Aa

Vén màn đại gia xây loạt “Thành phố giáo dục quốc tế” trị giá 15.500 tỷ đồng

Thứ Bảy, 02/11/2019 - 06:00

Chỉ tính riêng 3 dự án “Thành phố giáo dục quốc tế”, Công ty CP Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (NHG) dự kiến đầu tư khoảng 15.500 tỷ đồng, trên tổng diện tích đất gần 140ha thuộc 3 tỉnh thành.

Vươn dài “cánh tay” từ Nam ra Bắc

Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã có buổi họp, nghe ý tưởng quy hoạch và đề xuất xây dựng dự án thành phố giáo dục quốc tế tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, của Công ty CP Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (NHG).

Thành phố giáo dục quốc tế là mô hình được NHG đầu tư và xây dựng thành một hệ sinh thái ở nhiều tỉnh thành. Tại đây, NHG triển khai xây dựng từ hệ mầm non đến đại học và sau đại học với quy mô khoảng 82.000 học sinh, sinh viên, trong đó có 16.600 học sinh, sinh viên nội trú.

Dự án thành phố giáo dục quốc tế tại Hải Phòng có quy mô diện tích 69,5ha thuộc Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 13.000 tỷ đồng.

Cụ thể, về tiến độ thực hiện dự án, dự kiến trong quý III/2019 - quý I/2020, NHG sẽ lập thủ tục đầu tư dự án. Quý II/2020 - quý II/2022 sẽ triển khai đầu tư xây dựng. Quý III/2022 sẽ hoàn thiện dự án, đi vào hoạt động.

Về mục tiêu dự án, NHG cho biết thành phố giáo dục quốc tế Hải Phòng được hình thành sẽ là công trình lớn bậc nhất quốc gia và khu vực về giáo dục, có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển giáo dục, kinh tế của thành phố Hải Phòng nói riêng và cả khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung.

Ngoài ra, đây sẽ là nơi thu hút học sinh, sinh viên tại Hải Phòng, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh thuộc khu vực miền Trung, miền Nam và sinh viên đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Lào, Campuchia.... 

Phối cảnh mô hình thành phố giáo dục quốc tế Hải Phòng. Dự án có tổng mức đầu tư 13.000 tỷ đồng thuộc Khu đô thị Bắc sông Cấm.

Nếu dự án trên được triển khai xây dựng sẽ hứa hẹn góp phần xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ. Có thể nói, đây là một dấu ấn mạnh mẽ trong việc đầu tư phát triển hệ thống giáo dục tư thục ở nước ta.

Tuy nhiên, không phải bây giờ NHG mới được nhắc đến khi mạnh dạn đề xuất dự án có mức đầu tư lên đến 13.000 tỷ đồng. Trước đó, NHG cũng đã đầu tư 2 dự án Thành phố giáo dục quốc tế tại tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam. Hai dự án này có tổng diện tích 70ha và tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng.

Theo đó, vào ngày 28/6/2019, sau hơn 1 năm khởi công (ngày 31/3/2018), thành phố giáo dục quốc tế tại Quảng Ngãi đã chính thức được khánh thành. Dự án đầu tư xây dựng trên diện tích 10ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Thành phố giáo dục quốc tế tại Quảng Ngãi là hệ sinh thái giáo dục quốc tế toàn diện với đầy đủ cấp học từ mầm non đến lớp 12, bao gồm: chương trình Mầm non Quốc tế Saigon Academy (SGA); chương trình Hội nhập Quốc tế iSchool; Song ngữ Quốc tế Học viện Anh quốc UK Academy (UKA); Quốc tế Hoàn toàn Bắc Mỹ (SNA).

Trong khoảng thời gian thi công dự án trên, NHG tiếp tục được chấp thuận chủ trương đầu tư Thành phố giáo dục quốc tế ở tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, ngày 8/8/2018, NHG đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án “Thành phố giáo dục quốc tế - Nam Hội An”, với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Mục tiêu dự án là xây dựng thành phố giáo dục quốc tế, có khả năng đáp ứng cho 12.000 học sinh, bao gồm nhiều cấp học như: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và sau đại học theo chuẩn Việt Nam và Quốc tế. Dự án góp phần đáp ứng nhu cầu giáo dục đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương và trở thành trung tâm giáo dục đào tạo cho Quảng Nam, các khu vực lân cận với quy mô đào tạo đáp ứng khoảng 12.000 người học thuộc các cấp học.

