Aa

Vay lãi suất cao đổ vào nhà đất, lời ru "ăn ngon ngủ kỹ" ôm tiền to

Chủ Nhật, 02/06/2019 - 14:00

Nhiều nhà đầu tư cá nhân có xu hướng chuyển dòng tiền vào trái phiếu doanh nghiệp, thay vì gửi ngân hàng, nhờ mức lãi suất hấp dẫn hơn lại được “ăn ngon ngủ kỹ”.

Hấp dẫn hơn gửi tiền ngân hàng

Nhiều tổ chức và cá nhân đang chuyển hướng đầu tư mạnh vào trái phiếu doanh nghiệp. Theo thống kê của Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính), năm 2018, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 53% so với năm 2017, tương đương khoảng 8,6% GDP.

Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ban hành, có hiệu lực từ tháng 2/2019, đã nâng cao tính minh bạch của việc huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia thị trường này.

Năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo tiếp tục tăng trưởng cao. Theo số liệu công bố của các công ty chứng khoán đang niêm yết, quý I/2019 có 9.103 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, cao hơn so với cùng kỳ 2018 là 2.816 tỷ đồng.

Đầu tư vào trái phiếu DN nhận lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm tại ngân hàng, lại không lo lắng như đầu tư cổ phiếu

Đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhận lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm tại ngân hàng, lại không lo lắng như đầu tư cổ phiếu

Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng tín dụng sẽ ngày càng được kiểm soát chặt chẽ, cho vay trung dài hạn bị siết chặt lại để phòng ngừa rủi ro, thì kênh huy động vốn của các doanh nghiệp thông qua ngân hàng cũng giảm. Để đáp ứng nhu cầu về vốn, các doanh nghiệp sẽ phải quan tâm đến việc phát hành trái phiếu.

Trái phiếu doanh nghiệp đang trở nên hấp dẫn hơn so với tiền gửi tiết kiệm bởi lãi suất cao. Mặt bằng lợi tức của trái phiếu doanh nghiệp đang duy trì ở mức 8 - 10%/năm, kỳ hạn 1 - 3 năm, cao hơn đáng kể so với lãi suất huy động từ 6,6 - 8,6%/năm cùng các kỳ hạn tại ngân hàng thương mại.

Hạn chế của kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trước đây, khiến nhà đầu tư lo ngại là tính thanh khoản, đến nay đã được khắc phục khi trái phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán. Các công ty chứng khoán có thể cung cấp dịch vụ mua lại trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư, hoặc chủ động đứng ra hỗ trợ khách hàng tìm kiếm và kết nối bên mua - bán, cung cấp công cụ định giá,... Trường hợp nhà đầu tư cần tiền, nhưng chưa muốn bán trái phiếu doanh nghiệp, thì họ có thể cầm cố để vay vốn tại ngân hàng.

Đầu tư trái phiếu cũng phù hợp ngay cả với những người ít tiền. Chỉ cần có từ 1 triệu đồng, nhà đầu tư cá nhân đã có thể mua trái phiếu doanh nghiệp để được nhận lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm tại ngân hàng, lại không lo lắng như đầu tư cổ phiếu. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư cá nhân có xu hướng dịch chuyển dòng tiền nhiều hơn vào trái phiếu doanh nghiệp.

Về phía các doanh nghiệp, huy động vốn qua phát hành trái phiếu phải trả lãi suất thấp hơn vay ngân hàng. Hiện vay vốn trung dài hạn từ ngân hàng thì lãi suất phổ biến từ 11%/năm trở lên. Không những thế, phát hành trái phiếu thì trình tự, thủ tục đơn giản hơn, không giống như vay vốn ngân hàng, phải thẩm định toàn bộ hồ sơ, mất khá nhiều thời gian.

Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp là rất lớn. (Ảnh minh họa: Minh Dũng)

Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp là rất lớn. (Ảnh minh họa: Minh Dũng)

Đổ vào bất động sản   

Hiện các doanh nghiệp bất động sản lớn đi đầu trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường bất động sản luôn có nhu cầu cao về vốn, trong khi đó, kể từ năm 2019 lại bị siết tín dụng vì lo ngại có nhiều rủi ro. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đang đẩy mạnh huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Cenland, Đất Xanh,... đang là những doanh nghiệp có khối lượng trái phiếu phát hành lớn từ hàng nghìn cho tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Với sự sôi động của thị trường, Hiệp hội Bất động sản đang khuyến khích thành viên quan tâm nhiều hơn đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thay thế nguồn vốn ngân hàng. Trong đó, nghiên cứu cả giải pháp phát hành các trái phiếu chương trình, dự án đầu tư, để tăng quy mô vốn hoạt động và cơ cấu lại các khoản nợ.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, trái phiếu doanh nghiệp được nhìn nhận là kênh phát hành có tiềm năng rất lớn, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng khả quan. Nhiều dự báo cho biết, thị trường trái phiếu DN sẽ tăng trưởng 30 - 40%/năm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng không phải là không có rủi ro. Bởi, mức độ minh bạch thông tin của nhiều doanh nghiệp hiện nay không cao, nên nhà đầu tư có thể đối mặt với những rủi ro khi mua phải trái phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có năng lực tài chính hạn chế, dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, khả năng hoàn vốn thấp. Chưa kể, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, trình độ quản lý thấp, thiếu kế hoạch và chiến lược cụ thể. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn ngại công bố thông tin, thậm chí giấu thông tin, báo cáo thông tin tài chính chưa rõ ràng, trong khi tính minh bạch là một trong những điều kiện quan trọng.

Theo chuyên gia Phạm Nam Kim, ở những quốc gia có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, bất cứ doanh nghiệp nào muốn phát hành trái phiếu đều phải xếp hạng tín nhiệm. Có những quốc gia phải mất hàng chục năm để xây dựng văn hóa xếp hạng tín nhiệm. Việt Nam rất chậm chạp trong việc thúc đẩy hoạt động này.

Ngoài ra, chúng ta chưa có hệ thống xếp hạng và đánh giá tín nhiệm để doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu ra ngoài, hoặc nhà đầu tư có thể căn cứ vào đó quyết định mua hoặc bán.

Thực tế trên thị trường hiện nay cũng cho thấy, các sản phẩm trái phiếu thường được phát hành bởi các doanh nghiệp lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ khoảng 97% tổng số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải đạt mức độ tín nhiệm nhất định, cũng như trình độ phát triển tốt. Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó đáp ứng yêu cầu này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top