Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.
Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.
Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.
Công ty TNHH TM DV Tùng Linh lấn chiếm vỉa hè triệt để.
Nói về vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, sử dụng vỉa hè để kinh doanh tại đô thị, nhà nghiên cứu văn hóa - TS. Nguyễn Ánh Hồng đã bày tỏ quan điểm: "Vấn đề nhức nhối này đã xảy ra rất nhiều năm, chúng ta đang phải đặt ra câu hỏi chính quyền sở tại có đang dung túng, bao che cho hành vi này hay không? Chính quyền các cấp cần phải mẫn cán, quyết liệt trong việc xuống tận địa bàn từng hoàn cảnh hộ dân. Đồng thời, cần liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho những người bán hàng rong. Chỉ có như vậy thì tình trạng này mới chấm dứt bởi ai cũng cần có việc làm để mưu sinh cả.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, cửa hàng tận dụng vỉa hè làm nơi để phương tiện hay lấn chiếm kinh doanh thì cần xử lý thật nghiêm. Đây là vấn đề rất nhức nhối, nếu các cơ quan chức năng không quyết liệt thì tình trạng này sẽ kéo dài mãi" .
Ngày 28/04/2020, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới quy định rõ: Cấm toàn bộ hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh bán hàng dưới bất kỳ hình thức nào. Sở giao thông vận tải Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có công bố hết dịch Covid-19 nên mọi cá nhân, tổ chức vẫn cần thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị này.
Có thể thấy rõ, vỉa hè ở các đường phố khu trung tâm - không chỉ có một chức năng dành cho người đi bộ. Thực tế ở bất cứ nước nào, vỉa hè cũng được xem là một nguồn “vốn xã hội” được chính quyền quản lý sao cho có lợi về kinh tế và về văn hóa - xã hội. Quản lý tốt thì lợi ích kinh tế và lợi ích văn hóa - xã hội không mâu thuẫn mà còn là điều kiện cho nhau phát triển.
Song, khai thác vỉa hè để phát triển kinh tế mà quên đi quyền và lợi ích của người dân thì cần cân nhắc kỹ lưỡng. Mặt khác, công tác quản lý chưa đủ năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ gây ra nhiều hệ luỵ, thậm chí tạo ra các tiền lệ xấu trong việc tổ chức, quy hoạch đô thị.
Ngày 25/08/2020, khảo sát tại các tuyến phố Hai Bà Trưng, Triệu Quốc Đạt, Phủ Doãn (thuộc quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) phóng viên (PV) ghi nhận được toàn bộ vỉa hè bị “thâu tóm” làm điểm trông giữ xe thuộc Công ty TNHH TM DV Tùng Linh.
Chỉ trong một buổi sáng hàng trăm lượt xe máy ra vào tại các điểm trông giữ xe lấn chiếm toàn bộ diện tích vỉa hè thuộc Công ty TNHH TM DV Tùng Linh. Tại đây nhân viên trông giữ xe tràn xuống lòng đường săn đón khách gửi xe bất chấp nguy hiểm. Đáng chú ý mỗi lượt gửi xe máy tại đây khách hàng sẽ phải chi trả 10.000 đồng/01 lượt, cao hơn nhiều so với quy định của thành phố.
Vấn nạn về vỉa hè bị lấn chiếm khiến người dân tại khu vực và người tham gia giao thông qua đây vô cùng bức xúc. Chị P.Huyền một người dân địa phương cho biết: “Có thể tận dụng vỉa hè để làm điểm trông giữ xe, vì bệnh viện có khi quá tải không đủ diện tích để phục vụ phương tiện gửi. Nhưng không thể vì lý do này mà lấn hết phần đường của người đi bộ. Mỗi lần đi ở tuyến phố này tôi rất lo sợ, xe cộ đi lại đã đông, mà mình còn phải đi bộ dưới lòng đường thì quá nguy hiểm. Vỉa hè có 2m mà để đến mấy hàng xe máy thì người đi bộ biết đi ở đâu?"
Những tấm biển điểm trông giữ xe được giăng khắp trên hàng rào hè phố, ghi rất rõ ràng phí gửi xe ban ngày 5.000 đồng, ban đêm 8.000 đồng. Nhưng việc phát giá ra sao lại là do nhân viên trông giữ xe quyết định. Với số tiền chênh lệch thu từ khách gửi xe như vậy sẽ về túi ai? Mặt khác, khoản thu nếu không được minh bạch thì việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế Công ty TNHH TM DV Tùng Linh của được thực hiện ra sao?
Ghi nhận thực tế, nhân viên Công ty TNHH TM DV Tùng Linh vô tư xếp xe thành 03 hàng ngang, chiếm dụng toàn bộ vỉa hè trên tuyến phố dài gần 1km.
