Aa

Văn minh phố

Thứ Tư, 25/05/2022 - 06:12

Bao giờ cũng thế, muốn giữ được nề nếp văn hóa, lối sống văn minh phải xây dựng từ nền tảng gia đình. Giáo dục con trẻ, trước hết phải bằng sự nêu gương của phụ huynh, người lớn từ trong nội thân ra ngoài xã hội...

Tôi bắt đầu kể câu chuyện này với các bạn đọc của Reatimes. Sau một thời gian xa Hà Nội, vì lý do đặc biệt, khi gặp lại, cháu nội đòi ông đưa đi nhà trẻ. Cầm tay đưa cháu đi nhà trẻ, trong tôi đầy lên cảm xúc. Đáng tiếc, tôi bắt gặp cậu thanh niên ăn mặc theo mode và dẫn con đến lớp. Cậu đi giày, buộc dây, đứa trẻ đi dép. Cả hai bố con đi cả giày, dép lên hành lang nhà trẻ tới tận cửa lớp. 

Quy định của trường là phụ huynh phải bỏ giày, dép phía ngoài, trẻ cũng phải cầm tay giày dép cho vào kệ... Trường mẫu giáo điểm của thành phố đã thuê lao công lau dọn hàng ngày, hành lang, lớp học loang loáng, mát bàn chân. Chứng kiến sự việc này, sau khi trở ra, tôi nói với bảo vệ: "Anh phải nhắc cậu thanh niên" và chỉ tay cho ông biết. Ông gật đầu và than: "Rất nhiều phụ huynh vô ý thức và kém văn hóa, nhắc là họ chửi".

Lòng trĩu buồn. Vẫn biết câu nói của người bảo vệ có thể mới là cá biệt, không phải ai được nhắc cũng “chửi” lại. Thế nhưng, tôi cam đoan rằng, đúng là văn hóa ứng xử của cư dân Hà Nội chưa bao giờ “lộn xộn”, “chợ búa” đến thế. Bún mắng, cháo chửi từng là "thương hiệu", làm Hà Nội “mất điểm” trong lòng du khách và những ai nặng lòng với Hà Nội. 

Ảnh minh họa: Internet

Bất giác, tôi nhớ nhạc sỹ Lê Huy Tập với ca khúc "Hà Nội là thế", phổ thơ Hoàng Vũ Thuật. Bài thơ “Mùa thu đêm” của thi sỹ họ Hoàng đã hay. “Lần đầu nghe mùa thu rúc rích trên môi” thì chỉ có Hoàng Vũ Thuật. Nhạc sỹ Lê Huy Tập đã rất cao tay khi phát hiện ra “hồn vía” bài thơ và phổ nhạc. Giai điệu của “Hà Nội là thế” đậm chất thính phòng. Hai tác giả đã đạt được sự đồng cảm vô đối giữa thi ca và âm nhạc.

“Đôi khi anh nhìn vai anh

Có chú ve tinh nghịch kể chuyện mùa hè

Dù đang giữa mùa thu của những cặp tình nhân

Họ hôn nhau đắm đuối 

Hà Nội là thế”. (Mùa thu đêm)

Hà Nội linh thiêng và hào hoa, đẹp đến đắm đuối. Thế nhưng, chứng kiến câu chuyện ở Nhà trẻ Vĩnh Hồ, đối thoại với người bảo vệ mà lòng tôi muốn khóc. Chửi bảo vệ cũng là chống người thi hành công vụ. Làm sao bảo vệ được bảo vệ để họ dám nhắc nhở “vì con em chúng ta”?

Rộng ra, có một nỗi lo lớn. Vì người ta thích chửi là chửi nên "chủ nghĩa makeno" phát triển, nguy hiểm. Sẽ ra sao nếu dư luận xã hội không được giám sát hành vi của mỗi cá nhân? Sẽ ra sao nếu như càng đô thị hóa, càng “đèn nhà ai nấy rạng”. Thật sợ hãi!

Tại sao phải xây dựng nếp sống văn minh đô thị? Tại sao văn hóa thành phố, nhất là văn hóa Thủ đô phải được xây dựng, phát huy giá trị lan tỏa?

Nếp sống là hành vi ứng xử của con người, trở thành thói quen và được xã hội thừa nhận. Văn minh đô thị là nếp sống theo các chuẩn mực giá trị của văn hóa, đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống của cộng đồng trong môi trường sinh hoạt đô thị. Nếp sống ấy, không chỉ là thành tố quan trọng tạo nên “bộ mặt văn hóa” cho đô thị, mà còn góp phần xây dựng con người mới với tác phong và cốt cách văn minh, hiện đại. 

Trong nỗ lực xây dựng văn hóa, cách đây gần 20 năm, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” (kèm theo Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT ngày 23/6/2006). Đối với Hà Nội, năm 2017, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 1665/QĐ-UBND về Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Quy tắc gồm 4 chương và 14 điều, được hy vọng với từng bước xây dựng sẽ hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức ở nơi công cộng trên địa bàn thành phố, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Nhiều người nói đó là "hương ước" của người Hà Nội, với tất cả kỳ vọng. 

