Aa

Vật liệu xây dựng vào đợt tăng giá mới

Thứ Bảy, 30/10/2021 - 06:30

Lực lượng nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận” do giá vật liệu xây dựng tăng chóng mặt.

Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 - 192.000 đồng/kg tùy từng thương hiệu.

Đợt tăng giá mới

Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại miền Bắc tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg. Thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg.

Với thương hiệu thép Thái Nguyên tại miền Bắc, thép CB240 tăng 860 đồng/kg, lên mức 17.200 đồng/kg, thép D10CB300 tăng 260 đồng, lên mức 17.260 đồng/kg. Thép cuộn CB240 thương hiệu Việt Đức tại miền Bắc cũng tăng thêm 250 đồng/kg, lên 16.950 đồng/kg; thép D10 CB300 tăng 200 đồng/kg, lên 17.200 đồng/kg. 

Trước đó, vào đầu năm 2021, giá thép tăng giá chóng mặt so với năm 2020 khiến các bộ ngành vào cuộc kiểm tra. Sau đó, giá thép và các vật liệu khác có xu hướng giảm nhưng đến nay lại bước vào đợt tăng mới trong bối cảnh nhiều công trình xây dựng có nguy cơ trễ tiến độ vì việc tăng giá hàng loạt vật liệu xây dựng vào thời điểm này.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Phú Đông Group cho rằng, trong 5 loại chi phí tác động đến giá của một sản phẩm bất động sản thì chi phí sắt thép chiếm khoảng 15 - 20% (thuộc nhóm chi phí xây dựng). Giá sắt thép tăng lên 50% buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán thêm 5 - 10%, thậm chí 15%. Việc giá thép tăng trong thời gian qua đã tạo nên rất nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và cả các đơn vị xây dựng.

Theo tìm hiểu của PV, tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp cả trong nước và các nước trên thế giới, trong khu vực, trong khi một số vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng được nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong khu vực, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt, tăng giá, kéo dài thời gian nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng…

Hiện nay dịch bùng phát ở hầu hết các quốc gia, việc hạn chế đi lại, thông quan hàng hóa tại các quốc gia dẫn đến thời gian lưu kho bãi đối với hàng hóa xuất khẩu kéo dài, nhân công bốc xếp, vận tải hàng hóa bị đình trệ, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của doanh nghiệp vật liệu xây dựng.

Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như: giá thép xây dựng tăng 30-40% (mức tăng này được xem là không theo quy luật thông thường); giá nhựa đường tăng 9-10%; giá xi măng tăng 3-5%;...

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho biết giá căn hộ chung cư đã tăng 4 - 6% trong thời gian gần đây. Với tình hình giá vật liệu xây dựng tăng cao như hiện nay, dự báo giá sản phẩm sẽ tăng từ 10 đến 15% trong thời gian tới.

Nguồn cung khan hiếm cộng với quan ngại giá vật liệu xây dựng tăng vọt... có thể khiến giá căn hộ tại Hà Nội tăng đáng kể
Nguồn cung khan hiếm cộng với quan ngại giá vật liệu xây dựng tăng vọt... có thể khiến giá căn hộ tại Hà Nội tăng đáng kể

Trước tình hình trên, nhằm thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương đề nghị: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp; các cơ quan liên quan đánh giá tác động của Covid-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng. Hiện Bộ Xây dựng đang tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.

Cũng theo Bộ Xây dựng, lượng vật liệu xây dựng tiêu thụ đang giảm mạnh do các công trình xây dựng ngưng trệ; hệ thống các cửa hàng vật liệu xây dựng tại các địa phương áp dụng giãn cách xã hội buộc phải ngừng hoạt động.

Tại các địa phương có dịch, doanh nghiệp phải thực hiện 3 tại chỗ để duy trì sản xuất nhưng nhiều doanh nghiệp khó có thể duy trì sản xuất nếu dịch bệnh kéo dài do không tiêu thụ được sản phẩm, thiếu vốn lưu động, thiếu kho chứa sản phẩm, thiếu nguyên vật liệu sản xuất do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí cho công nhân thực hiện cao, giá thành sản phẩm cao, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Về phía các nhà thầu xây dựng đang hy vọng Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng để tổ chức lập chỉ số giá xây dựng, phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng theo thời gian, làm cơ sở điều chỉnh mức độ biến động của giá xây dựng theo thời gian và điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, nhằm bình ổn thị trường vật liệu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top