Chưa có định chế tài chính trung ương cho nhà ở xã hội
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, dù thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, đặc biệt là thiếu một định chế tài chính ở tầm quốc gia để tạo nguồn lực ổn định, dài hạn.
Hiện cả nước mới chỉ có một vài Quỹ phát triển nhà ở cấp địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Trong đó, Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM là lớn nhất, hoạt động từ năm 2005. Tính đến năm 2023, Quỹ này đã giải ngân gần 2.800 tỷ đồng cho hơn 5.500 đối tượng có thu nhập thấp và hỗ trợ 9 dự án nhà ở với hơn 320 tỷ đồng. Quỹ cũng là chủ đầu tư của hai dự án nhà ở xã hội quy mô hơn 3.000 căn hộ.
Tuy nhiên, việc hoạt động của các quỹ này cũng đang đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt là do không được cấp bổ sung vốn điều lệ. Từ năm 2021, Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM đã gặp trở ngại về tài chính, ảnh hưởng đến năng lực giải ngân và đầu tư các dự án mới.
Trong khi đó, nhiều quỹ phát triển nhà ở tại các địa phương khác đã phải sáp nhập vào quỹ đầu tư phát triển địa phương do thiếu vốn, khiến mục tiêu phát triển nhà ở xã hội bị lu mờ. Tính đến nay, cả nước có 43 quỹ đang hoạt động nhưng phần lớn không ưu tiên cho lĩnh vực nhà ở xã hội. Chỉ một số quỹ tại Lào Cai, Thái Bình, Hà Tĩnh và Đắk Lắk còn triển khai đầu tư trực tiếp với tổng mức khoảng 743 tỷ đồng, cung cấp 1.345 căn hộ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày tóm tắt dự thảo nghị quyết
Đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia
Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đề xuất cần thiết nghiên cứu và thành lập "Quỹ phát triển nhà ở quốc gia". Quỹ này sẽ được cấp vốn từ ngân sách nhà nước, đồng thời huy động các nguồn lực hợp pháp khác để tạo nguồn vốn ưu đãi, dài hạn, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, ngoài khó khăn về nguồn vốn, nhiều dự án nhà ở xã hội hiện nay còn vướng mắc trong việc bố trí kinh phí cho bồi thường, tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngoài phạm vi dự án, hỗ trợ cho các dự án nhà ở cho thuê, thuê mua, cũng như các chính sách tín dụng không yêu cầu tài sản thế chấp. Việc thiếu cơ chế tài chính cụ thể đã khiến các chính sách hiện hành chưa phát huy hiệu quả.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận cao

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận phiên họp
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Hoàng Văn Liên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp của Quốc hội - cho biết, Ủy ban nhất trí với đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia. Tuy nhiên, cần làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức, cơ chế vận hành và đặc biệt là nhiệm vụ chi của quỹ, nhằm tránh chồng chéo với các khoản chi từ ngân sách nhà nước, đảm bảo quản lý chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia. Theo ông, cần xây dựng quỹ theo hướng huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia, có thể vận hành theo mô hình quỹ đầu tư phát triển nhà ở quốc gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thiết kế tổ chức và hoạt động phù hợp với điều kiện Việt Nam./.