Aa

Vì cớ gì ngành xây dựng luôn luôn ì ạch?

Thứ Bảy, 04/11/2017 - 06:01

Ngành xây dựng là ngành công nghiệp có tốc độ tăng năng suất lao động thấp nhất thế giới hiện nay. Không ít các công trình bị kéo dài thời hạn hoàn thành đến mức không thể tưởng tượng nổi.

Chín năm trước, công trình sân bay Brandenburg (Đức) được khởi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2012 với mức kinh phí 1,2 tỷ EUR (1,8 tỷ USD), với sức chứa 34 triệu hành khách mỗi năm. Đến năm 2017, tức 5 năm sau hạn chót của dự án, sân bay Brandenburg vẫn còn đang dang dở. Người phát ngôn của dự án vừa bị sa thải hồi năm ngoái do đã trực tiếp phê phán quá trình xây dựng sân bay và các nhà thầu.

Sân bay Brandenburg chỉ là ví dụ của một vấn đễ đang ăn sâu vào các công ty xây dựng trên thế giới. Nhìn từ ngoài vào thì sự thịnh vượng vẫn chưa từ bỏ ngành xây dựng – tổng giá trị của thị trường xây dựng toàn cầu được ước tính vào khoảng 10 nghìn tỷ USD, với mức tăng trung bình năm khoảng 3,5%. Tuy nhiên, có đến 90% trong số các công trình xây dựng đang bị chậm tiến độ hoặc có chi phí thực tế vượt dự tính.

Một ví dụ tiêu biểu khác là tổng hành dinh mới của Apple ở thung lũng Silicon mở cửa muộn 2 năm so với kế hoạch và bội chi 2 tỷ USD. Với các công trình nhà ở, tình hình cũng không khả quan hơn là mấy, một khảo sát mới đây ở Anh cho thấy có đến 60% ngôi nhà đang chậm tiến độ xây dựng.

Theo công ty tư vấn McKinsey, xây dựng đang là nghành công nghiệp có tỷ lệ tăng năng suất lao động thấp nhất thế giới. Trong 20 năm vừa qua, mức tăng năng suất lao động trên giờ của ngành xây dựng trung bình một năm là 1%, bằng ¼ mức tăng trong ngành sản xuất.

Vấn đề này thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở các nước phát triển. Ví dụ như Đức và Nhật, hai đất nước dẫn đầu trong việc tăng năng suất lao động, tốc độ tăng của ngành xây dựng bằng không. Còn ở Ý và Pháp, tốc độ này âm. Riêng với Mỹ, năng suất lao động trong ngành xây dựng đã giảm một nửa kể từ năm 1960. 

Giá của vật liệu xây dựng tăng và sự chồng chéo của thủ tục hành chính không phải là các lý do chính cho sự chậm phát triển này. Quan trọng hơn, đó là việc chậm đưa máy móc vào lao động sản xuất. Tuy tỷ lệ công nhân lao động trên máy móc ở mức cao có thể hiểu được trong trường hợp các nước có nguồn lao động giá rẻ như Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng hiện tượng này lại diễn ra cả với các nước phát triển, vốn có các bộ luật lao động rất chặt chẽ.

Sở dĩ tình trạng này xảy ra là do nỗi lo sợ của các nhà thầu trước viễn cảnh khủng hoảng kinh tế. “Trong khủng hoảng, chi phí để bảo dưỡng và vận hành máy móc dễ bị đẩy lên rất cao. Tong khi đó, công nhân xây dựng có thể bị sa thải nhanh chóng khi công ty gặp khó khăn”, ông Luc Luyten - Công ty tư vấn Bain & Company cho biết. 

Lý do thứ hai là ngành công nghiệp xây dựng đã thất bại trong việc tự đào thải những doanh nghiệp làm ăn thiếu hiệu quả, phần nhiều do sự khác biệt về luật xây dựng giữa các địa phương trong một nước, và giữa các nước với nhau. Buộc các nhà thầu quy mô quốc gia hay quốc tế phải thuê các nhà thầu phụ ở địa phương để trực tiếp xây dựng công trình.

Điều này đã dẫn đến sự tồn tại song song của rất nhiều công ty xây dựng trong một thị trường nhỏ. Ở châu Mỹ, hiện có khoảng 730.000 công ty xây dựng với mỗi công ty trung bình có 10 nhân viên. Việc cạnh tranh vì thế trở nên rất quyết liệt, trong khi đó tỷ suất lợi nhuận lại rất thấp. Vì thế mà trong mỗi dự án lớn, các nhà thầu phụ thường tự mình tìm cách tối đa hóa lợi nhuận, thay vì cộng tác lại để giảm chi phí.

Tuy vậy, vẫn có một số điểm sáng phải kể đến trong ngành xây dựng. Các nhà thầu đã không còn quá ngại ngần trong việc sử dụng đồ họa máy tính trong xây dựng, lẫn các thiết bị, máy móc tự động và bán tự động. Hãng Komatsu của Nhật Bản hiện đang cho thự nghiệm một loại xe gầu không người lái.

Một ví dụ khác là việc sản xuất nhà ở lắp ghép hàng loạt để giảm chi phí và thời gian xây dựng. BoKlock, một công ty con của IKEA, chỉ tốn 1/5 thời gian cho một gói thầu xây nhà ở để lắp ghép căn nhà, 4/5 thời gian còn lại được dùng để thiết kế và sản xuất các bộ phận của ngôi nhà tại nhà máy. Một lợi ích khác của xây dựng nhà theo phương pháp lắp đặt là các công ty xây dựng không còn bị buộc phải thuê nhà thầu phụ nữa mà có thể tự hoàn thành 100% gói thầu của mình.

Nước có tốc độ tăng năng xuất trong nghành xây dựng cao nhất thế giới là Trung Quốc với mức tăng trung bình là 7% năm. Sự tăng trưởng đáng khích lệ này là nhờ vào sự nhiệt tình của các công ty Trung Quốc với tự động hóa và xây dựng theo phương phát lắp đặt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top