Vì sao Bắc Ninh trở thành cực kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô?

Vì sao Bắc Ninh trở thành cực kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô?

Việt Khoa
Việt Khoa tranvietkhoa1987@gmail.com
Thứ Năm, 10/02/2022 - 06:15

Kinh Bắc xưa được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống lịch sử, khoa bảng, văn hiến và cách mạng. Bắc Ninh hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong những thành phố có nền kinh tế đứng đầu cả nước.

Những chỉ số kinh tế khả quan

Với vị trí địa lý thuận lợi, gần Hà Nội, sân bay quốc tế Nội Bài, cảng biển và dọc theo hai hành lang kinh tế lớn: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Bắc Ninh có nhiều lợi thế trong việc thu hút đầu tư.

Nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Bắc Ninh đã xác định được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng là một trong 7 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Bắc Ninh đã khai thác, phát huy lợi thế so sánh, đồng thời hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành trên tất cả các lĩnh vực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.

khu công nghiệp tại bắc ninh
công nhân sam sung

Bắc Ninh đang tập trung đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đảm bảo cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp đáp ứng mọi nhu cầu của các nhà đầu tư  (Ảnh: TL)

Trong năm 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 bùng phát lần 4 nhưng kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng tốt, vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước tăng 6,9% so với năm 2020 (đứng thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13 cả nước); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%; xuất khẩu hàng hóa ước 46,4 tỷ USD, tăng 18,7%; sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, giá trị sản xuất tăng 3,6%. Đồng thời, thu hút đầu tư trong nước cấp mới đăng ký đầu tư 57 dự án, tổng vốn 22.442 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài cấp mới 124 dự án, tổng vốn 1.160 triệu USD; thành lập mới 2.221 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 25.677 tỷ đồng và 777 đơn vị trực thuộc; thu ngân sách nhà nước ước 31.110 tỷ đồng, vượt 11,7% dự toán năm; trong đó thu nội địa ước 23.710 tỷ đồng, vượt 6,2% dự toán.

Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp trên tổng diện tích 6.397,68 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với 31 cụm công nghiệp vừa và nhỏ, tạo cơ sở sản xuất cho các nhà đầu tư. Bắc Ninh đang tập trung đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đảm bảo cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp đáp ứng mọi nhu cầu của các nhà đầu tư.  

Nhờ cách làm sáng tạo, linh hoạt thông qua việc thực hiện đồng bộ thu hút đầu tư, chuyển đổi chính sách từ “mở cửa” sang “gõ đúng cửa”, Bắc Ninh luôn giữ vững vị trí trong top 10 tỉnh thành phố thu hút vốn FDI nhiều năm qua, đó là kết quả lâu dài của chính sách thu hút đầu tư nhất quán.

Mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, nhưng kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng và đạt kết quả tốt, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Chia sẻ với Reatimes, ông Vương Quốc Tuấn - Uỷ viên dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh nhận định: “Trong gần 2 năm qua, với sự quyết tâm, đoàn kết, đồng thuận cao giữa các cấp lãnh đạo và người dân, nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt và chủ động được thực hiện. Đến nay, chúng tôi đã kiểm soát được dịch bệnh và triển khai thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”. Những kết quả đã đạt được đan xen những thuận lợi, khó khăn và nhiều thách thức, nhưng đó không phải áp lực mà là động lực phát triển hết sức to lớn và mạnh mẽ đối với tỉnh Bắc Ninh”.

ông vương quốc tuấn

Giải pháp giữ vững đà tăng trưởng

Để đạt được những chỉ số khả quan về kinh tế và thực hiện mục tiêu bảo vệ “vùng xanh của khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”, tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Đó là:

Một là, tập trung thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất; thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, thực hiện quyết liệt, chủ động, kịp thời, linh hoạt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch Covid-19; phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Thường xuyên nắm bắt tình hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Khắc phục khó khăn, khôi phục các hoạt động kinh doanh, dịch vụ gắn với các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh bằng các mô hình an toàn, thích ứng linh hoạt.

Ba là, tích cực triển khai thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, quy hoạch sử dụng đất, chương trình phát triển đô thị, quy hoạch các ngành, lĩnh vực trên địa bàn, xây dựng kết cầu hạ tầng đồng bộ, đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

bắc ninh trên cao
bắc ninh toàn cảnh

Bắc Ninh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm và công trình cấp bách theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí. (Ảnh: vnexpress).

Thứ tư là, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại có tính liên kết cao, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, thu hút đầu tư theo hình thức PPP, tập trung nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm và công trình cấp bách theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí. Triển khai nhiều công trình, dự án có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của tỉnh, và có tính kết nối với các tỉnh trong vùng.

Năm là, quản lý tốt các nguồn thu, đẩy mạnh chống thất thu; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách Nhà nước. Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Nâng cao chất lượng công tác quản lý vốn đầu tư công, thực hiện nghiêm các quy định, các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên và định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước.

Sáu là, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Quan tâm giải quyết việc làm và các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bảy là, quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa công cụ quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Tám là, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, tạo môi trường thuận lợi, tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để thực hiện các dự án, thiết lập quan hệ đối tác với những dự án hỗ trợ có quy mô lớn, bền vững, dài hạn và hiệu quả cao đóng góp cho tỉnh.

