Bóng đá có lẽ là môn thể thao thu hút nhiều nhất những người hâm mộ trên trái đất. Tôi mê bóng đá từ nhỏ và giờ đây khi đã là một ông lão ngoại lục tuần thì niềm đam mê ấy vẫn còn nguyên vẹn. Dù thế chưa bao giờ tôi lại bỏ công tự lục vấn mình vì sao niềm đam mê ấy lại tồn tại một cách bền bỉ bất chấp những biến thiên đời người? Chưa một lần. Đơn giản chỉ là niềm yêu thích trái bóng tròn tôi quần thảo với bạn bè ở tuổi thơ thần tiên trên những sân bãi và cả ở những góc phố. Đó là những trận đấu bóng đá tôi được xem ở sân vận động, trên truyền hình mang đến những cảm xúc mãnh liệt và tuyệt diệu.
Cho đến đêm 25/4 chứng kiến trận cầu bán kết lượt đi Champions League 2018 giữa Liverpool và Roma thì bất chợt tôi đã nhận được câu trả lời. Khi cầu thủ người Ai Cập, Mohamed Salah của Liverpool bằng kỹ thuật cá nhân điêu luyện vẽ một đường vòng cung vào góc cao khung thành đối phương tôi đã sững sờ chết lặng. Bàn thắng đẹp một cách vĩ đại và cái đẹp của cử chỉ không ăn mừng sau đó của cầu thủ này khi ghi bàn vào mành lưới đội bóng cũ khiến tôi òa vỡ một cảm xúc dâng trào đến rơi nước mắt. Vẻ đẹp đích thực của bóng đá là đây. Cách ghi bàn và hành động đầy tính thể thao của nhân cách cầu thủ chính là vẻ đẹp thật sự của bóng đá khiến triệu triệu người hâm mộ thổn thức.
Tôi chưa biết nhiều về Salah nên lần giở lại những gì báo giới viết về anh. Một cầu thủ trưởng thành từ dự án bóng đá trẻ của Pepsi ở Ai Cập và xuất thân từ nghèo khó. Thôi chẳng cần lược lại những gì dẫn dắt anh đến đỉnh cao ngày hôm nay, chỉ biết khi đã thành công, Salah không quên những đứa trẻ vốn cùng hoàn cảnh với mình. Anh làm tất cả những gì mình có thể giúp cho nền thể thao quê hương. Không chỉ đưa đội tuyển Ai Cập lọt vào vòng chung kết bóng đá thế giới 2018 tại Nga mùa hè này, Salah đầu tư sân bãi, các thiết bị luyện tập ở trường học cũ nơi anh từng học tập, ở thành phố nơi anh sinh ra. Những gì Salah làm cho quê hương đã khiến anh trở thành một biểu tượng không chỉ trong thể thao.
Có một câu chuyện về anh cứ khiến tôi mãi ám ảnh. Gia đình anh bị cướp. Tên cướp sa lưới pháp luật. Khi biết gia cảnh khốn khổ của kẻ tội phạm, Salah không chỉ can thiệp phóng thích tên cướp mà còn giúp đỡ vật chất cũng như tìm giúp một công việc để người này hoàn lương. Những chuyện tương tự như vậy không hiếm ở cầu thủ này. Tôi nghĩ bóng đá chỉ thật sự đẹp khi có những cầu thủ như vậy.
Nền bóng đá Việt Nam luôn ở vùng trũng khu vực nhưng người hâm mộ luôn sát cánh cùng những người làm bóng đá. Lịch sử từng ghi nhận sự đam mê cuồng nhiệt của người hâm mộ với bóng đá nước nhà. Dạo đó các sân vận động luôn chật kín người xem dù kinh tế khó khăn thế nào. Bấy giờ để kiếm được một tấm vé vào sân xem trực tiếp là cả một câu chuyện nan giải.
Cuộc sống đi lên, bóng đá cũng phát triển theo kinh tế đất nước nhưng thật đáng buồn sự phát triển ấy lại không cùng song hành. Bóng đá bao cấp tan rã đúng như quy luật phát triển kinh tế thị trường. Các đội bóng tên tuổi một thời như Thể Công, Tổng cục Đường sắt, Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Công an Hà Nội... bị giải thể thay vào đó là những đội bóng của từng địa phương, ngành nghề được các ông chủ có thực lực kinh tế trợ giúp và bao thầu. Những tưởng có sự tham gia của các ông chủ sẽ làm bóng đá đi lên nhưng hoàn toàn không phải thế. Sự thao túng của những thế lực bóng đá mới cùng sự èo uột của Liên đoàn Bóng đá VN luôn muốn chạy theo thành tích kiểu như “xây nhà từ nóc” đã làm phương hại đến một nền bóng đá có truyền thống. Một dạo vấn nạn bóng đá bán độ đã giết bóng đá Việt. Sự tin tưởng cầu thủ không còn trong lòng khán giả. Một loạt cầu thủ, huấn luyện viên sa vào vòng lao lý. Các sân vận động vắng hoe.
Còn may sau sự kiện lẫy lừng đội tuyển U23 mà nòng cốt là những cầu thủ được đào tạo bài bản ở những học viện bóng đá tiên tiến, đoại giải Á quân U23 châu Á 2018 ở Trung Quốc đã kịp cứu vãn một nền bóng đá. Người dân không còn quay lưng với giải quốc nội. Những sân vận động đã lại lấp đầy khán giả. Nhưng để duy trì được tình yêu của người hâm mộ cần phải có một nền bóng đá sạch. Sạch trong chừng mực nào đấy đồng nghĩa với đẹp.
Chỉ có bóng đá đẹp mới mang hết được vẻ đẹp của bóng đá. Tự nhiên tôi mong muốn, Việt Nam có những cầu thủ có thể không đến được đẳng cấp của Mohames Salah nhưng nhân cách thì phải ngang tầm. Tại sao lại không thể?