Aa

Vần vèo nói nghịch cho vui

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Hai, 21/03/2022 - 06:09

Cũng có khi, những câu nói chơi, ví von này nọ bỗng khiến người ta thấy nhiều hơn, sâu hơn từ một cái thực tế nào đấy, khiến người ta thấy vui vui, nghịch nghịch, thấy buồn cười.

“… Công an phường số tám an ninh

Cho anh phát súng tim anh nát

Nhưng anh tin số phận anh còn

Chiếc áo phong sương tặng anh nhé

Con anh phá sản tại anh ngu…”.

Chúng tôi cứ đọc nha nhả những câu chả hiểu ở đâu ra như thế và lấy làm phởn chí khi biết mỗi chữ của một câu được lấy từ một chữ cái trong nhãn hiệu vỏ bao thuốc lá Capstan. Có câu đọc xuôi và có câu đọc ngược, như cái câu “Nhưng anh tin số phận anh còn”, giờ lớn rồi thấy nghe câu ấy chứa chan hy vọng, dù có thể lúc đang hy vọng ấy thì người ta vẫn đang điêu đứng. Và sau câu đó, đời lại bồi thêm cho cái anh nào đấy trong câu chuyện này một cú khó mà gánh nổi, cũng như khó mà tự hào nổi: “Con anh phá sản tại anh ngu”. Thế thì thôi chứ còn gì nữa!

Bây giờ, vừa gõ tìm thử trên mạng, thấy ngay bao nhiêu kết quả các câu được gọi là “đọc xuyên tạc” như thế. Nhiều hơn mấy câu tôi vừa kể ra ở trên. Nào là “Chiếc áo phong sương tặng anh nhé/ Nặng ân tình son phấn anh cho”, rồi thì: “Chiều ấy phố sầu tim anh nát/ Người anh thương sẽ phụ anh chăng”… Mấy câu này thì chúng tôi không được biết. Mà hóa ra, chúng có mặt trên đời từ trước khi bọn trẻ con chúng tôi rêu rao ba chục năm trước từ lâu lắm!

Những câu vần vèo đọc linh tinh một thời ấy, mà bây giờ tôi tin rằng, có thể coi đó là văn học dân gian thời hiện đại của ta được, chả liên quan gì đến nhãn hiệu bao thuốc lá một quãng thời gian xa xôi. Nhưng thế nào mà lại có người nhìn chữ mà nghĩ ra mấy câu đọc buồn cười thì quả là vừa tài vừa hóm. Bây giờ ngẫm lại thấy cả buồn cười và cả chút gì ngậm ngùi cám cảnh. Bởi dường như ở đằng sau mấy cái câu mà người ta đã nghĩ ra đó, còn có những gì là chứng kiến, là trải nghiệm, là ngẫm ngợi thế sự, thời cuộc của người ta nữa, chắc cũng lòng vòng, dài lâu và nhiều uẩn khúc.

Một góc xưa của Hà Đông.

Nhiều đứa tầm tuổi chúng tôi, độ trên dưới 10 tuổi đọc nha nhả những câu ấy, trước khi rồi quên, rồi nhãng sang một trò chơi khác, hoặc có thể nghe những câu khác vui vui, bắt tai, rồi lại rêu rao, lại truyền cho nhau. Ở Hà Đông chúng tôi, bọn trẻ con còn hay rao câu này, có ngầm ý tranh đua, chế giễu: “Hà Đông là ông Hà Trì/ Hà Trì là dì Đa Sỹ/ Đa Sỹ là chị Mẫu Lương…”. Đây đều là tên các làng cổ xưa kia, lâu nay đã thuộc địa bàn thị xã, rồi thành phố, rồi hơn chục năm nay là quận Hà Đông. Đọc to mấy câu này lên để trêu nhau khi biết có đứa nào nhà ở các khu vực đó thì thích lắm! Nhưng cũng bảo nhau gặp đứa nào hơi “đầu gấu” một chút thì đừng đọc, kẻo nó đấm cho!

