Thế nên các cụ xưa vẫn thường nói “sống khỏe chết nhanh là sướng nhất”. Để sống khỏe thì ai cũng làm được, có quyền chủ động sống khỏe. Còn chết nhanh, thì làm sao có quyền đây? Khi đó con người đuối sức, không thể giơ nổi tay ra để nắm lấy chính bàn tay mình, chẳng làm gì được ngoài việc phụ thuộc vào người khác.
Ở ta chưa có luật cho phép cá nhân con người có quyền được chết. Nhiều người nhuốm bệnh đau đớn kéo dài, gia đình cầm chắc không khỏi, lương tâm máu mủ, không nỡ xin bác sỹ cho rút ống thở vì rất nhiều lý do. Lý do hiếu đễ, lý do tình thâm, không nỡ để người thân ra đi như thế, người ở lại sẽ dằn vặt sau khi người thân dời khỏi thế gian này.
Ở bệnh viện nọ đã từng có ý nguyện của một bệnh nhân muốn được giải thoát nhanh, nhưng không được phép. Không ai có quyền cho ngươi rút ống thở để ngươi được chết theo ý muốn. Có khi người nhà nọ rất có điều kiện kinh tế, họ thương xót người thân bị bệnh, lại truyền thêm nhiều thứ, chằng chịt dây dợ tiếp thêm máu, cho thêm đạm, và nỗi đau lại kéo dài nỗi đau.
Bạn thân của tôi, làm ở khoa hồi sức cấp cứu của một bệnh viện lớn. Chị từng kể cho tôi nghe về hàng trăm số phận con người mỏng manh treo trên ngàn sợi tóc, của những người ngã bệnh từ té ngã, tai nạn, bệnh từ chính gia đình truyền lại, và sau những "nâng lên đặt xuống", sau những mệt nhoài vì thức trắng đêm, người bệnh cũng được trút hơi thở cuối. Phút cuối, mệnh trời không cho người thở nữa. Giây phút này đời người ai cũng một lần trải qua.
Khi ta ra đời được bác sỹ sản khoa nâng lên, và khi vĩnh biệt cõi này, bác sỹ hồi sức cấp cứu đặt ta xuống. Không ai tránh được. Không ai nói mạnh về cái chết của mình sẽ như thế nào, nó sẽ ra sao? Duy nhất, chỉ có anh nhà văn có quyền dùng chữ nghĩa để cái chết của nhân vật chảy theo số phận của nó.
Tôi nhớ lần đọc hồi ký của một nhà văn lớn, viết về cái chết của nhà văn Nguyên Hồng, nghe như vợ ông nói: Nguyên Hồng vừa mới trát đất bùn lên cái vách trái bếp, thấy mệt thì đi nằm, rồi ông ra đi luôn; nhà văn Vũ Bão đang đi thực tế để viết, ngang qua bến phà, thấy choáng rồi đột quỵ ra đi; nghệ sỹ Nguyễn Chánh Tín sau tai họa, sau những ê chề, vỡ nợ, cuối cùng ông cũng được ngủ ngon, ra đi êm ru; hay nhà văn Anton Pavlovich Chekhov còn đủ tỉnh táo nói chuyện với bác sỹ, rồi sau khi uống xong cốc sâm panh, ông đã nhẹ nhàng ra đi.
Nghĩ cho cùng, được chết nhanh như thế là sướng. Chết tiên. Là cách chết được trời Phật phù hộ độ trì, ra đi trong nhẹ nhàng, êm ả. Không phải nâng lên đặt xuống, không phiền hà đến cháu con, người thân trong gia đình.
Có lần sang Nhật, tôi được chứng kiến khung cảnh thật cảm động, thật hiếu đễ của đứa con đối với bậc sinh thành. Và tôi cho rằng, phút giây như thế gọi là cầu vồng hạnh phúc của cuộc đời họ, lan tỏa sang người xung quanh, lan tỏa tình nghĩa gia đình với góc nhìn từ lữ khách quốc tế.
Người Nhật sống thọ và họ biết nâng niu thời gian để sống. Người Nhật sống khỏe mạnh, văn minh và chú trọng tới nếp nhà. Không gian chật nhưng vô cùng ngăn nắp, sạch sẽ. Người trẻ biết dành thời gian cho cha mẹ, dù sống riêng biệt, và họ được sống trong hạnh phúc.
Ở Việt Nam, nếp nhà cũng được gìn giữ, và văn hóa ẩm thực được truyền dạy cho con cháu ngay cả trong ngày giỗ của ông bà, cha mẹ. Bữa ăn là dịp để gia đình ngày quần tụ, như Tết cổ truyền, ngày lễ, hội, rồi sinh nhật, ngày kỷ niệm đám cưới vàng, bạc…
Chỉ có điều, mọi người đừng làm quá lên. Cách làm đôi khi cũng phụ thuộc vào cách ứng xử văn hóa của từng gia đình, có nhà thì lặng lẽ truyền dạy con cái, có nhà thích khoe khoang, tung hô. Văn hóa gia đình còn tùy vào cách sống, cách xử sự của các bậc làm cha làm mẹ.
Giờ đây, không chỉ riêng Hà Nội có trại dưỡng lão, đội ngũ y tá điều dưỡng, những người có thể thay con cháu chăm sóc ông bà cha mẹ. Những người làm công việc “báo hiếu thuê” họ cũng rất tận tình. Nhưng đó là với những người có tiền. Còn những người nghèo, họ vẫn chọn cách "nâng lên đặt xuống" tại nhà, chờ phút ra đi.
Trong những ngày nắng nóng cao độ tại Hà Nội và các thành phố khác, không ít người già cả ra đi, tại các “nhà lạnh” dành cho người chết, nhiều gia đình phải xếp hàng. Ở những khu chung cư cao tầng, nhiều anh chị có cha mẹ già lo lắng vô cùng, họ không biết xoay sở ra sao khi có người nhà ra đi đột ngột, họ phải chờ đợi khi thiếu chỗ cho người chết chờ làm lễ tưởng niệm.
Chúng ta thử hình dung xem, xung quanh Hà Nội, có bao nhiêu chung cư cao tầng, bao nhiêu căn hộ, người sống đã đông và người mất đi cũng sẽ đông lên. Vậy mà số nhà tang lễ chỉ có hạn. Việc chết rồi còn phải chầu chực mới khổ sao. Đã đến lúc các kiến trúc sư và các nhà kinh doanh bất động sản phải tính đến chỗ lùi cho một con người khi vĩnh biệt cõi thế. Kẻo dân tình nhà nghèo sẽ không biết lùi đi đâu, để chết ở đâu cho được thiêu nhanh thanh thản?
Nếu nhìn xa, rất cần những khu chung cư cao tầng, cũng nên dành một chỗ, góc đó cho nơi con người gắn bó yên nghỉ để rồi xuống đài hóa thân hoàn vũ. Tôi từng nghe được có một phụ nữ đơn thân ở TP.HCM, chị đã thích được nằm lại ở căn phòng sinh hoạt chung trước khi xuống đài hóa thân, không thể nói ước mơ giản dị đó không có lý.
Khi giã từ cõi người, nên chăng cũng cần nghĩ tới một chỗ nghỉ giản dị ở chung cư. Đã đến lúc các nhà phát triển, các kiến trúc sư suy nghĩ tới việc thiết kế chỗ nghỉ cuối cho con người ở khu chung cư.