Aa

Vật liệu xanh - Cơ hội mới cho các nhà đầu tư

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 20/12/2017 - 06:00

Vật liệu xanh là một tiêu chí quan trọng đánh giá công trình xây dựng bền vững, thân thiện và đem lại giá trị kinh tế cho nhà đầu tư và cư dân. Việt Nam đang là thị trường tiềm năng để phát triển vật liệu xây dựng xanh.

Vai trò của vật liệu xanh 

Để đánh giá chất lượng một Công trình Xanh thì vật liệu xanh đóng vai trò hàng đầu. Vật liệu xanh được phân thành các loại: vật liệu móng, vật liệu xây, vật liệu ốp, vật liệu trang trí đến vật liệu trên mái của công trình… Dù được ứng dụng ở phần nào của công trình, vật liệu xanh cũng đòi hỏi cao ở việc tiêu tốn ít năng lượng, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ khi đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó là các tiêu chí đánh giá vật liệu như không gây độc hại môi trường, độ bền cao, khả năng tái chế… 

Từ rất lâu trên thế giới đã có không ít các quốc gia dùng vật liệu xanh trong xây dựng như “gạch bùn” ở Ai Cập hay “gạch bùn và rơm” ở Tây Ban Nha. Trong nhiều thế kỷ qua, ở Nam Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và Bắc Phi, nhiều chủ công trình ứng dụng những bức tường bằng đất nện và gia cố thêm bằng các vật liệu như gỗ, tre.

Theo xu hướng phát triển, công nghệ hiện đại đã tạo ra những vật liệu xanh như xốp cách nhiệt XPS, xi măng xanh, gạch không nung, gạch ốp lát tái chế, hoặc các vật liệu xanh được khai thác trong tự nhiên đá nguyên khối, tre, nứa… Những vật liệu này đang được thị trường xây dựng đón nhận trở lại khi tình hình biến đổi khí hậu của trái đất, sự ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng.

Cũng trong bối cảnh nở rộ các dự án bất động sản khắp các vùng, miền trong cả nước đang đòi hỏi cao về tính Xanh và bền vững cũng khiến cho nhu cầu về các loại vật liệu xây dựng chất lượng tăng cao. Việc cung cấp vật liệu thân thiện môi trường cho các dự án này thực sự là mảnh đất vàng để các doanh nghiệp đầu tư.

Vật liệu xanh làm nên Công trình Xanh

Vật liệu xanh làm nên Công trình Xanh

Cơ hội phát triển vật liệu xanh

Tại Việt Nam, việc phát triển vật liệu xanh đang có nhiều thuận lợi bởi Công trình Xanh là một xu hướng tất yếu của thị trường bất động sản. 

Bộ Xây dựng đã có nhiều chiến dịch tuyên truyền, phổ biến, thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2012/TT-BXD về Vật liệu xây dựng gạch không nung. Sau nhiều năm triển khai, chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, đến nay tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm gạch không nung chính gồm: gạch block xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt đạt khoảng 7 tỷ viên quy chuẩn (QTC)/năm; sản xuất đạt 5,8 tỷ viên QTC/năm, chiếm khoảng 25% so với tổng sản lượng vật liệu; tiêu thụ tổng các loại khoảng trên 5,5 tỷ viên QTC/năm…

Những vật liệu này chính là một phần tạo nên Công trình Xanh hoàn hảo. Nếu như một công trình có tường được xây dựng bằng vật liệu không nung, ngoài khả năng cách âm, cách nhiệt tốt giúp giảm chi phí tiêu thụ năng lượng, loại vật liệu nhẹ này còn là sản phẩm thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, việc dùng gạch không nung còn tiết kiệm vật liệu, giảm chi phí và thời gian thi công, giảm lượng chất thải rắn, giảm việc tiêu thụ năng lượng và phát thải CO2 trong quá trình vận chuyển và thi công.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BXD về quy định sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trong các công trình xây dựng. Tỷ lệ sử dụng VLXKN được phân theo tỉnh thành, vùng miền.

Thông tư áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các hoạt động sản xuất và nhập khẩu VLXKN, hoạt động đầu tư xây dựng công trình và cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng.

Theo thông tư này, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn hơn 30% sử dụng VLXKN theo tỷ lệ: Hà Nội và TP.HCM sử dụng 100%; Các tỉnh Đồng bằng Trung du Bắc Bộ, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ sử dụng tối thiểu 90% tại các khu đô thị loại III trở lên, sử dụng tối thiểu 70% tại các khu vực còn lại; Các tỉnh còn lại, sử dụng tối thiểu 70% tại các đô thị từ loại III trở lên, sử dụng tối thiểu 50% tại các khu vực còn lại.

Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên, sử dụng tối thiểu 80% VLXKN trong tổng số vật liệu xây. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN, phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nhà nước khuyến khích sử dụng VLXKN vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng.

Mới đây tại Hội nghị Vật liệu Xây dựng (VLXD) toàn quốc 2017 do Bộ Xây dựng tổ chức, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: “Lĩnh vực sản xuất VLXD ở nước ta thời gian qua đã có sự thay đổi rõ rệt, công nghệ ngày càng hiện đại, từng bước hòa nhập với trình độ chung của khu vực và thế giới. Một số doanh nghiệp có trình độ sản xuất tiên tiến, có uy tín trên thị trường”.

Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và ban hành các chính sách cụ thể ưu đãi, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất những loại vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp để phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc đầu tư sản xuất chủng loại vật liệu xây dựng mới, vật liệu xanh cho các công trình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top