1. Trước tiên, từ câu chuyện Sơn Trà, có hai vấn đề cần được bàn thảo và thống nhất về mặt tư duy. Đó là tính pháp lý và giá trị bản Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà (bản Quy hoạch) và việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển du lịch tại Sơn Trà.
Thứ nhất, cần hiểu bản Quy hoạch “bảo vệ” chứ không “phá” Sơn Trà. Trong việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, luôn luôn cần một quy hoạch "tổng thể để hạn chế, giảm thiểu xung đột lợi ích, tăng cường sức mạnh liên kết, phối hợp". Thời gian qua, rất nhiều ý kiến cho rằng, cần hủy bỏ bản Quy hoạch này để cứu lấy Sơn Trà. Tuy nhiên, đây lại là cơ sở pháp lý duy nhất để buộc Đà Nẵng phải rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, dự án đã phê duyệt, cấp phép theo hướng giảm quy mô đầu tư (tới hơn 2/3) để bảo vệ Sơn Trà.
Bản Quy hoạch có tính chất tổng thể, chỉ đưa ra “bộ khung”, định hướng chính đối với sự phát triển khu du lịch Sơn Trà. Hơn nữa, bản Quy hoạch cũng không phải bất di bất dịch, mới ban hành nhưng phải điều chỉnh và vẫn có thể đề xuất điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ hai, việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển du lịch tại Sơn Trà rất khó khăn nhưng nhất định phải làm. Có một nhận định rất đáng lưu tâm, đó là nếu giữ nguyên bán đảo Sơn Trà để bảo tồn sinh thái, thì nơi đây sẽ trở thành đảo hoang. Đã đến lúc chúng ta cần có cách ứng xử phù hợp với Sơn Trà, nơi có cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, lại nằm cạnh trung tâm một thành phố lớn để đảm bảo vừa bảo tồn, vừa thúc đẩy sự phát triển.
Không nên tư duy cấm hoàn toàn và giữ nguyên hiện trạng. Không thể để cảnh quan tuyệt vời đó nằm ngoài cuộc sống đô thị nhưng cũng không thể can thiệp thô bạo. Cần đặt Sơn Trà trong dòng chảy cuộc sống. Không nên cấm đầu tư, phát triển, nhưng làm thế nào để đảm bảo hài hòa bảo tồn và phát triển cần đến tư duy của nhà quản lý trong việc chọn lựa được những nhà đầu tư thông minh với những dự án không gây tổn thương đến môi trường.
2. Cũng liên quan đến bản Quy hoạch này, ngày 30/5, tại Tọa đàm Phát triển du lịch bền vững khu du lịch Sơn Trà, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng (Hiệp hội) được mời tham dự và trình bày các ý kiến, kiến nghị.
Sau Tọa đàm, ngày 2/6/2017, Bộ VHTT&DL đã có Công văn gửi Hiệp hội cho rằng, ông Vinh cố tình phát biểu những nội dung thiếu chính xác, chủ quan và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề và đề nghị cơ quan này xem xét sự việc trên, đồng thời có biện pháp xử lý; yêu cầu ông Vinh có văn bản giải trình, trả lời Bộ VHTT&DL trước ngày 15/6 để Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền.
Rõ ràng, việc Bộ VHTT&DL đề nghị "xử lý" ông Huỳnh Tấn Vinh bằng cách áp dụng mệnh lệnh hành chính là trái thẩm quyền, không có căn cứ pháp lý, thiếu cơ sở khoa học và tinh thần cầu thị, bởi lẽ:
Thứ nhất, Hiệp hội là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và công dân Việt Nam đang sinh sống, hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực du lịch địa bàn TP. Đà Nẵng.
Hiệp hội này hoạt động theo điều lệ được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt. Do đó, dù thuộc quyền quản lý Nhà nước của UBND TP. Đà Nẵng, nhưng cũng chỉ giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước về hội theo quy định pháp luật, chứ không thể can thiệp sâu vào cơ cấu tổ chức, hoạt động của Hiệp hội này.