Cũng vì thế, hàng chục năm qua, Mặt trận các cấp đã tổ chức cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đi trong TP. Hà Nội, cũng như các thành phố khác, nếu để ý sẽ thấy các bảng, biển “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”; ở nông thôn là các bảng, biển “Làng văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Ấp văn hóa” được chăng đầy. Báo chí, kênh truyền thông quan trọng đã bền bỉ nói nhiều đến xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Điều này cho thấy tính cấp bách của việc xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh đang đặt ra nhiều vấn đề chung của xã hội. Trật tự văn minh đô thị, nếp sống văn hóa người đô thị tự nó không hình thành mà cộng đồng phải góp phần xây dựng. 

Trật tự văn minh đô thị, nếp sống văn hóa người đô thị tự nó không hình thành mà cộng đồng phải góp phần xây dựng. (Ảnh minh họa: Internet)

Nông thôn xưa nước ta có “hương ước” điều chỉnh hành vi, ngày nay vẫn phát huy giá trị. Nông thôn ngày nay dẫu đang từng bước “tiến lên đô thị”, từ cấp thấp là thị tứ, thị trấn nhưng hương ước và nếp sống “Tắt lửa tối đèn có nhau” vẫn phát huy giá trị. Hơn thế, ở nông thôn từng dòng họ còn có “tộc ước”, điều chỉnh hành vi giữa các gia đình, thành viên cùng dòng họ. 

Đô thị Việt Nam có lịch sử phát triển từ “kẻ chợ”, “nhất cận thị, nhị cận giang” nên hành trình đến văn minh đô thị mệt mỏi hơn. Dù sao, để có văn hóa đô thị, mọi thiết chế phải luật pháp, cư dân phải có ý thức “trọng luật”. Nếu không, trật tự xã hội ở đô thị sẽ rối loạn.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng văn hóa đô thị không phải là câu chuyện một sớm một chiều, làm theo phong trào hay tập trung đẩy mạnh mang tính chiến dịch mà đây là nội dung thực hiện mang tính chất lâu dài, liên tục. Bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân, các quy định pháp lý, rõ ràng phải có giá trị “cưỡng chế” và cần thực thi mạnh mẽ hơn. 

Đáng buồn, đây vẫn là “khâu yếu”. Các hành vi như: Vứt kẹo cao su, hút thuốc lá nơi công cộng, cấm thả rông chó mèo, cấm đưa chó, mèo ra công viên phóng uế... có mấy ai xử phạt. Rốt cuộc, hành vi ứng xử của con người đô thị vẫn phát triển “hoang dã”, chờ đợi đến khi từng “chủ nhân” đô thị biết xấu hổ với người xung quanh, với cộng đồng. Từ những “việc nhỏ” đó sẽ dần hình thành thói quen trọng nguyên tắc, chấp hành các quy định pháp luật, giúp hình thành chuẩn mực văn minh người đô thị. Tuy nhiên, đó là “con đường” đầy gian nan và lâu dài.

Trở lại câu chuyện của cậu thanh niên dẫn con đến lớp trẻ mà tôi bắt gặp, tôi mơ hồ nghĩ, cháu bé đó sẽ rất khó hình thành ý thức nơi công cộng. Bao giờ cũng thế, muốn giữ được nề nếp văn hóa, lối sống văn minh phải xây dựng từ nền tảng gia đình. Giáo dục con trẻ, trước hết phải bằng sự nêu gương của phụ huynh, người lớn từ trong nội thân ra ngoài xã hội. Cha ông mình đã để lại cả một “di sản tinh thần” về giáo dục. Những câu thành ngữ như: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “Phúc đức tại mẫu”... luôn có giá trị vượt thời gian.

Hiện tại, quy định về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị không thiếu. Nhiều nội dung đã được thể chế hóa thành những quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn là nỗi buồn mênh mông, chúng ta có luật, nhưng cư dân đô thị lại chưa có truyền thống "trọng luật". Do vậy tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông, trật tự xây dựng đô thị vẫn diễn ra trên nhiều tuyến phố, nhiều khu dân cư...

Vì vậy, để xây dựng văn minh đô thị, cần có cách tiếp cận khác hơn, luật pháp phải khả thi hơn về xử phạt, cưỡng chế. May ra, từng bước mới có thể hình thành tư duy trọng nguyên tắc, trọng lý lẽ, trọng pháp luật và từng bước hoàn thiện nếp sống văn minh đô thị trong mỗi cư dân và cả cộng đồng.

Giáo dục con trẻ, trước hết phải bằng sự nêu gương của phụ huynh. (Ảnh minh họa: Internet)

Nhà thơ Lê Đình Cánh lúc còn sống là người bạn vong niên của tôi có bài thơ “Mẹ ra Hà Nội”, tôi rất thích và thuộc lòng.

“...Bà ra bế cháu của bà

Những mong cùng ước lòng bà hôm mai

Lên thang chẳng dám bước dài

Vào khu tập thể gặp ai cũng chào”. (Mẹ ra Hà Nội)

Thưa, ở nông thôn, ra ngõ gặp các cụ ông, cụ bà, nếu mình không để ý, các cụ ông, cụ bà sẽ chào hỏi trước. Đấy là sự khiếm nhã. 

Thành phố rộng lớn, người ngay trong cùng nhà tập thể, ngõ phố cũng trở thành xa lạ. Sự biến mất của câu chào, thăm hỏi... về mặt nào đó cũng là sự biến mất của những thành tố góp phần tạo nên văn hóa, sự kết nối giữa con người. Nhiều, rất nhiều hệ lụy xã hội đã đến từ sự vô cảm, dửng dưng.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top