng như các yếu tố đầu vào nhập khẩu quan trọng của nền kinh tế. Thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, có các giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để giúp các doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh, ổn định an sinh xã hội cho người dân như: giãn, hoãn, miễn thuế, hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Xác định cụ thể các đối tượng doanh nghiệp cần ưu tiên hỗ trợ vốn để duy trì và phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

Thứ tư, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị nhằm vừa hỗ trợ tăng trưởng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư công.

Thứ năm, thực hiện khai thông thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường vốn, thị trường lao động và thị trường bất động sản, không để tình trạng các doanh nghiệp có dự án kinh doanh tốt nhưng không hoạt động được do thiếu vốn, thiếu lao động.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top