Aa

Về đề nghị không hồi tố khi sửa Nghị định 20: Đừng "tham bát bỏ mâm"

Thứ Năm, 19/03/2020 - 12:15

Trong tình hình cực kỳ khó khăn hiện nay, việc không cho hồi tố khi sửa Nghị định 20 thực chất là chỉ lo giữ cái lợi trước mắt mà không lường trước hậu quả tệ hại cả trước mắt và lâu dài.

Trong suốt hai năm qua, Reatimes đã liên tục có nhiều bài phản ánh, phân tích cụ thể, thấu đáo về sự bất cập, không phù hợp thực tiễn của Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. 

Đặc biệt trong những ngày vừa qua, khi Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, điều chỉnh Nghị định này, chủ yếu là khoản 3 Điều 8, Reatimes đã đăng nhiều bài và ý kiến của các chuyên gia, luật sư phân tích sự vô lý, xử lý không triệt để và nhất là hậu quả tệ hại đối với doanh nghiệp trong đề xuất của Bộ Tài chính khi điều chỉnh tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền cho vay từ mức 20% lên 30% (tức về trở về như trước khi có Nghị định 20) nhưng lại không cho hồi tố đối với khoản thuế các doanh nghiệp đã nộp oan trong hai năm 2017 và 2018.

Vì vậy trong bài viết này, chúng tôi xin không nhắc lại những điều đã nói đi nói lại nhiều lần, mà chỉ muốn nhấn mạnh một điều, việc không cho hồi tố đối với khoản thuế doanh nghiệp đã phải nộp oan trong hai năm 2017 và 2018 có thể là giải pháp gỡ khó về tài chính cho chính Bộ Tài chính trong thời gian trước mắt, nhưng sẽ để lại hậu quả và hệ lụy cả trong trước mắt và lâu dài, thậm chí có khi không thể cứu vãn được.

Tiếp theo những diễn biến mà chúng tôi đã đề cập trong các bài trước, mới đây nhất, sau khi có văn bản trả lời của Bộ Tư pháp “việc cho hồi tố hay không hồi tố đối với trường hợp này đều không có vướng mắc gì về pháp lý mà chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm chính sách của Nhà nước ta”, Bộ Tài chính đã lập tức có ngay ý kiến, lần này còn mạnh mẽ và dứt khoát hơn: "Không hồi tố".

Thực ra, trong ý kiến lần này, Bộ Tài chính cũng không nêu ra nội dung gì mới, chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở nỗi lo, nếu hồi tố sẽ phải hoàn thuế cho doanh nghiệp trong khi ngân sách Nhà nước năm 2017 đã được Quốc hội phê chuẩn quyết toán và ngân sách năm 2018 đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, còn dự toán ngân sách năm 2020 không có khoản chi cho việc hoàn trả này, đồng thời dễ phát sinh tiêu cực.

Về vấn đề này, chúng tôi có quan điểm như sau:

Thứ nhất, việc Bộ Tài chính viện dẫn khoản 1 Điều 152 Luật ban hành văn bản pháp luật năm 2015 về việc cho hồi tố là “chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân…” trước đây có thể phù hợp. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, xã hội…, trong đó các doanh nghiệp chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất, thì đây không những là trường hợp “thật cần thiết” mà là “tối cần thiết” để cứu doanh nghiệp, cũng là cứu nền kinh tế của cả nước.

Các doanh nghiệp là đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19. (Ảnh: Internet)

Thứ hai, trong những lúc khó khăn, doanh nghiệp luôn chia sẻ và đồng hành cùng Chính phủ bằng những hành động cụ thể và thiết thực. Đơn cử như ngay trong cơn đại dịch này, bản thân cũng đang phải gồng mình lên để chống suy thoái và thậm chí là nguy cơ đổ vỡ, nhưng các doanh nghiệp vẫn chung tay cùng các ngành và Chính phủ, đóng góp hàng trăm tỷ đồng để chống dịch. Vậy thì Bộ Tài chính cũng nên đồng hành cùng doanh nghiệp bằng hành động cụ thể và thiết thực, thông qua việc áp dụng hồi tố khi sửa khoản 3 Điều 8, Nghị định 20 để bảo đảm sự công bằng và gỡ khó cho doanh nghiệp. 

