Aa

Vay tiền không trả: Coi chừng lĩnh án

Thứ Năm, 06/08/2020 - 16:16

Khi đến hạn mà người vay không trả tiền, ngoài các trường hợp vi phạm nghĩa vụ dân sự cũng có trường hợp liên quan đến trách nhiệm hình sự.

Ví dụ như trường hợp bố mẹ cho con vay tiền, nhiều khi bố mẹ thương con nên sẽ chịu thiệt và có thể cho qua nếu con không trả được tiền. Nhưng các anh chị em thấy bố mẹ bỏ hết của cải, tài sản cho người chị hay người em vay và phải sống trong cảnh nghèo khổ nên nhất quyết đòi lại tài sản cho bố mẹ.

Vậy trong trường hợp một người mà muốn thay mặt bố mẹ hoặc người thân, người được ủy quyền đòi nợ người khác thì có được hay không?

Ảnh minh hoạ

Lý giải vấn đề này, Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty luật Minh Bạch cho biết: Đối với tài sản riêng, pháp luật Việt Nam quy định những người sở hữu tài sản có quyền được tự quyết trong vấn đề chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Việc định đoạt bao gồm cả chuyện cho vay và đòi nợ.

Pháp luật giao toàn quyền cho người chủ sở hữu tài sản để thực hiện việc đó. Nếu như chủ sở hữu tài sản không thể hiện mong muốn lấy lại số tài sản này bằng con đường tòa án thì không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có thể tự do thay mặt những người này mà không có sự ủy quyền.

"Chính vì vậy trong trường hợp này các con mà không được sự ủy quyền của bố mẹ thì các anh chị em khác cũng không thể đứng ra thay mặt bố mẹ khởi kiện ra tòa án, yêu cầu người em hoàn trả số tiền cho bố mẹ” - luật sư phân tích.

Trên thực tế, nhiều người cho vay chỉ bằng lời nói mà không có giấy tờ nào chứng nhận về việc vay nợ. Để có thể khởi kiện tại tòa, Luật sư Trần Tuấn Anh giải thích về nguyên tắc tố tụng dân sự Việt Nam, nguyên tắc chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xâm phạm là do các đơn sự tự chứng minh.

“Nếu chỉ có đơn mà không có hồ sơ, tài liệu kèm theo thì nghĩa vụ của tòa án là vẫn phải thụ lý để giải quyết yêu cầu này vì còn cả một quá trình chứng minh. Do đó, dù có căn cứ hay không có căn cứ thì nếu sự việc đó đã diễn ra một cách khách quan, bên cho vay nhận thấy rằng quyền của mình bị xâm phạm thì hoàn toàn có quyền làm đơn khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, Luật sư Trần Tuấn Anh nói thêm.

Giải thích trường hợp vay mượn phải chịu trách nhiệm hình sự, Luật sư Trần Tuấn Anh cũng cho biết Điều 175 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản: “Cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản là người phạm tội nhận được tài sản bằng hình thức hợp đồng. Sau đó dùng thủ đoạn gian dối để bỏ trốn nhằm tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ và chiếm đoạt số tiền. Hoặc nhận được tài sản thông qua hình thức hợp đồng vay, sau đó có điều kiện để trả nhưng không trả nhằm chiếm đoạt số tiền này là hai cấu thành cơ bản nhất của tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp người cho vay nhận thấy hành vi của người vay có những dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Điều 175, Bộ Luật Hình sự thì có quyền làm đơn trình báo, tố cáo lên cơ quan công an để xác minh và có thể khởi tố hình sự theo quy định”.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bên cho vay có quyền tố giác hành vi phạm tội của bên vay đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 144 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Khi cá nhân vay mượn tiền của tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng phải có tài sản thế chấp. Nếu trong trường hợp hay theo hình thức trả góp hàng tháng nhưng người đi vay không còn khả năng trả thì ngân hàng tự mình hoặc có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án bán phát mại tài sản để thu hồi nợ.

Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết, một số khoản vay như vay tín chấp hay trả góp không có quan hệ thế chấp. Trong trường hợp bên vay không trả được và không hoàn thành được nghĩa vụ của mình thì bên cho vay vẫn phải khởi kiện ra tòa án để yêu cầu cơ quan thi hành án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Luật sư Trần Tuấn Anh cũng giải thích, đối với quan hệ pháp luật dân sự cho vay có tài sản thế chấp thì khi bản án tuyên buộc bên vay phải hoàn trả lại số tiền. Trong trường hợp không hoàn trả được số tiền thì ngân hàng có quyền tự mình hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án bán phát mại tài sản thông qua đấu giá. Khi đó, tài sản này được xem là tài sản của cơ quan thi hành án và nhân danh chủ tài sản để ký hợp đồng với bên bán đấu giá tài sản. Sau khi bán công khai tài sản sẽ thu lại số tiền và truyền trả lại cho ngân hàng cho vay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top