Thứ hai, Bộ VHTT&DL là cơ quan quản lý Nhà nước nhưng không phải cơ quan cấp trên của Hiệp hội, do đó, Hiệp hội không chịu sự quản lý của Bộ này.
Vì không chịu sự quản lý của Bộ VHTT&DL nên việc Bộ này yêu cầu Hiệp hội xử lý ông Vinh và buộc phải giải trình là trái thẩm quyền.
Thứ ba, khi hoạt động của Hiệp hội hoặc cá nhân ông Vinh có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm hành chính được chứng minh và có kết luận của cơ quan chức năng thì Hiệp hội hoặc cá nhân ông Vinh chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn đối với những phát ngôn như của ông Vinh hoặc những phát ngôn mang tính phản biện khác tại Tọa đàm thì dù đúng hay sai, Bộ này cũng chỉ được và nên hành xử bằng cách tiếp thu hoặc không tiếp thu bởi nội hàm của Tọa đàm là lắng nghe được càng nhiều ý kiến đóng góp càng tốt, kể cả các ý kiến trái chiều, gay gắt.
Khi nhận được ý kiến, nếu cần phải biện, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước phải lên tiếng ngay để thấy cái đúng, cái sai trong quan điểm chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt buộc kiểm điểm, giải trình, xử lý người ta được. Nếu không, sắp tới, ai còn dám đến tham dự và phát biểu tại các Hội thảo do Bộ này tổ chức?
Trò lố tiếp tục được đẩy lên cao trào khi sau 48 giờ từ lúc ra công văn gửi Hiệp hội đề nghị xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh, ngày 4/6, Bộ VHTT&DL lại ra văn bản thu hồi công văn "xử lý" trên. Đây có thể là một sự kiện có một không hai trong lịch sử ban hành văn bản của các bộ, ngành ở nước ta.
Nếu như sự việc trên chỉ dừng lại ở việc thu hồi văn bản số 2383/BVHTTDL-TCDL ngày 02/6/2017 thì có lẽ người ta đỡ nghi ngờ về “tư duy” của Bộ này. Mấu chốt nằm ở chỗ, ngoài việc thừa nhận sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp khách quan và khoa học về vấn đề Quy hoạch Sơn Trà để đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chỉ đạo Tổng cục Du lịch làm rõ trách nhiệm quá trình tham mưu ban hành văn bản.
Tuy nhiên, trước đó, vào ngày 2/6, chính Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái là người đã ký văn bản gửi Hiệp hội đề nghị xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh. Vậy ông Ái mới là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp, chứ sao lại yêu cầu Tổng cục Du lịch làm rõ trách nhiệm quá trình tham mưu ban hành văn bản?
Trả lời báo chí, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, tối 1/6, Tổng cục Du lịch Việt Nam có đề nghị ông ký gấp một văn bản liên quan đến vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Xem xét nội dung văn bản, ông không đồng ý vì có nhiều điều chưa hợp lý. Tuy nhiên, bên Tổng cục Du lịch Việt Nam viện dẫn việc này do cấp trên chỉ đạo nên trước khi ký vào văn bản, ông đã sửa lại nội dung cho nhẹ nhàng đi so với ban đầu rất nhiều.
Vì sao Thứ trưởng một Bộ lại dễ dàng ký 1 văn bản như vậy? Đáng lẽ ra, Thứ trưởng phải là người hiểu rõ nhất trình độ của cấp dưới để biết nên cẩn trọng với những tham mưu của họ trong từng vấn đề. Lãnh đạo cấp Thứ trưởng phải có đủ trình độ, bản lĩnh, tư chất để ký văn bản, không phải ký linh tinh, thu hồi rồi phê bình cấp dưới. Khi yêu cầu xử lý những cán bộ tham mưu cho mình về việc này thì vai trò lãnh đạo của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL thể hiện ở đâu trong sự việc này?
