Aa

Về thuốc kháng sinh…

Chủ Nhật, 17/01/2021 - 07:00

Xin nhắc lại: Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, hầu như không có tác dụng gì với virus.

Thật khó mà hình dung ra đời sống con người thời hiện đại lại thiếu thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh hay thuốc trụ sinh, tùy từng nơi gọi là một chất chiết xuất từ vi sinh vật hoặc có thể bán tổng hợp: từ cái chất chiết xuất trong công nghệ nuôi cấy vi sinh ra kia, người ta lấy đó là chất gốc rồi gắn thêm vào các chất hóa học khác, cho ra nhiều loại kháng sinh bán tổng hợp khác nhau. Nhưng hiện nay công nghệ Hóa dược cũng có thể tổng hợp thẳng thuốc kháng sinh từ các chất gốc hóa học mà chẳng cần phải nhờ vả đến ông bạn vi sinh vật tí hin kia làm gì (Ấy là những kháng sinh tổng hợp hóa học).

Nhưng kháng sinh dòng nào thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc: Nó có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm hãm không cho vi khuẩn gây bệnh phát triển trong cơ thể con người.

Thật ra loài người đã biết sử dụng kháng sinh từ thủa xa xưa. Quãng độ hai ngàn năm trước, các thầy thuốc cả phương Đông và phương Tây đều đã rất chú tâm nghiên cứu điều trị các chứng nhiễm trùng vết thương, ung nhọt bằng các hỗn hợp chế từ cỏ cây khoáng chất. Lịch sử loài người thời đó hầu như là lịch sử của những cuộc chiến tranh, thế nên chuyện các chiến binh bị các vết thương trên thân thể là rất thường xuyên.

Và điều kiện vệ sinh thời đó dẫn đến việc nhiễm trùng cũng là phổ biến. Nên các thầy thuốc đã quan sát tìm hiểu tự nhiên rồi cố tạo ra các hỗn hợp dung dịch, cao mềm, bột… để tiêu diệt ổ nhiễm trùng làm chóng lành vết thương. Nhưng suốt cả mấy ngàn năm mầy mò, con đường đó tưởng chừng như bế tắc. Vết thương nhiễm trùng rồi dẫn đến suy kiệt, tử vong vẫn là một nỗi đau đớn của cả bệnh nhân và thầy thuốc.

Cho đến mãi năm 1928, do một sự tình cờ thần thánh mà quý ông người Anh, Alexander Fleming mới tìm ra thuốc kháng sinh Penicillin từ nấm Penicillin. Đây thực sự là một bước tiến nhảy vọt của nền văn minh loài người! Từ đây, một nền công nghệ sản xuất thuốc kháng sinh đã ra đời. Thuốc kháng sinh xuất hiện đã góp phần quyết định vào việc đẩy lùi chữa trị nhiều căn bệnh nan y, kéo dài tuổi thọ của con người lên trông thấy, nâng cao chất lượng sống.

Kể từ đó cho đến nay, ngành công nghiệp sản xuất thuốc kháng sinh đã cho ra đời vô vàn các loại thuốc thuộc các nhóm kháng sinh khác nhau: nhóm Betalactam, nhóm Macrolide, nhóm Quinolon… với hàng ngàn biệt dược mà người thường nhìn vào chắc chắn sẽ hoa mắt. Lại còn có kháng sinh phổ rộng và kháng sinh phổ hẹp nữa kia, thật rắc rối. Nhưng có lẽ ta không nên quan tâm sâu quá làm gì cho nhức đầu, việc này nên để lại cho các nhà chuyên môn.

Nhưng dù là nhóm thuốc kháng sinh nào thì tác dụng của nó về cơ bản vẫn giống nhau. Khi kháng sinh xâm nhập vào tế bào vi khuẩn nó ức chế việc tổng hợp màng tế bào, ức chế tổng hợp ARN, Protein, thế là cái con vi khuẩn ác nghiệt kia không còn sống nổi để mà cứ tự nhân đôi nhân bốn nhân tám… ra được nữa! Chúng hoặc bị tiêu diệt, hoặc co lại chạy trốn ẩn núp kỹ đâu đó để tránh bị kháng sinh tìm diệt.

Thông thường, khi bị bệnh do yếu tố nhiễm trùng người ta sẽ có các triệu chứng như sốt, ho, hắt hơi, nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi, chuột rút…

Khi đó cần đến các bệnh viện, phòng khám để khám xét. Đặc biệt là các xét nghiệm sinh hóa đặc thù để chỉ ra bị nhiễm vi khuẩn gì. Xong còn cái chuyện dùng loại kháng sinh thích hợp để diệt vi khuẩn, là việc của các thầy thuốc. Việc của chúng ta là khi thấy mình ốm, đi bệnh viện thầy thuốc bảo phải dùng kháng sinh thì cứ theo đơn thuốc mà dùng. Cơ mà ở đây rất hay xảy ra tình trạng, một bác đau họng đi viện, bác sĩ kê cho đơn kháng sinh, dùng khỏi. Sang năm bác lại đau họng, bác chả đi viện khám nữa, cứ thế lôi đơn cũ ra mua thuốc uống! Lại còn có kiểu, đơn của bác A, nhưng bác B thấy đau họng, cũng chả đi viện khám, cứ thế đi mua theo mà dùng….

Xin hãy chấm dứt cái việc này! Bởi mỗi cơ thể, mỗi loại bệnh tật phát sinh trên mỗi người rất khác nhau. Việc này bắt buộc phải có sự thăm khám của thầy thuốc kèm theo các xét nghiệm sinh hóa mới chuẩn bệnh được. Có chuẩn bệnh thì bác sĩ cho thuốc kháng sinh mới đúng, mới khỏi bệnh. Và nhiệm vụ của bệnh nhân là dùng kháng sinh cho đủ liều đúng cách theo chỉ dẫn của thày thuốc.