9 ngày sau (tức ngày 17/8/2018), UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 2483/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đối với Dự án “Thành phố giáo dục quốc tế - Nam Hội An”.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch, dự án này có diện tích quy hoạch 60ha (bao gồm 41ha đất và 19ha đất rừng phòng hộ). Nhìn vào con số trên, có thể thấy dự án này chỉ “lấy khéo” 19ha rừng phòng hộ, bởi nếu lấy 20ha thì sẽ phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

“Đại gia” gắn liền với những dự án khủng

Như vậy, chỉ với 3 dự án “Thành phố giáo dục quốc tế”, NHG dự kiến đầu tư khoảng 15.500 tỷ đồng, trên tổng diện tích đất gần 140ha thuộc 3 tỉnh thành. Không quá khi nói NHG như một ngôi sao sáng rực rỡ trong công cuộc đầu tư, phát triển nền giáo dục nước nhà.

Còn nhớ tại buổi lễ khởi công dự án thành phố giáo dục quốc tế của NHG tại Quảng Ngãi, GS.TS Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo hoan nghênh và khuyến khích các nhà đầu tư có đủ tâm – tài - lực, đồng hành cùng ngành giáo dục trong sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà, đưa giáo dục Việt Nam tiệm cận với nền giáo dục tiến tiến trong khu vực và quốc tế.

Với hàng loạt dự án khủng, NHG đã làm gì để trở thành một “ông lớn” trong hệ thống các trường học tư thục như vậy?

Theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (NHG) được thành lập ngày 1/8/2007. Công ty có trụ sở tại số 49 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TP. HCM. NHG có bản lý lịch được "tô sắc hồng”, khi nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư thục tại Việt Nam.

Được biết, thời điểm thành lập gồm các cổ đông: Hoàng Nguyễn Thu Thảo; Hoàng Quốc Việt; Lê Thanh Huỳnh Cang. Trong đó, Hoàng Nguyễn Thu Thảo góp 2 tỷ đồng (tương đương 1,9%), Lê Thanh Huỳnh Cang góp 1 tỷ đồng (tương đương 0,95%) và đã góp vốn 99 tỷ đồng, tương đương với 94,2% vốn điều lệ, bao gồm: Hoàng Nguyễn Thu Thảo góp 2 tỷ đồng (tương đương 1,9%); Hoàng Quốc Việt góp 96 tỷ đồng (tương đương 91,43%) và Lê Thanh Huỳnh Cang góp 1 tỷ đồng (tương đương 0,95%). Ông Hoàng Quốc Việt (SN 1971), giữ vai trò là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Tuy nhiên, hiện NHG đã tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Ông Hoàng Quốc Việt giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm người đại diện theo pháp luật. Bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc và cũng kiêm vai trò là người đại diện theo pháp luật của NHG.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Hiệu trưởng các hệ thống giáo dục của NHG ấn nút khởi công dự án “Thành phố giáo dục quốc tế” tại Quảng Ngãi. (Ảnh: NHG)

Với vai trò then chốt tại công ty, ông Hoàng Quốc Việt và bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo đã chèo lái con thuyền NHG vươn dài “cánh tay” từ Nam ra Bắc. Theo thống kê ban đầu, NHG đã đầu tư xây dựng và vận hành 35 công trình giáo dục tại 15 tỉnh thành, đáp ứng nhu cầu sử dụng của gần 40.000 học sinh, sinh viên trong hệ thống đào tạo khép kín từ mầm non đến Tiến sĩ.

NHG sở hữu nhiều hệ thống trường học như: Trường Mầm non Quốc Tế Sài Gòn Academy (Saigon Academy International School); Trường Hội nhập Quốc tế - iSchool (iSchool International Integration Education); Trường Quốc tế song ngữ Học Viện Anh Quốc - UK Academy; Trường Quốc tế Bắc Mỹ - SNA.

Ngoài các công trình giáo dục, NHG còn được biết đến là một đơn vị phát triển dự án nghỉ dưỡng và triển khai khu tổ hợp thực hành du lịch, khách sạn ngay trong khuôn viên trường học như một nơi thực tập tại chỗ cho sinh viên.

Bên cạnh đó, NHG còn sở hữu Khu nghỉ dưỡng làng Bình An (Binh An Village) nằm ngay sát bờ biển Vũng Tàu và Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU).

Trước đó, ngày 20/4/2018, NHG cũng đã khánh thành Khu tổ hợp thực hành Du lịch và Khách sạn Sulyna theo tiêu chuẩn quốc tế, đẳng cấp 5 sao. Đáng chú ý, dự án này được xây dựng ngay trong khuôn viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng – HIU (thành viên của NHG) tại TP.HCM.

Với hệ sinh thái được triển khai đầu tư từ hệ mầm non đến đại học và sau đại học mang tầm cỡ Quốc tế, NHG đang được chờ đợi sẽ đem lại một “Thành phố giáo dục quốc tế” tại Hải Phòng với những gam màu mới. Có lẽ, Công ty CP Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (NHG) đang là điểm sáng rực rỡ giữa những chông gai mà ngành giáo dục đã và đang trải qua, đặc biệt là việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc sửa điểm thi THPT Quốc gia 2018 đến giờ vẫn chưa kết thúc.

Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top