Tôi thì cứ băn khoăn, sao không có các nơi khác nữa nhỉ. Như chỗ mình ở đây là Khu tập thể Nhà máy cơ khí nông nghiệp mà người ta hay gọi gọn là “khu nông cụ”, bọn trẻ con ở đây thì trẻ con nơi khác gọi là “bọn nông cụ”. Tất nhiên khi gọi thế rồi là có ý trêu trêu, khích khích mà dễ thành hằm hè rồi đây! Đấy, sao không có khu cơ khí nông nghiệp – nông cụ của mình! Rồi ngay cạnh mình là “khối Hai”, một khu mà hồi đó cũng có tiếng là nhiều thanh niên, học sinh… đầu bò đầu bướu. Sao không có “khối Hai”, khối Hai “ghê” thế cơ mà! Với lại, Hà Trì là nằm trong Hà Đông, sao lại chia ra “Hà Đông là ông Hà Trì”, rõ thật phức tạp!

Giờ nghĩ lại, thì có khi ngày xưa “bọn nào” nói câu ấy nó tách ra thế là có ý phân biệt phố – làng. Hà Trì, Đa Sỹ, Mẫu Lương, thì đình, đền vẫn còn, cánh đồng với bãi tha ma tồn tại đến những năm gần đây, giờ vẫn còn các nhà cấy gặt. Còn khi nói Hà Đông thì có ý nhấn vào cái tính chất phố của thị xã Hà Đông. Thực ra, như trên vừa kể mấy làng ấy, từ lâu rồi, cũng đã là một phần của thị xã Hà Đông, và Hà Đông thì cũng có phần quan trọng là từ làng phố hóa mà lên. Nhưng trẻ con thì đâu có biết. Mà biết thì với chúng nó cũng không có ý nghĩa gì hệ trọng lắm! Nó cứ đọc vần vèo như thế để trêu nhau cho sướng mồm đã!

Những câu vần vèo đọc linh tinh một thời ấy, mà bây giờ tôi tin rằng, có thể coi đó là văn học dân gian thời hiện đại. (Ảnh minh họa: Phạm Quốc Đàn)

Tôi cũng hơi tiếc về tên “nhà máy mình” khi không có dấu – “Nha may co khi nong nghiep”, thì khó đọc thành cái gì khác hóm hóm. Không như câu “Nhà mày có khỉ già lắm” mà ở đâu đó người ta đọc trêu “Nhà máy cơ khí Gia Lâm” rồi truyền đến nơi chúng tôi ở. Rồi bọn trẻ con cùng dãy nhà, cùng lớp đem cái câu không dấu ấy ra đố nhau: “Nha may co khi gia lam” là gì? Riêng cái tên “Nhà máy công cụ số 1” thì cũng khó luận ra cái gì, không luận được rồi thôi cũng quên đi.

Người mình hay có cái tính tếu táo, thỉnh thoảng đùa, chế vui nơi này, châm người nọ, hoặc nhìn dòng chữ không dấu, từ ngữ gì đó dễ gây liên tưởng thì suy ra cái này cái khác hóm hỉnh, bậy bậy chút cũng được. Cho nó vui, sảng khoái, giải trí ngắn ngủi một chút giữa ngày vất vả đâu có sao. Hình như cái nét ấy nó truyền qua đời sống dân gian, đến thời hiện đại trong những năm thiếu ăn thiếu mặc trước kia, vẫn còn phảng phất. Thế nên những năm trước mới có những câu: “Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô ăn dần”, hay sau này như câu “Nhà mặt phố/ Bố làm to”. Hoặc câu thơ “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao” trong “Truyện Kiều” mà ai đó còn bẻ đi được thì cũng… ghê: “Bắt phanh trần phải phanh trần/ Cho may ô mới được phần may ô”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng (Ảnh: Khiếu Minh)

