Aa

Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sẽ chứng kiến đà phục hồi mạnh sau đại dịch

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Bảy, 02/10/2021 - 06:00

Theo quan điểm của KIS, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu sẽ chứng kiến đà phục hồi nhanh và mạnh sau đại dịch, nhờ vào các yếu tố tích cực như nhu cầu nội địa đang bị dồn nén và nhu cầu xuất khẩu đạt kỷ lục.

Tại báo cáo xu hướng vĩ mô công bố mới đây, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam dù bày tỏ niềm tin tích cực về sự phục hồi của nhóm ngành Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sau đại dịch Covid-19 nhưng vẫn thẳng thắn nhìn nhận rằng kết quả sản xuất của quý III/2021 có thể sẽ là tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo đó, với những quy định hiện hành về việc hoạt động xây dựng bị tạm hoãn ở các vùng có đại dịch (các khu vực thực hiện Chỉ thị 16), nhu cầu tiêu thụ nội địa đối với vật liệu xây dựng gần như trì trệ, kéo theo đà giảm sản xuất vật liệu xây dựng. Sản lượng sản xuất sắt và thép và xi măng tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp kể từ tháng 6, mặc dù mức giảm theo số liệu là không mạnh, lần lượt giảm 1,3% và 1,1%.

Tuy nhiên, điểm sáng của ngành công nghiệp sản xuất sắt và thép là việc nhu cầu xuất khẩu sắt thép liên tục đạt kỷ lục mới trong 3 tháng liên tục kể từ tháng 6, với đà tăng trưởng lên đến từ 2 đến 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Theo quan điểm của KIS, nhóm các ngành này sẽ chứng kiến đà phục hồi nhanh và mạnh sau đại dịch, nhờ vào các yếu tố tích cực như nhu cầu nội địa đang bị dồn nén và nhu cầu xuất khẩu đạt kỷ lục.

"Triển vọng của ngành sản xuất công nghiệp đang phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn và chiến lược của chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh và mở cửa lại nền kinh tế trong các tháng cuối năm 2021", báo cáo nhấn mạnh. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất không những trông chờ vào các hỗ trợ về mặt tài chính từ chính quyền, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tiến trình mở cửa nhanh và an toàn trong giai đoạn then chốt sắp tới, đặc biệt là việc tháo gỡ nút thắt “3 tại chỗ”.

Bên cạnh đó, các dữ liệu về sản xuất và xuất khẩu cần được quan sát kỹ trong các tháng sắp tới, nhằm có thể đánh giá rủi ro của việc dịch chuyển các đơn hàng xuất khẩu đến các khu vực sản xuất khác lên hoạt động sản xuất - xuất khẩu nội địa. Đối với triển vọng sản xuất vào tháng 9, KIS duy trì quan điểm điều kiện sản xuất sẽ tiếp tục tệ đi, có thể sẽ phản ánh bằng việc sản lượng sản xuất tiếp tục lao dốc. Theo đó, rất có thể kết quả sản xuất trong quý III/2021 sẽ là tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Số liệu mới đây của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, trong tháng 9, dù sản lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu chỉ đạt 6,70 triệu tấn, giảm tới 1,31 triệu tấn so với tháng 8, nhưng nếu tính chung từ đầu năm đến nay, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng vẫn đạt khoảng 77,47 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa 9 tháng duy trì sản lượng tương đương so với cùng kỳ năm 2020, đạt khoảng 45,58 triệu tấn, thì xuất khẩu xi măng đạt khoảng 31,89 triệu tấn và tăng tới 19%. Tồn kho cả nước trong 9 tháng còn  khoảng 3,60 triệu tấn, tương đương từ 15 đến 20 ngày sản xuất, chủ yếu là clinke.

Trong quý IV/2021 và những năm tiếp theo, ngành xi măng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Thị trường cổ phiếu xi măng vừa bật tăng nhanh khi đón nhận các thông tin tích cực từ thị trường, được nhiều nhà đầu tư săn lùng.

Đối với lĩnh vực thép, theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 8, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,35 triệu, giảm 1,9% so với tháng 7/2021, tương đương với mức sản lượng cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ thép các loại đạt 1,9 triệu tấn, giảm lần lượt 9,4% so với tháng trước và giảm 8% so với tháng 8/2020.

Riêng sản xuất và lượng tiêu thụ thép xây dựng tháng 8/2021 có mức sản lượng thấp nhất trong 5 năm gần đây với 713.964 tấn, giảm 2,06% so với tháng 7/2021 và giảm 8,1% so với cùng kỳ 2020; bán hàng đạt 559.482 tấn, giảm mạnh 29,31% so với tháng trước và giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép vẫn tăng khá do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021. Sản xuất thép các loại đạt hơn 20,6 triệu tấn, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020; bán hàng thép các loại đạt hơn 18 triệu tấn, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 4,7 triệu tấn, tăng 74,1% so với cùng kỳ năm 2020./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top