Aa

Ủy ban Kinh tế đề nghị nhiều vấn đề quan trọng khi thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ Sáu, 09/06/2023 - 12:15

Sáng 9/6, trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã kết luận và đề nghị bổ sung nhiều vấn đề quan trọng, đáng chú ý là vấn đề thu hồi và định giá đất.

Việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng chỉ được thực hiện khi gắn với dự án cụ thể

Một trong những nội dung quan trọng Ủy ban Kinh tế nêu trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng chỉ được thực hiện khi gắn với dự án cụ thể.

Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát quy định cụ thể, rõ ràng tại điểm e và điểm g khoản 3 Điều 79, chứ không quy định theo cách dẫn chiếu sang quy định tại các điều, khoản khác. Đồng thời, rà soát các quy định tại các điểm, khoản khác của Điều này, bảo đảm đầy đủ, rõ ràng.

Đồng thời, rà soát Điều 80 về điều kiện thu hồi đất, bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013, không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi phải được quy định trong Luật mà còn yêu cầu các trường hợp đó phải là trường hợp “thật cần thiết”.

Toàn cảnh phiên trình bày báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, để đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nhất khi thông qua dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ cụ thể hóa tại Luật những nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đủ chín, đủ rõ.

Đối với những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu và điều kiện thực tiễn chưa cho phép quy định ngay tại Luật để trình Quốc hội thông qua, đề nghị Chính phủ phối hợp báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Đối với những nội dung thực tiễn phát sinh nhưng chưa được tổng kết (do đó,chưa được đề cập trong Nghị quyết 18-NQ/TW), quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động cho thấy có cơ sở hợp lý và nhận định cần thiết bổ sung quy định, đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến, làm cơ sở hoàn thiện dự thảo Luật.

Nếu những nội dung đã được tổng kết nhưng chưa đạt sự đồng thuận, chưa đủ chín, đủ rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn (vì vậy, không được kết luận tại Nghị quyết 18-NQ/TW), đề nghị không đưa vào dự thảo Luật.

Ngoài ra, có một số nội dung, chủ trương trong Nghị quyết 18-NQ/TW chưa được thể chế trong dự thảo Luật vì không thuộc phạm vi điều chỉnh. Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, triển khai theo Kế hoạch số 08-KH/TW của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật để thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Đối với các dự án luật đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đặc biệt là các dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định có liên quan và đề xuất chỉnh sửa tại Luật Đất đai (nếu có) theo nguyên tắc bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh tại mỗi Luật, không nhắc lại tại Luật này nội dung quy định của Luật khác và ngược lại. Mà có quy định dẫn chiếu việc thực hiện theo quy định của Luật khác có liên quan; trình Quốc hội xem xét theo quy định.

Quy định về “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường” chưa thực sự rõ ràng

Đối với quy định về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất, Ủy ban Kinh tế nhận định, dự thảo Luật quy định về “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường” chưa thực sự rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW về phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Ủy ban Kinh tế lý giải, nếu doanh nghiệp phải chịu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quá lớn, sẽ suy giảm năng lực cạnh tranh về giá hàng hóa, dịch vụ, về thu hút đầu tư, dẫn đến không tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung nguyên tắc định giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Theo Ủy ban Kinh tế, nếu doanh nghiệp phải chịu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quá lớn, sẽ suy giảm năng lực cạnh tranh (Ảnh minh họa: Dân Việt)

Về bảng giá đất, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí việc xây dựng bảng giá đất hằng năm bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu để có lộ trình thích hợp và có phương án quy định linh hoạt hơn trong trường hợp đến thời hạn ngày 01/01/2026 vẫn chưa hoàn thành được việc xây dựng Bảng giá đất hằng năm.

Đồng thời, lưu ý quy trình điều chỉnh, sửa đổi cần quy định phù hợp để bảo đảm tính khả thi; nghiên cứu quy định rõ về nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể và cách xác định “vùng giá trị”, “thửa đất chuẩn”.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét thành phần Hội đồng thẩm định bảng giá đất và Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể theo hướng nâng cao tính chuyên môn và bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định giá và cơ quan quyết định giá đất. Quy định tách bạch về thẩm quyền quyết định; làm rõ căn cứ, tiêu chí và trách nhiệm của 02 Hội đồng này; quan hệ giữa thẩm quyền của 02 Hội đồng này với thẩm quyền quyết định giá đất của Ủy ban nhân dân và tổ chức tư vấn, định giá đất.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc bỏ quy định vể đất sử dụng cho khu kinh tế. Theo đó, chế định đất sử dụng cho khu kinh tế đã được quy định và thực hiện trong suốt thời gian dài, được thể hiện trong chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội thông qua và đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ về các địa phương để thực hiện.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top