Rõ ràng, một số quan chức đang bị phụ thuộc vào trình độ tham mưu của thuộc cấp. Tuy nhiên, trình độ tư duy của nhà lãnh đạo đôi khi không phụ thuộc hoặc đồng nhất với trình độ của cấp dưới. “Đạo” là con đường, “lãnh” là nhận lãnh trách nhiệm. Lãnh đạo nghĩa là chịu trách nhiệm về con đường mình đã chọn và được giao nhiệm vụ. Lãnh đạo người khác là chấp nhận nhiệm vụ dẫn dắt họ đi đúng hướng trên con đường đó, chứ không phải làm theo tất cả những gì cấp dưới tham mưu, nhất là những việc liên quan đến sinh mạng chính trị, danh dự, quyền lợi của cá nhân hay tổ chức nào đó.
3. Qua sự việc trên có thể thấy, “hạ tầng tư duy” của một số cán bộ lãnh đạo của ta đang có vấn đề. Đó không chỉ là tư duy trong việc giải quyết những sự việc phát sinh như Sơn Trà mà còn là những điểm yếu trong chính việc quản lý và giải quyết những vấn đề nội tại của hệ thống. Rõ ràng, năng lực của bộ máy hiện tại chưa thể đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng về việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ. Nhất là khi tư duy đó đang “leo thang” từng cấp, từ cán bộ, nhân viên lên đến cấp Vụ, cấp Cục và cả Thứ trưởng một Bộ tầm cỡ như Bộ VHTT&DL.
Theo TS. Giáp Văn Dương, chính việc thiếu “hạ tầng tư duy” vững chắc đã đẻ ra những kiểu tư duy kỳ quặc trong mọi lĩnh vực của đời sống, ở mọi cấp độ.
Lãnh đạo thì có tư duy nhiệm kỳ rất tinh vi, có thể do lợi ích nhóm, hay động cơ cho nhiệm kỳ tới, hoặc nghĩ hết nhiệm kỳ rồi thì thôi; tư duy đối phó, tư duy bằng cấp, thiên về hình thức và giải quyết những tình huống cụ thể mà thiếu tư duy chiến lược, tư duy tổng thể dài hạn.
Trí thức, văn nghệ sĩ thì thiếu tư duy cảm nhận, sáng tạo và phản ánh nên khó vượt lên hướng dẫn sự phát triển của xã hội. Ở trường thì thầy đọc trò chép những mệnh đề mặc nhiên đúng mà không cần phải chứng minh và suy luận kế thừa. Ở nhà, thế hệ trước áp đặt ý chí lên thế hệ sau, kìm nén đối thoại gia đình và làm gia tăng thêm những xung đột và nguy cơ khó lường.
Chính thực trạng trên đang làm trì hoãn và khiến đất nước bị phụ thuộc nhiều vào tư duy bên ngoài trong cơn lốc toàn cầu hóa. Khi chưa có “hạ tầng tư duy” tốt, sẽ không thể có những chính sách tốt, theo kịp sự vận động và phát triển của thời cuộc. Bên cạnh đó, sẽ không thể tạo ra những thế hệ công dân có tư duy sáng tạo và độc lập. Đặc biệt là chưa thể tạo ra sự thông suốt trong vận hành hệ thống. Khi trong chưa ấm, thì ngoài chưa thể êm. Từng phần chưa được xử lý triệt để sẽ đe dọa đến toàn phần.
Để thay đổi cơ bản "hạ tầng cứng", mất không ít thời gian và nguồn lực, nhưng để thay đổi "hạ tầng mềm" thì lại nhanh chóng hơn nhiều. Nhưng khó là nằm ở việc thay đổi “hạ tầng tư duy”, nhất là từ tư duy và quyết tâm của nhà lãnh đạo. Khi chưa có một “hạ tầng tư duy” vững chắc, lành mạnh, phong phú và thông thoáng, thì chưa thể khai mở, hỗ trợ, giải phóng và phát huy khả năng tư duy của từng cá nhân và cộng đồng vào công cuộc phát triển đất nước./.