Các bất cập của của Công ty TNHH TM DV Tùng Linh chưa dừng lại ở đó. Đáng chú ý là những tấm biển bảng niêm yết giá vé dựng trên vỉa hè tại đây không hề ghi cụ thể số giấy phép được cấp, không có thông tin cụ thể diện tích được sử dụng vỉa hè.
Với tấm biển bảng có dấu hiệu vi phạm quy chuẩn biển bảng điểm trông giữ xe như vậy các cơ quan chức năng có hay biết? Phải chăng, Công ty TNHH TM DV Tùng Linh đang cố tình lấp liếm những vi phạm? Liệu rằng những tấm biển bảng thông tin mập mờ kia bày ra chỉ để loè khách hàng, qua mặt cơ quan chức năng?
Hoạt động kinh doanh điểm trông giữ xe mà Công ty TNHH TM DV Tùng Linh đã và đang gây ra hàng loạt mối nguy hại đến đời sống an sinh xã hội: gây mất trật tự an ninh khu vực và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông…
Cần xử lý triệt để các vi phạm bằng các biện pháp mạnh, tránh hiện tượng “phạt cho tồn tại”.
Liên quan đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND sửa đổi Điều 14 Quyết định 09/2018, tại 2 văn bản này đã điều chỉnh các quy định về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên toàn địa bàn TP Hà Nội.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và trật tự đô thị (Ban Chỉ đạo 197) TP Hà Nội, có đến gần 500 điểm trông giữ xe không phép trên địa bàn thành phố. Mặc dù UBND TP Hà Nội đã có nhiều cố gắng để ngăn chặn, nhưng thực trạng các bãi trông giữ ô-tô, xe máy vẫn diễn ra ngang nhiên trước mặt các cơ quan thực thi pháp luật.
Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 25/2014/TT- BTC ngày 17/02/2014, quyết định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ nhưng không được cao hơn mức giá thành phố quy định, tránh gây tác động ảnh hưởng đời sống nhân dân.
Giá dịch vụ trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện) tại địa bàn các quận; tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa (không phân biệt theo địa bàn) là: ban ngày 3.000 đồng, đêm 5.000 đồng.
Giá dịch vụ trông giữ xe máy (xe máy điện) là ban ngày 5.000 đồng, đêm 8.000 đồng.
Nhân viên Công ty TNHH TM DV Tùng Linh vô tư xếp xe thành 03 hàng ngang, tận dụng phần lối đi bộ xếp 01 hàng dọc, chiếm dụng vỉa hè một cách triệt để.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, đoàn luật sư TP Hà Nội bày tỏ quan điểm về thực trạng trên. “Cần phải có biện pháp mạnh tay hơn cho những cá nhân, tổ chức cố tình làm trái, cơ quan thiếu trách nhiệm, lỏng lẻo trong quản lý để tiến tới làm giảm và ngăn chặn vấn nạn này” rạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang diễn ra khá phổ biến tại các đô thị lớn, hàng chục quán trà đá, đồ ăn mọc lên trên cùng một tuyến phố, điều đó rất ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông của các phương tiện, trật tự an toàn giao thông.
Chưa kể đến vào giờ cao điểm, xe cộ lưu thông đông, hàng loạt phương tiện lao lên vỉa hè để đi, người đi bộ không có lối đi, xe đi trên vỉa hè người chiều, xuôi chiều lộn xộn rất nguy hiểm".
Luật sư Hùng cũng thông tin cụ thể: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008, pháp luật không cho phép lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, chỉ được sử dụng ngoài mục đích giao thông trong một số trường hợp và phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ; mức phạt thấp nhất là “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng”; và cao nhất là "Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các tổ chức thực hiện xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ".
Theo quy định tại Khoản 14, Mục 4, Phần 2 Thông tư 04/2008/TT-BXD thì không phải lúc nào vỉa hè cũng cấm hoạt động kinh doanh, buôn bán. Một số công trình, tuyến phố đặc thù được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục công trình và tuyến phố được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m;
b) Bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố;
c) Không cho phép tổ chức kinh doanh buôn bán trước mặt tiền của các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở.
Trước thực trạng lấn chiếm vỉa hè, hoạt động kinh doanh có nhiều dấu hiệu vi phạm của Công ty TNHH TM DV Tùng Linh rất cần các cơ quan chức năng làm rõ. Các đơn vị quản lý trực tiếp cũng cần xử lý triệt để các vi phạm bằng các biện pháp mạnh, tránh hiện tượng “phạt cho tồn tại”. Đồng thời, tăng cường lực lượng tuần tra, lực lượng an ninh đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân.