Vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã có Báo cáo số 120/BC-UBND về việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.
Theo đó, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về nhà chung cư trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Xây dựng TP. Hà Nội xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Thành ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội”.
UBND TP. Hà Nội cũng đã yêu cầu UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến Thông tư số 02/2016/TT-BXD đến các đối tượng như chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, Ban quản trị, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
Sau khi Luật Nhà ở 2014 được ban hành và có hiệu lực thi hành, UBND TP. Hà Nội đã quán triệt đến các cơ quan, ban ngành của thành phố trong việc thực hiện các quy định của Luật Nhà ở 2014. UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm.
Thực hiện chỉ đạo, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã chủ động ban hành các văn bản như đề nghị UBND quận, huyện, thị xã lập kế hoạch kiểm tra các tòa chung cư thương mại đã đưa vào quản lý, sử dụng trên địa bàn; lên kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc quản lý, vận hành khai thác các thang máy và việc bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng tại 10 nhà chung cư; thành lập Tổ kiểm tra công tác tuân thủ quy định của pháp luật trong công tác quản lý vận hành nhà chung cư và tiến hành kiểm tra thực tế tại một số quận, huyện trọng điểm: Hà Đông, Ba Đình, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm…
Kết quả, đến nay Đoàn đã thực hiện kiểm tra được 71 nhà chung cư, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp với số tiền 860 triệu đồng, trong đó, 2 trường hợp báo cáo UBND TP ban hành Quyết định xử phạt với tổng số tiền 250 triệu đồng, 11 trường hợp Sở Xây dựng đã ban hành Quyết định xử phạt với tổng số tiền là 610 triệu đồng.
UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu 19 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị (BQT); ban hành 2 Quyết định cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì 2% đối với 2 Chủ đầu tư là Vinaconex 3, Sông Đà Thăng Long; thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng 13 chủ đầu tư có vi phạm về quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Về chung cư thương mại, theo Báo cáo, trên địa bàn thành phố hiện có 745 nhà chung cư thương mại được đưa vào sử dụng. Trong đó đã tổ chức bầu 492/745 BQT (66%); đã bàn giao hồ sơ cho 392/492 BQT (80%); đã bàn giao diện tích sở hữu chung cho 338/492 BQT (69%); đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho 238/492 BQT (48%).
Về tình hình chung cư tái định cư, trên địa bàn TP hiện có 174 nhà chung cư tái định cư được đưa vào sử dụng.
Trong đó, đã tổ chức Hội nghị nhà chung cư và bầu được 82 BQT của 93/153 nhà chung cư đủ điều kiện tổ chức hhội nghị lần đầu (61%); 43 nhà chung cư đã tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần 2 nhưng không thành công, đơn vị được giao quản lý vận hành đã có văn bản đề nghị UBND cấp phường đứng ra tổ chức Hội nghị nhà chung cư theo quy định (28%); Đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho 49/82 BQT (60%); Đã bàn giao hồ sơ cho 47/82 BQT (57%);..
Về số lượng chung cư cũ, hiện, trên địa bàn thành phố còn 1.579 chung cư cũ quy mô từ 2 - 5 tầng.
Trước đó, trong năm 2015, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng lập kế hoạch và tổ chức khảo sát, kiểm tra đánh giá sơ bộ chất lượng hiện trạng và phân loại đối với 1.467 chung cư, qua đó phân loại để tổ chức kiểm định chi tiết đối với các chung cư có mức độ xuống cấp nặng là 179 chung cư.
Kết quả kiểm định: Có 29 chung cư nguy hiểm cấp B, 147 chung cư nguy hiểm cấp C và 2 chung cư nguy hiểm cấp D.
Về công tác phòng chống cháy nổ, đối với chung cư thương mại, hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có 29/79 nhà chung cư có vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC), trong đó 14 công trình có khả năng khắc phục, 15 công trình khó khắc phục do liên quan đến kết cấu công trình - đang xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Xây dựng.
Đối với nhà chung cư tái định cư, Sở Xây dựng đã có các Báo cáo UBND thành phố đề nghị bố trí kinh phí để thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp, lắp mới hệ thống PCCC tại các nhà chung cư tái định cư (150/168 tòa nhà chung cư tái định cư cần phải sửa chữa, nâng cấp, lắp mới hệ thống PCCC).
Cũng tại báo cáo, đại diện Bộ Xây dựng cho biết vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong quản lý, sử dụng vận hành nhà chung cư trên địa bàn TP.
Có thể kể đến sự kém chủ động vào cuộc của các cấp chính quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, có nơi còn chưa thực sự quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, một số UBND các quận, huyện chưa thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật; chưa quyết liệt chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn (nơi có nhà chung cư) trong việc đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị và đứng ra tổ chức hội nghị nhà chung cư khi chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư hoặc tổ chức Hội nghị nhà chung cư không thành công, dẫn đến trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn lượng lớn nhà chung cư (253 trường hợp) chưa thành lập được Ban Quản trị.
Ngoài ra, một số chính quyền địa phương chưa sát sao đôn đốc các Chủ đầu tư bàn giao hồ sơ, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, nhà sinh hoạt cộng đồng, quy trình bảo trì tòa nhà, công tác PCCC... của nhà chung cư cho Ban quản trị.
Đáng lưu ý là việc xử lý các tranh chấp phát sinh trong quản lý nhà chung cư còn chậm, hiệu quả chưa cao do các cấp chính quyền cơ sở, các Sở, ngành chưa vào cuộc hoặc vào cuộc nhưng không đạt yêu cầu; chưa xử lý, giải quyết dứt điểm những vụ việc thuộc thẩm quyền.
Con số thống kê cho hay, đến nay trên địa bàn thành phố vẫn còn số lượng khá lớn chung cư, với 253/745 chung cư thương mại (chiếm 34%) và 60/153 chung cư tái định cư (chiếm 29%) chưa tổ chức được Hội nghị của nhà chung cư và thành lập Ban quản trị.
Đồng thời, trên địa bàn TP vẫn còn 100/492 (chiếm 20%) chung cư thương mại, 35/82 (chiếm 43%) chung cư tái định cư chưa bàn giao được Hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị; 154/492 (chiếm 31,3%) chung cư thương mại chưa bàn giao diện tích sở hữu chung cho Ban quản trị, trong đó có 23 trường hợp (chiếm 4,7%) phát sinh tranh chấp về diện tích chung - riêng;
Và vẫn còn số lượng rất lớn chung cư (254/492 chung cư thương mại, chiếm 52%; 33/82 chung cư tái định cư, chiếm 40%) chưa bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho Ban quản trị, trong đó phát sinh 39 trường hợp chung cư thương mại có tranh chấp về kinh phí bảo trì này.
Công tác PCCC được đánh giá là vẫn còn nhiều tồn tại. Tính đến tháng 6/2018, Cảnh sát PCCC thành phố đã tổ chức rà soát, kiểm tra các cơ sở, công trình nhà cao tầng về các quy định về PCCC và đã công bố danh sách 91 công trình cao tầng cần khắc phục các tồn tại vi phạm về PCCC, trong đó phần lớn là các nhà chung cư cao tầng; vẫn còn những dự án chưa được nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa dân vào ở…