Aa

Vật liệu xây không nung cần hành lang pháp lý “mạnh” hơn

Thứ Bảy, 04/07/2020 - 10:20

“Thời gian tới, hành lang pháp lý cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm này sẽ “mạnh” hơn. Những thách thức trong sử dụng vật liệu xây không nung cần được nghiên cứu sớm và sửa đổi phù hợp”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chia sẻ.

Nhiều “ông lớn”đã sử dụng vật liệu xây không nung

Sáng 3/7, hội thảo “Sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng” và hội nghị thường niên “Mạng kiểm định chất lượng công trình xây dựng lần thứ XVII” đã diễn ra tại Hà Nội.

Theo PGS.TS Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, việc sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung trở thành xu hướng tất yếu của ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Yêu cầu về đa dạng hóa vật liệu xây dựng, hướng tới sử dụng các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tận dụng các nguyên liệu thải ra từ nhà máy nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng,… được nghiên cứu, ứng dụng.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng phát biểu tại hội thảo.

Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu và xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và quy phạm kỹ thuật đối với việc quản lý, sử dụng vật liệu xây và cấu kiện không nung trong công trình xây dựng. Sau một thời gian triển khai quyết liệt các quy định của Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, việc sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung nhận được sự hưởng ứng tích cực của các chủ đầu tư, nhà sản xuất, cung ứng vật liệu xây không nung và nhà thầu xây dựng.

Các chủng loại sản phẩm vật liệu, cấu kiện không nung ngày càng đa dạng như gạch Block xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp (gạch AAC), gạch bê tông bọt, tấm tường bê tông khí chưng áp, tấm tường bê tông rỗng, tấm tường bê tông polystyron, tấm tường thạch cao, tấm 3D… được các chủ đầu tư uy tín như HUD, Hancorp, Vingroup, Novaland,… sử dụng trong các công trình xây dựng quy mô lớn, hiện đại trên khắp cả nước.

PGS.TS Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng phát biểu tại hội thảo.

Theo Vụ Vật liệu xây dựng, sau 8 năm triển khai chương trình phát triển vật liệu xây không nung, nhận thức các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng về loại vật liệu này được nâng cao. Các cấp chính quyền địa phương đã chủ động, quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ lò gạch nung, thủ công cải tiến, một số địa phương xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như Bắc Ninh, Hải Dương và TP.HCM…; Nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư, ứng dụng công nghệ, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm vật liệu xây không nung chất lượng.

Khó khăn “bủa vây” từ nhiều phía

Đến nay, năng lực sản xuất vật liệu xây không nung đã đạt mục tiêu đề ra nhưng thực tế sản xuất và tiêu thụ loại sản phẩm này còn thấp hơn kỳ vọng, chỉ đạt gần 25% so với tổng lượng sản xuất và tiêu thụ gạch xây. Nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung khó khăn trong tiêu thụ, sản xuất không chạy hết công suất thiết kế…

Cũng theo PGS.TS Phạm Minh Hà, thông qua việc kiểm tra, quá trình thi công và công tác nghiệm thu, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình nhận thấy công tác quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng và cấu kiện không nung trong công trình xây dựng còn tồn tại một số hạn chế như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quy phạm kỹ thuật chưa đầy đủ, chế tài đối với việc tuân thủ quy định trong quản lý, sử dụng vật liệu xây không nung chưa đủ mạnh, các tiêu chuẩn cơ sở được ban hành dễ dàng, chưa có các nghiên cứu chuyên sâu, đầy đủ; Việc nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất, tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng chưa được quan tâm đúng mức; các đơn vị thiết kế, thi công các loại vật liệu xây không nung chưa có nhiều kinh nghiệm; người lao động chưa được đào tạo bài bản; công tác quản lý chất lượng sản phẩm đối với các sản phẩm vật liệu xây không nung, cấu kiện không nung còn lỏng lẻo…

Đại diện Sở Xây dựng Thái Bình cho biết: Thái Bình có nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không nung nhưng việc kiểm soát còn khó khăn.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, vật liệu xây không nung bị nứt nhiều, thấm, đặc biệt về mùa nắng, khí hậu khắc nghiệt tỉ lệ nứt lên đến 80%... ở các vị trí bậu cửa, góc tiếp giáp giữa tường với dầm, cột… Mong nhà khoa học có nghiên cứu sâu và tìm ra nguyên nhân gây nứt để giải quyết vấn đề cho vật liệu xây không nung.

Theo ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, hiện hành lang pháp lý và tiêu chuẩn, quy chuẩn cho vật liệu xây không nung cơ bản đầy đủ. Định mức xây dựng đã có, tiêu chuẩn thiết kế, thi công cơ bản đã có nhưng cần soát xét lại.

Cần hành lang pháp lý “mạnh” hơn để phát triển vật liệu xây không nung

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh: Hiện sử dụng vật liệu xây không nung chiếm 25%, tương đương 6 - 7 tỷ viên tiêu chuẩn/năm. Nhiều nước trên thế giới đã thay thế đến 60% vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng. Ở Việt Nam, chúng ta đã quen hơn với sử dụng vật liệu xây không nung, khả năng cung ứng và chủng loại ngày càng đa dạng nhưng chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa. Vật liệu xây không nung thay thế gạch nung là xu hướng tất yếu.

Theo Thứ trưởng, thời gian tới, hành lang pháp lý cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm này sẽ mạnh hơn. Những thách thức trong sử dụng vật liệu xây không nung như sản phẩm nặng, kích thước lạ mắt, sử dụng vật liệu xây không nung bị nứt, thấm,... cần nghiên cứu sớm và sửa đổi phù hợp, để đẩy mạnh hơn việc sử dụng loại sản phẩm này…

Quang cảnh hội thảo.

Theo PGS.TS Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, vật liệu xây không nung là chủ chương đúng đắn nhưng cách làm chưa tốt. Chúng ta chủ yếu nghiên cứu đến viên xây nhưng chưa nghiên cứu thể xây. Cần nghiên cứu sâu về công nghệ thi công bởi không phải thợ xây nào cũng làm được, vật liệu xây không nung cần tổ thợ xây chuyên nghiệp, cần đầu tư đề tài nghiên cứu kỹ hơn nữa về vấn đề này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top