Thế nhưng có khối trường hợp khám chính xác bệnh rồi, cho dùng kháng sinh rồi mà bệnh vẫn không lui. Tại sao vậy? Trường hợp này người ta thường nghĩ đến hiện tượng kháng kháng sinh, vốn khá phổ biến trong thực tế điều trị bệnh. Là vì con vi khuẩn kia, tưởng cơ thể chúng cũng đơn giản thôi, nhưng thực tế nó cũng khá tinh vi. Mới đầu kháng sinh ra đời, tấn công vào, chúng chết như ngả rạ.

Sau một thời gian, chúng tự biến đổi và tìm cách chống lại ngay loại thuốc kháng sinh đó. Kết quả là cũng loại kháng sinh đó cho bệnh nhân dùng chả ăn thua gì nữa: Bọn vi khuẩn không còn coi đó là thuốc độc, mà nó coi như… đường sữa chẳng hạn, chén luôn kháng sinh cho bổ! Một ví dụ điển hình: khi mới ra đời, Penicillin là thần dược trị các vết thương chiến tranh bị nhiễm trùng mưng mủ. Thế nhưng đến nay, Penicillin hầu như không thầy thuốc nào sử dụng cho những case bệnh này, bởi không còn tác dụng. Vậy nên việc cập nhật các kiến thức về y dược mới là một việc không thể bỏ qua của các thầy thuốc thực hành.

Nhưng phải làm gì để chống lại hiện tượng kháng kháng sinh- vi khuẩn nhờn thuốc? Người ta phải liên tục nghiên cứu và chế tạo các loại kháng sinh mới, thế thôi. Và cuộc chiến của loài người với vi trùng gây bệnh có vẻ như sẽ không bao giờ có hồi kết! Kết quả cho đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, thế giới đã có khoảng 8.000 loại kháng sinh. Ấy là chưa kể hàng trăm loại thuốc Sulfamide cũng có tác dụng diệt vi khuẩn mà vốn không được xếp phân loại trong các nhóm thuốc kháng sinh.

Có một phương pháp chống lại hiện tượng kháng kháng sinh này mà hiện các thầy thuốc hay dùng khá hiệu quả là, phối hợp ít nhất từ 2 kháng sinh trở lên trong một đơn thuốc. Công thức biệt dược Augmentin gồm Amoxyclin + Acid clavulic là một ví dụ điển hình: Amoxyclin vốn là một kháng sinh đã hầu như mất hết tác dụng với vi khuẩn mấy chục năm nay, thế nhưng khi kết hợp cùng với Acid clavunic là loại kháng sinh tổng hợp thì biệt dược này vẫn có tác dụng rất đặc hiệu trên rất nhiều bệnh nhiễm trùng! Công thức điều trị bệnh viêm loét dạ dày do vi khuẩn Hp gây ra cũng vậy: Luôn có sự hiện diện của ít nhất là 3 loại kháng sinh trở lên và cũng được điều chỉnh liên tục để trừng trị con vi khuẩn ghê gớm này! Helicobacter pylori (Hp) đúng là một con quái ác, thậm chí nó sống khỏe trong môi trường acid có pH từ 1 - 3! Mà trong môi trường đó thường thì sắt cũng tan ra kia đấy…

Miền Bắc nước ta hiện đang trong mùa Đông – Xuân, mùa của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trẻ em. Rất nhiều trẻ bị các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp và phải dùng kháng sinh các loại. Việc dùng thế nào đã có đơn của bác sĩ chỉ định. Nhưng nên lưu ý các gia đình có trẻ nhỏ, kháng sinh về nguyên tắc là thuốc diệt vi khuẩn. Vào cơ thể, nó không những diệt vi khuẩn có hại mà nó diệt luôn cả các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ. Thế nên nhiều khi lợi bất cập hại. Có khi chữa được viêm họng xong thì con lại bị tiêu chảy do mất hệ vi khuẩn có lợi trong ruột.

Vậy nên hãy hạn chế dùng kháng sinh cho trẻ, trẻ con có sức đề kháng trời cho rất mạnh. Rất nhiều bệnh tật nhiễm vào, cơ thể chúng tự sinh ra kháng thể tiêu diệt mầm bệnh luôn mà không phải dựa vào thuốc từ bên ngoài đưa vào! Dịch Covid đang hoành hành khắp thế giới là minh chứng rõ rệt cho điều này: Trẻ từ 1 đến 9 tuổi mắc rất ít. Và nếu có mắc thì cũng nhanh khỏi và chưa có trường hợp nào tử vong!

Nhưng tiện đây, xin nhắc lại: Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, hầu như không có tác dụng gì với virus. Thế nên với các bệnh cảm cúm cũng đang phổ biến mùa này thuốc kháng sinh hoàn toàn vô nghĩa. Nên nếu mắc cảm cúm, các bạn chỉ nên dùng thuốc cảm cúm thông thường và nâng cao sức đề kháng bằng các loại vitamin, thức ăn giàu đạm là đủ, sẽ khỏi.

Trong một số phác đồ điều trị bệnh nhân Covid hiện nay, người ta hay dùng một kháng sinh có tên là Azithromycine là để trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội đi kèm, chứ hoàn toàn không có tác dụng tiêu diệt con virus corona biến thể quái ác kia. Trong khi chờ đợi vaccine được phổ biến, chúng ta chỉ có cách tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch do cơ quan y tế đưa ra mà thôi.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top