Tại buổi họp báo thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý 1/2019, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, cho biết, ngân hàng đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 ở mức 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế nhưng vẫn dựa trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% và lạm phát bình quân dưới 4%.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo định hướng tín dụng toàn hệ thống và thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng. Định hướng là ưu tiên chỉ tiêu tín dụng cao đối với các ngân hàng đã thực hiện trước thời hạn các quy định về CAR tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
"Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, đến 25/3/2019, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 2,28% so với cuối năm 2018. Trong đó tín dụng được tập trung cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên", ông Hà nhấn mạnh.
Bổ sung thêm vào "bức tranh" tín dụng 3 tháng đầu năm, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, dẫn số liệu, tín dụng đối với ngành công nghiệp tăng 2,57% (chiếm tỷ trọng 19,99%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,79%; tín dụng đối với ngành xây dựng tăng 1,08% (9,63%); tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ tăng 1,97%, (61,21%); và tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản tăng 1,01% (9,17%).
Ngoài ra, tín dụng chảy vào các lĩnh vực ưu tiên cũng tăng khá. Cụ thể, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,79%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 2,23%; tuy nhiên tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa lại giảm 1,64% so với cuối năm 2018…
Nhận định về dòng chảy tín dụng trong quý 1/2019, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng nguồn vốn ngân hàng đổ vào các lĩnh vực ưu tiên đều có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế, phản ánh những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước vừa "đúng" và "trúng" với chủ trương của Chính phủ.
Liên quan đến những lo ngại về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 gắn với tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 130% hiện nay, bà Hồng khẳng định Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương kiểm soát chặt chẽ điều hành tín dụng. Định hướng tín dụng cả năm 2019 giữ mức 14%, tương đương mức tăng trưởng 13,98% của năm 2018 sau khi tín dụng/GDP tăng cao trong vài năm trở lại đây (Năm 2016, tỷ lệ này là 122%, năm 2017: 130% và năm 2018: 130%).
"Trong quá trình làm việc, trao đổi với Standard & Poor về vấn đề này, họ cho rằng cách thức của Ngân hàng Nhà nước là rất phù hợp với bối cảnh hiện nay", bà Hồng chia sẻ. "Những băn khoăn, lo ngại tỷ lệ tín dụng/GDP đã giảm xuống".
Ngoài ra, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc chủ động triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng sản xuất và tiêu dùng cũng như triển khai nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt trong thời gian qua cũng là một trong những định hướng trong năm 2019 nhằm góp phần đẩy lùi tín dụng đen của Ngân hàng Nhà nước.
"Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục hành chính và đẩy mạnh tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức tín dụng cũng như của các công ty tài chính để bà con có nhu cầu vay chính đáng có thể tiếp cận sản phẩm, dịch vụ phù hợp và đúng pháp luật", bà Hồng nhấn mạnh.
Riêng đối với hình thức cho vay ngang hàng (P2P), do chưa có quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật hiện hành vì vậy, theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất thực hiện thí điểm mô hình này như là một ngành kinh doanh có điều kiện trước khi có những tổng kết, đánh giá và đề xuất chính thức với Chính phủ.