Nhiều năm về trước, có một lần tôi đến thăm nhà văn Vũ Sắc, người mà tôi hay gọi thân mật là “bố Vũ Sắc”, ở làng Hoàng Mai (Hà Nội). Nhà ông hẹp nhưng sân gạch đỏ rộng rãi. Ông đã từng có lần vui vẻ khoe với tôi rằng: “Tháng nào đến ngày rằm, trăng sáng quá cũng khó ngủ. Nhà có sân rộng, trăng sáng như ban ngày. Bố chỉ thích ở vừa đủ. Biết đủ lòng bao giờ cũng vui”.
Khi ấy là mùa hè, buổi chiều ông vác chiếc chõng ra sân, thêm cái ghế tre ngồi uống nước vối. Vối vườn nhà, cây doi, hoa mít, hoa cau ở vườn. Tôi thấy nhà văn Vũ Sắc đã sống đúng nghĩa giản dị dân dã. "Bố Vũ Sắc” từng biên tập bản thảo cho các nhà văn ở bàn làm việc nhìn ra sân, nơi có hai cây cau và cái chum nước... Đó là những năm 1980 của thế kỷ trước, căn nhà ở làng Hoàng Mai của nhà văn Vũ Sắc một tầng, có sân vườn. Và tôi nhớ lời ông: “Nhà bố hẹp, sân rộng, nên nhìn thấy trăng treo ngay mé cửa sổ”.
Ngày xưa, Hà Nội có nhiều làng. Cũng như làng quê Việt vùng Bắc bộ, sân là nơi để trở về. Qua sân nhớ ra vào khép cổng, khi về bước qua cổng vào sân, qua sân mới đến nhà...
Đận ấy, ra về rồi, thi thoảng trong tôi vẫn hiện lên hình ảnh chiếc bàn đơn sơ của ông. Ông vốn là biên tập viên của nhà xuất bản Quân đội nhân dân... Bố Vũ Sắc mất đã lâu, bây giờ nhà tầng, kín cổng cao tường không thấy vườn và sân nữa.
Chiếc sân vốn là nơi ngày mùa phơi lạc, phơi đậu, ngả chum tương, và chum nước để đi về rửa mặt. Sân cho trẻ con chơi ô ăn quan, chơi nhảy dây, chơi lò cò, chơi chuyền, đánh chắt, chơi pháo đất. Một thời công nghiệp hóa chưa phát triển mạnh, đồ chơi dân gian bằng tre nứa, bằng một cuộn len ngồi đan hai tay, ngoắc vào mười ngón thành hình quả trám.
Sân, là nơi chờ mẹ đi chợ về cho con đồng quà tấm bánh, dù chỉ là bánh đa, kẹo bột, rồi mẹ vội vã nhặt rau, vo gạo nhặt thóc chuẩn bị đủ thứ mới vào bếp đun nấu. Cái sân nhà gắn bó với con người, kể cả khi gia đình có việc hiếu hỷ. Khoảng sân là nơi lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm cho mỗi gia đình…
Khoảng sân là nơi lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm cho mỗi gia đình... (Nguồn ảnh: Internet)
Nhưng mỗi khoảng sân trong nhà, trong ngôi làng Hà Nội cũng đang bị đánh mất bởi chính chủ nhân của nó. Có gia đình đông con, anh em khi chia đất xây nhà họ đã xây lấn từng centimét, không chừa khoảng lưu không giữa hai nhà, vách ngăn cần thiết trong xây dựng. Hà Nội, có ngõ lấn đằng ngõ, có phố, hè lấn đằng hè, nói gì đến sân. Đó là những căn nhà mà chính chủ nhân đã tận dụng đất tối đa, họ không chừa sân để xe. Tất cả xe để trong nhà. Có gia đình mà phòng ở tầng 1, vừa là phòng khách, phòng ăn, để xe... Không gian nhà hẹp, nói gì để lại sân.
Tôi có người bạn mua được 50m2 đất ở làng Xuân Đỉnh. Bạn đổ móng xây nguyên ngôi nhà rộng 50m2, sát tới vạch đường. Khách muốn tới chơi phải đi gửi xe nhà đối diện. Trong khi nhà đối diện cũng ngần ấy diện tích, họ để sân rộng 30m2, nhà ở 20m2 chồng lên ba tầng. Không gian sống, tính ra ông bà ở tầng 1, vợ chồng đứa con trai ở tầng 2, 3. Vừa đủ sống, còn để không gian thở cho ngôi nhà chính là cái sân.
