Có 9 vấn đề được nêu ra trong việc nghiên cứu quy hoạch Văn Miếu như: Phát triển các hoạt động văn hóa, dịch vụ phục vụ cho du khách tại khu vực nội tự, vườn Giám và hồ Văn; Khảo sát đánh giá quy hoạch hệ thống biển chỉ dẫn và tham quan trong khu vực Văn Miếu, kết nối với các điểm như Bảo tàng Mỹ thuật, Hoàng thành Thăng Long và làng khoa bảng Đông Ngạc (Từ Liêm); quy hoạch giao thông và bãi đỗ xe, nghiên cứu khảo sát bảo tồn các hạng mục trong di tích có dấu hiệu xuống cấp.
Bài toán kết nối không gian
Một trong những vấn đề được xem là đặc biệt quan trọng chính là quy hoạch giao thông và xây dựng các bãi đỗ xe. Hiện Văn Miếu chưa có điểm đỗ riêng, phải sử dụng một phần diện tích của vườn Giám làm bãi đỗ xe, gây ảnh hưởng nhất định tới di tích.
Trước đây, khu vực nội tự Văn Miếu và hồ Văn là một thể thống nhất, sau này mới có một tuyến đường chạy qua chia cắt làm 2 phần. Tuyến đường này luôn đông đúc và ùn ứ, chính vì thế đang trở thành “rào cản” để du khách biết rằng, Văn Miếu còn có Hồ Văn phía bên kia đường. Nỗi sợ hãi khi sang đường của du khách khi tham quan tổng thể di tích cũng là bài toán khó cho các nhà nghiên cứu quy hoạch. Làm sao có thể kết nối Văn Miếu - hồ Văn - Bảo tàng Mỹ thuật thành một tour. Một điểm đến không thể bỏ qua.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, nhiều năm trước một số chuyên gia cũng cho ý kiến về việc xây dựng những bãi đỗ xe ngầm. Đó được xem là giải pháp duy nhất phù hợp với thực tế, vì lẽ, không thể cài thêm công trình xây dựng nào trong khuôn viên di tích. Bên cạnh đó, công trình ngầm cũng là giải pháp để tránh ảnh hưởng tối đa đến tính nguyên trạng.
Phục dựng gò Kim Châu thế nào?
Người Hà Nội biết đến Văn Miếu, nhưng có điều lạ là không nhiều người biết đến gò Kim Châu - hồ Văn. Theo Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi thì phương đình gò Kim Châu xưa là nơi các sĩ tử bình thơ. Năm 1998, Viện Bảo tồn di tích đã khảo sát và có bản vẽ, phục vụ ý tưởng dựng lại gò Kim Châu của Hà Nội, tuy nhiên thời điểm đó, vì nhiều lý do nên vẫn dừng ở mức ý tưởng.
Cũng có một thời gian dài, hồ Văn bị lấn chiếm và không được quan tâm đúng mức. Mấy năm trở lại đây, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, hiện trạng đã được khôi phục. Sau khi được khôi phục lại, hồ Văn hiện đã phát huy được lợi thế của mình, trở thành nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa như: hội chữ Xuân, chợ phiên sách cũ…
Ông Lê Xuân Kiêu cho biết, trong lúc Đề án quy hoạch tổng thể được hoàn thiện, trước mắt sẽ có một số việc cần làm ngay là Đề án bảo tồn 82 bia tiến sĩ, số hóa và phục dựng một bảo tàng dưới dạng 3D để lưu giữ nội dung di sản tư liệu thế giới. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế - người trực tiếp tham gia dự án cho biết, đã số hóa thành công khoảng 20 bia, ngoài việc lưu trữ nội dung thì còn chính xác đến từng chi tiết hoa văn, văn tự, kiểu dáng và kích cỡ.
Tu bổ cấp thiết giếng Thiên Quang UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 1826/UBND-KGVX gửi Sở VH-TT đồng ý đề xuất tu bổ cấp thiết khu vực giếng Thiên Quang trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trước đó, khu vực giếng Thiên Quang đã xảy ra hiện tượng móng của một đoạn tường trôi ra, nếu không tu bổ kịp thời có nguy cơ đổ. Hiện tượng này cũng xuất hiện tại đoạn đối diện Khuê Văn Các. Hiện tại Sở VH-TT Hà Nội cùng Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tiến hành các biện pháp xử lý như: gia cố phần móng bị trôi; tổ chức, phân luồng khách tham quan không qua khu vực đang xảy ra sự cố; tiến hành khảo sát sơ bộ để tìm nguyên nhân và phương án giải quyết. |