Tôi lại nhớ một câu chuyện cười dân gian đọc được về hai nhân vật trào lộng cũng trong dân gian thêu dệt nên: Ba Giai – Tú Xuất, có kể Ba Giai hồi bé lên ngôi chùa mới do cụ thượng tên là Giai xin ăn cỗ khánh thành chi đó, nhưng người ta đuổi ra. Ba Giai bèn rình viết chữ lên tường: “Phúc đức gì mày bố Thượng Giai/ Làm cho tốn Bắc lại hao Đoài”. Cụ thượng biết mới tá hỏa cho người đi tìm gọi đến và dỗ dành Ba Giai sửa đi. Thằng bé bèn viết lại mấy chữ “Phúc đức ai bằng cụ Thượng Giai/ Xây chùa thôn Bắc lại thôn Đoài”. Thế là cụ thượng nở mày nở mặt, cho Ba Giai ăn cỗ, lại cho gói bao thứ mang về. Vắn tắt nó là như thế.

Bây giờ thì chả riêng thời bao cấp hay lúc khó khăn muốn có câu cười cho đỡ nhọc, nhìn cái gì không dấu là cũng khối kẻ suy luận nhăng cuội đủ thứ. Tất nhiên, vẫn phải mở ngoặc là người ta nghịch vui thôi, chứ không nên soi xét ở góc độ đạo đức. Ví dụ như - đã có tiểu phẩm hài mượn từ đời sống đưa lên sân khấu rồi đấy, có những tin nhắn thế này đem ra trêu nhau, do nhắn tin không dấu hồi điện thoại di động chưa có nhiều tính năng như bây giờ: “Em dang o truong. Anh den ngay nhe!” (Em đang ở trường. Anh đến ngay nhé), “Em dam dang lam” (Em đảm đang lắm)…

Ấy cũng là cái sự nhanh trí, sự liên tưởng phong phú của dân ta. Cứ như trong nhiều người, dường như theo thời gian sống mà hình thành nên, mà lưu truyền, “di truyền” cái sự nói ngược, nói chữ, nói vần để gửi những cái hàm ý không theo thông thường. Kiểu như không nên lúc nào cũng đứng đắn, nghiêm ngặt, mà cũng không việc gì phải thế. Nụ cười bật lên từ ở chỗ đang bình thường tự dưng thành ngược đời, trái khoáy ấy. Cũng có khi, những câu nói chơi, ví von này nọ bỗng khiến người ta thấy nhiều hơn, sâu hơn từ một cái thực tế nào đấy, khiến người ta thấy vui vui, nghịch nghịch, thấy buồn cười.    

Nhưng tôi còn nhớ một bài thơ mà ông ngoại lấy phấn viết ngoài hè ngôi nhà tập thể “co khi nong nghiep” của tôi. Một bài thơ bốn câu có chữ “quạt” ở giữa, và các câu thơ là bốn cái “chân” mọc ra từ đó, thành một hình chữ thập. Và một câu thơ có phần đọc ngược lại của các chữ từ câu trước. Bài thơ ông ngoại tôi nhớ tên hình như là “Hội đồng tiên” ấy thế này:

“Tiên đồng hội quạt kết lương duyên

Duyên lương kết quạt giải tâm phiền

Phiền tâm giải quạt tay đưa gió

Gió đưa tay quạt hội đồng tiên”.

Người nông dân cả cuộc đời, sau này làm thêm nghề sửa xe đạp là ông tôi, khi còn nhỏ có được học vài chữ nho rồi sau bay biến đi cả. Sau cũng học ít chữ quốc ngữ đủ để viết tên, viết đơn từ. Chắc ông đọc được ở đâu đó từ hồi bé, hay thầy giáo đọc cho để nhớ đến về sau. Bài thơ có chữ “quạt” làm trung tâm với cách đọc ngược chữ, móc nối các câu vào nhau như thế, nên chắc ông tôi thấy thú vị. Tôi được ông viết ra cho, thấy hay hay bèn chép vào sổ.

Bài thơ ấy, hội đồng tiên ấy, tay quạt, gió đưa, lương duyên và nỗi phiền tâm mơ hồ cao xa ngan ngát ấy… đi theo tôi đến giờ./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top