Hơn nữa, trong khi Chính phủ nhiều nước trên thế giới có những động thái hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, trong đó có Mỹ đang chuẩn bị gói kích thích 1.000 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp, thì việc cho hồi tố khi sửa Nghị định 20 sẽ là sự hỗ trợ gián tiếp của Chính phủ để góp phần cứu doanh nghiệp.

Thứ ba, nỗi lo lắng, cũng là lý do chính và lớn nhất để Bộ Tài chính đề xuất không cho hồi tố, thực ra chính là số thu ngân sách. Nếu hồi tố nghĩa là phải hoàn thuế cho doanh nghiệp, đồng nghĩa với khoản 4.875 tỷ đồng chưa biết trông vào đâu để trả cho doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh ngân sách còn eo hẹp, như chiếc chăn kéo chỗ này hở chỗ khác thì sự lo lắng của Bộ Tài chính là hoàn toàn chính đáng và cần được chia sẻ, thông cảm. Đặc biệt, trong tình hình dịch dã như hiện nay đang đe dọa rất nhiều doanh nghiệp, thì ảnh hưởng đến nguồn thu là điều có thể thấy trước. Vì vậy, nỗi lo của Bộ Tài chính là dễ hiểu.

Tuy nhiên, nếu nhìn phiến diện một chiều, chỉ biết lo giữ chặt túi tiền đã thu, không muốn chi ra để hoàn trả, bảo đảm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và cũng là để cứu doanh nghiệp, thì đó chỉ là cái lo cho trước mắt, mà không tính đến hậu quả cả trước mắt và lâu dài. 

Bởi, doanh nghiệp đang bị đòn giáng chí mạng của đại dịch toàn cầu Covid-19, sự hỗ trợ về chính sách và tài chính chưa thấy đâu, lại thêm việc mất oan một khoản tiền lớn do không được khấu trừ chi phí lãi vay vì sự bất cập của khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, rất có thể là cú hích cuối cùng đẩy doanh nghiệp đến bờ vực thẳm. 

Và một khi doanh nghiệp đình đốn, chứ chưa nói đến kịch bản bi thảm là phá sản thì việc duy trì sự tồn tại đã là cả một núi khó khăn, còn lấy đâu ra hoạt động để mà nộp thuế. Như vậy, cái khoản thuế bị hụt thu tiếp theo vì sự đình đốn, thậm chí phá sản của doanh nghiệp, sẽ còn lớn hơn nhiều lần khoản ngân sách chi ra để hoàn thuế cho doanh nghiệp nếu cho hồi tố khi sửa Nghị định 20.

Sự đổ vỡ của doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu lâu dài mà người lao động mất việc sẽ tác động dây chuyền đến nhiều vấn đề an sinh xã hội. (Ảnh: Internet)

Vẫn biết, việc phải rút từ ngân sách hàng nghìn tỷ đồng để hoàn thuế cho doanh nghiệp nếu cho hồi tố khi sửa khoản 3 Điều 8, Nghị định 20 là một quyết định rất đau đầu của lãnh đạo Bộ Tài chính và Chính phủ, đặc biệt trong cơn đại dịch toàn cầu Covid-19 này. 

Song, có trong khó khăn mới cần sự tỉnh táo và tầm nhìn xa trông rộng để có quyết định đúng đắn, tránh vì lo bảo vệ cái lợi trước mắt mà để thiệt hại cả trước mắt và lâu dài. Bởi vì, sự đổ vỡ của doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu lâu dài, mà người lao động mất việc sẽ gây hệ lụy xã hội ngay lập tức và tạo tác động dây chuyền đến nhiều vấn đề an sinh xã hội.

Vì vậy, lúc này rất cần sự sáng suốt, đừng để như theo cách nói dân gian: "Tham bát mà bỏ mâm"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top