Tôi có hỏi vị chủ nhà giữ xe: "Vì sao bác không xây thêm, để sân rộng làm gì?". Bác nói: “Tôi chỉ chọn không gian sống vừa đủ. Còn để sân cho nó thoáng. Có cây cối, chim chóc vẫn ríu rít đến nhà, chim có phải nuôi đâu, có những con chim tự đến".
Tôi quý mến cách sống và sự lựa chọn sự vừa đủ cho mình của bác hàng xóm. Một cái sân không rộng nhưng là chốn cho trẻ con chơi, và còn cho hàng xóm để nhờ xe khi có khách. Nhà chật hơn, nhưng lòng hiếu khách thơm thảo.
Nếu nhìn cách sống tối giản, sạch sẽ, chỉ vừa đủ sống, có sân vườn, thì tôi vẫn nghiêng về ngôi nhà ông chủ cho gửi xe ở làng Xuân Đỉnh. Nó khác với cách sống của bạn tôi, xây kín bưng không có chỗ giếng trời, không có chỗ thở của ngôi nhà.
Giờ đây tôi đi đến những chung cư cũ. Nhà chung cư thì đào đâu ra sân cho trẻ vui chơi. Nhưng các khu nhà chung cư của Đài Tiếng nói Việt Nam, thấy UBND phường cho xây dựng cái sân có chỗ chơi cho trẻ, dù chỉ là cầu trượt mini, đu quay hay vài chiếc xà đơn cho người lớn tập thể dục mỗi sáng.
Tại đô thị hiện đại, không phải khu chung cư nào cũng có sân chơi cho cư dân
Những góc sân thể thao đã mọc lên trong công viên Thống Nhất, ven hồ Tây, sân chơi công cộng ở các khu chung cư hiện đại như Times City, Ecopark, hay Eco Green, Estella,... đều có những sân chơi thật xanh, thân thiện, vì môi trường sống cho cộng đồng.
Ước gì các nhà đầu tư bất động sản sớm nhìn ra khoảng sân chơi rộng, nhiều hơn nữa, hữu ích hơn cho các cư dân, để thời gian rảnh rỗi của họ trở nên hữu ích ở nơi có không gian xanh. Ước gì những con đường sẽ để rộng ra chứ không bé tẹo và luôn tắc nghẽn. Ước gì cái sân cho mỗi con người còn để lại những ký ức đẹp.
Tôi còn nhớ ngày xưa bố tôi bảo: “Con ra sân đỡ cho bố cái máng nước”. Cái sân hiện lên hình dáng cha gò máng nước trong ký ức. Nhà tôi chọn cách ở rất hẹp, để có cả sân trước sân sau; vô tình một lần người bạn kiến trúc sư của tôi đùa rằng: “Nhà cậu có 2 sân cũng là một cách xa xỉ không gian sống”. Nhà hẹp không có đồ đạc nên rộng, nhà hẹp lại đầy nắng gió, đầy ánh trăng đêm...
Tôi nghĩ, sự lựa chọn là sở thích của riêng mỗi chủ nhân ngôi nhà. Nhà có sân hay không có sân đều tùy theo cách cảm, cách nghĩ của mỗi người. Chọn không gian sống nhỏ, sân rộng thấy vui là mình vui.
Nhưng bạn tôi bảo chẳng ai... điên như thế, để sân rộng quá. Phí! Sân có quan trọng gì đâu, ai mà nghĩ lẩn thẩn về ký ức làm gì cho mệt?
Với bạn là thực tế, không cần ký ức. Mà tôi thì coi ký ức là tài sản của một đời người, trong đó có kỷ niệm in dấu không nhòa về nắng mưa vẫn giọt gianh trước cửa, đó là sân và cây, và con mèo nhị thể đang nằm phơi nắng. Chẳng ai định nghĩa thay cho mình, niềm vui bé mọn ở ngay trong ngôi nhà, lâu rồi nhiều người đã quên nhà có sân, có khoảng không nắng gió, có mưa giọt gianh vẫn rơi ngay trước cửa.