Chín là, nghiên cứu, thực hiện có hiệu quả các chính sách, quy định mới của Trung ương liên quan đến phát triển toàn diện các lĩnh vực gắn với các điều kiện cụ thể của tỉnh.

Chủ động cải thiện môi trường đầu tư

Bắc Ninh là địa phương có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, chỉ 822,7km2, quy mô dân số trên 1,4 triệu dân; do đó, Bắc Ninh đã đề ra tiêu chí thu hút đầu tư trên cơ sở tận dụng và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ trương “2 ít, 3 cao, 5 sẵn sàng” luôn được Bắc Ninh chú trọng, triển khai xuyên suốt để giữ vững những chỉ số khả quan về kinh tế.

Trong đó, “2 ít” là ít sử dụng đất với diện tích lớn, ít sử dụng nhiều lao động; “3 cao” là thu hút các dự án có suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và hàm lượng công nghệ cao. Nhằm xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, tỉnh Bắc Ninh cũng đề ra “5 sẵn sàng” để đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Đó là, sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách, sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư và trong bối cảnh “bình thường mới” sẵn sàng ứng phó, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.

Bắc Ninh đã ký kết thỏa thuận phát triển Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD; biên bản ghi nhớ với đối tác chiến lược của Nhật Bản phát triển dự án kho vận tại Khu công nghiệp Yên Phong 2A; tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 98%, đứng thứ 3 cả nước.

flycam bắc ninh
trung tâm bắc ninh

Bắc Ninh luôn chú trọng đến các động lực tăng trưởng mới, khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh thông qua công tác quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng hiện đại, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch chung đô thị tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: vnexpress).

Đồng thời, Bắc Ninh luôn chú trọng đến các động lực tăng trưởng mới, khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh thông qua công tác quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng hiện đại, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch chung đô thị tỉnh Bắc Ninh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu đô thị; đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa và các đề án thành lập thị xã Thuận Thành, Quế Võ…; được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập TP. Từ Sơn từ ngày 1/11/2021. Bắc Ninh cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả chỉ số năng lực điều hành của chính quyền các cấp: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn tiếp tục nằm trong Top 10 tỉnh dẫn đầu.

Theo ông Vương Quốc Tuấn - Uỷ viên dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, với phương châm “thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh” và “tỉnh luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp”, Bắc Ninh hiện vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ chú trọng và tập trung cải thiện môi trường đầu tư; tiếp tục nhất quán với quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc theo định hướng “2 ít, 3 cao, 5 sẵn sàng” để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Mục tiêu trong tương lai

mục tiêu của bắc ninh năm 2022

Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành đô thị lớn, thông minh, phát triển kinh tế số, góp phần giảm sức ép cho Thủ đô Hà Nội. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ kéo theo lượng lớn nhu cầu nhà ở và sự phát triển bùng nổ của nhiều khu đô thị, khu dân cư với nhiều loại hình bất động sản mới xuất hiện.

Vì vậy, để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, theo ông Vương Quốc Tuấn, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh xác định tập trung thực hiện ba nhóm giải pháp chính như sau:

Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách:

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách phát triển các dự án nhà ở, dự án đấu giá quyền sử dụng đất…, đảm bảo các dự án được đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trên cơ sở phù hợp với Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và các quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm minh bạch hóa hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh; sử dụng có hiệu quả các công cụ điều tiết và quản lý của nhà nước để đưa thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững.

Hoàn thiện bộ máy, bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện quản lý nhà ở tại các địa phương; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý và phát triển nhà ở cho cán bộ.

biểu tượng bắc ninh
trung tâm thành phố bắc ninh

Bắc Ninh sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo chương trình đã đề ra và sử dụng đất có hiệu quả (Ảnh: Vnexpress).

Nhóm giải pháp về quy hoạch và đất đai:

Tập trung rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch; rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo chương trình đã đề ra và sử dụng đất có hiệu quả.

Tăng cường thông tin, bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin trong quản lý quy hoạch và sử dụng đất tại đô thị; công bố công khai các đồ án quy hoạch và hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai theo quy định của pháp luật.

Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, quy hoạch phát triển đô thị và hệ thống hồ sơ địa chính.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quản lý quy hoạch và sử dụng đất. Cương quyết thu hồi hoặc dừng thực hiện đối với các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chậm triển khai hoặc thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ. Rà soát, đánh giá thực trạng người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật để có cơ sở đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nhóm giải pháp về vốn:

Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Trung ương để hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng xã hội theo các chương trình mục tiêu của Chính phủ.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng và các tổ chức tín dụng giải ngân vốn theo quy định của pháp luật để phát triển nhà ở theo dự án, cho vay để cải tạo nhà ở; khuyến khích các ngân hàng phát hành các tín phiếu, cổ phiếu tín dụng, liên doanh liên kết nhằm đa dạng hóa nguồn vốn phát triển nhà ở.

Tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn, kể cả vốn huy động trước của người dân theo quy định của pháp luật./.

01/18/2022 17:36
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top