Thị trường chứng khoán phiên 24/11 vấp phải áp lực rung lắc rất mạnh khi VN-Index tiến dần đến mốc 1.000 điểm. Các chỉ số diễn biến giằng co với những đợt tăng, giảm điểm đan xen trong phiên sáng khi sự phân hóa ở nhóm vốn hóa lớn diễn ra rõ nét.
Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán bất ngờ tăng vọt đã đẩy hàng loạt cổ phiếu trụ cột lao dốc và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến của các chỉ số. Có thời điểm VN-Index đã giảm đến hơn 9 điểm khi về mức 984,92 điểm.
Sự bất ngờ tiếp tục diễn ra vào cuối phiên khi lực cầu vẫn tỏ ra không “chịu thua” và giúp kéo bật nhiều cổ phiếu lớn hồi phục, các chỉ số vì vậy cũng diễn biến tích cực hơn, trong đó, VN-Index và UPCoM-Index chốt phiên trong sắc xanh.
Trong đó, HPG là cổ phiếu gây chú ý nhất khi đầu phiên tăng mạnh lên mốc 38.500 đồng/cp, nhưng sau đó, áp lực chốt lời kéo cổ phiếu này có lúc giảm 3,2% xuống 36.300 đồng/cp. Tuy nhiên, lực đỡ cuối phiên đã giúp cổ phiếu này đóng cửa ở mức tham chiếu 37.500 đồng/cp. Khối lượng khớp lệnh của HPG vọt lên đến 48,9 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như TPB, PVD, SSI, VCB, MBB… cũng duy trì được sắc xanh tốt và góp phần giữ nhịp thị trường chung.
Chiều ngược lại, hàng loạt cổ phiếu lớn như BVH, VCG, MSN, GAS, GVR… đồng loạt lao dốc và tạo áp lực rất lớn lên các chỉ số. BVH giảm đến 1,8%, VCG giảm 1,6%, MSN giảm 1,3%, GAS giảm 1,2%.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, VHM tiếp tục dẫn sóng khi tăng đến 4% lên 83.800 đồng/cp và khớp lệnh 5,5 triệu đơn vị. Hai cổ phiếu họ “Vin” khác là VIC và VRE cũng giữ được sắc xanh, trong đó, VIC tăng 0,2% lên 104.000 đồng/cp, còn VRE tăng 0,9% lên 27.950 đồng/cp.
Trước sự rung lắc của thị trường chung, sắc đỏ đã chiếm ưu thế hơn đáng kể ở nhóm bất động sản vừa và nhỏ, trong đó, hàng loạt mã đáng chú ý giảm sâu có VCR, IDC, TCH, KBC, SCR, ITA. Chốt phiên, VCR giảm 7,7% xuống 20.500 đồng/cp, TCH giảm 3,6% xuống 20.100 đồng/cp, KBC giảm 2,6% xuống 14.900 đồng/cp, SCR giảm 2,1% xuống 7.000 đồng/cp.
Chiều ngược lại, một số cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ khác vẫn duy trì được sự tích cực. Các cổ phiếu như HPI, C21 hay BII đều được kéo lên mức giá trần. CRE cũng tăng 1,9%.
Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 13.659 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 628 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.580 tỷ đồng. ITA là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 13,7 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng trên sàn HoSE với giá trị 134 tỷ đồng. VHM và VIC là 2 cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh, trong khi đó, VRE được mua ròng mạnh với 69 tỷ đồng. HDG cũng là cổ phiếu bất động sản nằm trong top mua ròng của khối ngoại với 12 tỷ đồng.
Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm nhẹ trong phiên thứ sáu liên tiếp với thanh khoản tiếp tục gia tăng và cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên trong giai đoạn hiện tại là vẫn tốt nhưng áp lực bán cũng là rất đáng kể.
Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index tiếp tục đi lên để hướng dần đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.000 - 1.030 điểm (đỉnh tháng 11/2019), áp lực tại đây sẽ gia tăng và khiến thị trường rung lắc mạnh, nên khả năng điều chỉnh trở lại trong thời gian tới là có thể xảy ra. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 phân kỳ với chỉ số cơ sở VN30 khi tăng trong phiên hôm nay, qua đó chuyển basis âm lên thành basis dương 4,39 điểm, cho thấy các nhà giao dịch đang lạc quan về xu hướng hiện tại.
SHS dự báo, VN-Index có thể sẽ tiếp tục diễn ra những rung lắc trước áp lực bán trên đường hướng đến kháng cự tâm lý quan trọng 1.000 điểm. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể mua vào nếu thị trường có nhịp test lại ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 970 điểm (đỉnh tháng 10/2020). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể canh chốt lời nếu thị trường tiến vào vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.000 - 1.030 điểm.