Aa

Văn hóa golf “Tây và ta”: Sự khác biệt đến từ chính sách

Thứ Ba, 06/11/2018 - 20:01

Ra đời và “bá chủ” tại nhiều nước trên thế giới đã lâu, nhưng vài năm trở lại đây, môn thể thao golf mới thực sự được phổ biến tại Việt Nam. Có lẽ cũng chính vì lý do đó, mà văn hóa chơi golf giữa Việt Nam và nước ngoài có sự khác biệt.

Dường như đa số người Việt Nam có một văn hóa tiếp nhận nhiều môn thể thao mới, có mức phí không rẻ, thường e dè và “đề phòng”. Chợt nghĩ lại cách đây khoảng 10 năm, khi môn tennis bắt đầu được biết đến, chúng ta rất lo ngại cho sự tồn tại của môn thể thao này bởi nó tiêu tốn của người chơi không ít tiền.

Tuy nhiên, cho đến bây giờ, tennis đã quá phổ biến và trở thành những bộ môn hết sức bình thường, quen thuộc trong đời sống con người. Với golf cũng vậy.

Thiết kế: Đỗ lInh.

Thiết kế: Đỗ Linh.

Golf đang đứng trước một “bức tường thành” định kiến, bởi nhiều người cho rằng đây là môn thể thao quý tộc, không phù hợp với mức thu nhập của người Việt Nam. Nếu có chơi, cũng chỉ những người rất giàu mới có thể trở thành những golfer. Mà, số lượng người giàu chơi thì không thể nào khiến bộ môn này phổ biến và được ghi nhận.

Theo quan điểm của ông Bùi Huy Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank, người đã có kinh nghiệm chơi golf lâu năm cũng như tiếp xúc với môn thể thao này tại nhiều nước trên thế giới, nói golf là môn thể thao quý tộc cũng đúng, vì nó khá tốn tiền, nhất là ở Việt Nam. Nhưng cũng do có sự khác biệt về chính sách mà sự hình thành văn hóa golf ở mỗi nước một khác.

Trên sân golf Panorama ở gần Praha , CH Séc 2/10/2018.

Ông Bùi Huy Hùng tại sân golf Panorama, CH Séc.

Ở nhiều nước, golf là môn thể thao ai cũng có thể chơi được. Có khoảng 3 loại sân golf được hình thành, tổ chức, hoạt động tùy vào nhu cầu, kinh phí của người chơi: Sân dành riêng cho hội viên có giới hạn số lượng (Augusta National golf Club Georgia, Shadow Creek golf Course Las Vegas,…); sân tổ chức thi đấu quốc tế cho những người chuyên nghiệp, với những tiêu chuẩn, quy định khắt khe (TPC Kuala Lumpur, The Mines Resort & golf Club, Pebble Beach golf Links California); và sân golf “public”, 18 hố, chất lượng tuy có thể nói là không cao nhưng rất rẻ, thậm chí miễn phí, ai cũng đều có thể đến đây, bất kỳ thời gian nào (Panorama CH Séc,…).

Chưa kể đến các dự án bất động sản lớn ở ngoại vi thành phố, tọa lạc trên những quả đồi hay thung lũng luôn có những sân golf hoạt động, phục vụ dân cư dự án và bên ngoài với mức giá vừa phải.

Có thể nói nhờ vào chính sách về hạ tầng và chi phí dành cho nhiều người với các mức thu nhập khác nhau, golf ở nước ngoài trở thành môn thể thao phổ biến.

sân golf TPC Kuala Lumpur đã đánh dấu sự trở lại của Malaysia trong ngành công nghiệp golf thế giới. Sân golf với 36 hố đã tổ chức nhiều giải vô địch quốc tế như

Sân golf TPC Kuala Lumpur (Malaysia) với 36 hố đã tổ chức nhiều giải vô địch quốc tế.

Ở Việt Nam và một vài nước châu Á, chính sách, quy định trong sân golf cũng có sự khác biệt. Golfer trên sân, trong cuộc đấu sẽ có các “caddy” là nhân lau gậy, đặt bóng, kéo túi đựng gậy,… Nhưng ở Úc, châu Mỹ thì người chơi hoàn toàn “tự túc” trong mọi việc. Quan trọng nhất là không được để lại các vết tích không bình thường.

Cũng chính bởi một số sân có thói quen “chiều chuộng” các golfer bằng nhiều dịch vụ hỗ trợ kèm theo mỗi lần lên sân, đã vô tình khiến cho dư luận Việt Nam nghĩ rằng đây là môn thể thao chỉ dành cho người giàu, “có tiền mới làm phiền được thiên hạ”.

Từ đó, văn hóa ứng xử trên sân golf của nước ta cũng được hình thành khác hơn so với nước ngoài. Theo golfer Dương Quốc Bình, nhiều golf thủ có xu hướng tập trung chủ yếu vào việc cải thiện kỹ thuật và chiến thuật. Song lại dễ dàng bỏ qua những giá trị không kém phần quan trọng khác là Luật golf và quy tắc ứng xử trên sân (golf Etiquette) nên vô tình hành xử chưa đúng. Một phần vì họ đã không được dạy những điều đó trước khi ra sân, một phần khác là những người có trách nhiệm ở các CLB golf dường như cũng không mấy quan tâm hoặc họ ngại khi phải nhắc nhở những trường hợp hành xử chưa đúng.

Thiết kế: Đỗ Linh.

Thiết kế: Đỗ Linh.

Ở giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào golf khá mạnh mẽ. Không thể phủ nhận những nỗ lực của nhiều tập đoàn trong việc cho ra đời những sân golf như: Paradise golf Resort (Vũng Tàu), Hoàng Gia (Ninh Bình), Kings Island (Hà Nội), FLC Quang Binh Beach & golf Resort (Quảng Bình),… Nhưng so với các nước lân cận nói riêng, cũng như trên thế giới nói chung, Việt Nam vẫn còn ở khoảng cách quá xa.

Với một môn thể thao rất đáng để phát triển như golf, người Việt không nên xem nó là điều gì quá “xa vời”. Và, cũng rất cần có thêm những chính sách để thay đổi suy nghĩ, xóa bỏ định kiến về môn thể thao này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top