Tiềm năng của bất động sản nghỉ dưỡng
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mới bắt đầu thể hiện sự tăng trưởng đầy ấn tượng của mình, kể từ thời điểm năm 2015. Trong bức tranh ấm lên chung của thị trường bất động sản, đặc biệt, khi du lịch được chú trọng trở thành mũi nhọn, ngành công nghiệp không khói hái ra tiền, dòng bất động sản nghỉ dưỡng được đà cất cánh.
Các chuyên gia cho rằng, tốc độ phát triển của du lịch sẽ kéo theo đà tăng trưởng của bất động sản nghỉ dưỡng.
Nhìn về tiềm năng của du lịch Việt Nam, không ai có thể phủ nhận khi dải đất hình chữ S sở hữu nhiều ưu đãi, có một không hai. Từ vị trí thuận lợi về địa lý, khí hậu đến bờ biển dài hơn 2.000km với 125 bãi biển, Việt Nam được xếp vào danh sách 12 quốc gia hàng đầu cho những vịnh đẹp nhất trên thế giới.
Lượng du khách đến Việt Nam gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2019, số lượt khách du lịch quốc tế đạt gần 19 triệu lượt. Trên đà phát triển của du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục được tiếp thêm nhiên liệu tăng tốc.
Tuy nhiên, dù được đánh giá là ngành công nghiệp hái ra tiền, nhưng du lịch Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng sẵn có. Đây cũng là lý do khiến bất động sản nghỉ dưỡng khó đạt được công sức như nguồn lực vốn có.
Vì sao du lịch Việt Nam vẫn phát triển "cầm chừng"?
Theo ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hoà, Việt Nam có tiềm năng vô tận, với đường bãi biển dài, đẹp, khí hậu nóng ẩm như Vân Đồn (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)… So với các nước khác, Việt Nam có rất nhiều lợi thế nhưng thực tế, cách làm du lịch, hay cách phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của chúng ta như những đứa trẻ mẫu giáo đi học khi so với các nước như Malaysia, Singapore và đặc biệt là Thái Lan.
Phân tích kỹ hơn về điều này, ông Quý cho biết, Việt Nam chưa biết giữ chân khách du lịch, chưa biết tạo ra sức hút thực sự khiến du khách phải đến nhiều lần để trải nghiệm.
“Các nước khác tiềm năng du lịch không bằng chúng ta, không đẹp, không “quyến rũ” bằng chúng ta nhưng biết tạo ra kịch bản, biết marketing để thu hút khách du lịch”, vị lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hoà nhấn mạnh.
Nhìn từ cách làm của các nước trên thế giới, ông Quý chỉ ra, bí quyết thành công của các nước chính là phát triển mô hình kinh tế ban đêm nhưng tại Việt Nam, mô hình này lại vắng bóng.
“Nhìn chung, Việt Nam hiện vẫn còn đang “dàn binh bố trận” cho du lịch theo cách manh mún, nhỏ lẻ và chưa tạo ra được cú hích. Nhìn từ du lịch Thái Lan, du khách đều thích chiêm ngưỡng, trải nghiệm các chương trình trình biểu diễn ban đêm. Đến Thái Lan là phải đi xem show diễn đêm, đến các pub, bar. Khi ánh đèn điện sáng, Thái Lan càng nhộn nhịp và sôi động. Thật hiếm ai đến Thái Lan mà lại bỏ lỡ việc trải nghiệm hoạt động giải trí ban đêm”, ông Quý chia sẻ.
Bài học phát triển du lịch tại Mỹ
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ về kinh nghiệm phát triển du lịch tại Mỹ. Theo đó, hơn 200 năm trước, những người Mỹ đã vẽ ra quy hoạch phân vùng rất bài bản. Ở Mỹ, một khu vực sẽ không được sử dụng cho nhiều tiêu chí khác nhau. Ví dụ như đâu là vùng sản xuất công nghiệp, đâu là vùng dân sinh, đâu là khu phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Tất cả đều được phân vùng rất rõ ràng. Quy hoạch này nhằm phân chia rõ ràng, tránh tình trạng, nơi sản xuất công nghiệp bụi bặm ảnh hưởng đến người dân, hay khu vực phát triển du lịch bị người dân xâm lấn. Ngay cả trong một thành phố, việc quy hoạch phân chia các tuyến đường cũng rất rõ ràng. Chỉ cần mở bản đồ, đứng ở bất kỳ một vị trí nào trong thành phố, du khách có thể biết khoảng cách tới các điểm cần đến. Trải qua khoảng thời gian dài phát triển, quy hoạch hơn 200 năm trước vẫn được giữ nguyên và tuân theo.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, đối với các điểm du lịch, Mỹ luôn chú trọng yếu tố bảo tồn các giá trị thiên nhiên. Và hầu như mọi nơi đều có công viên quốc gia mà tại đó, mọi sự xâm lấn hay phá hoại đều không thể và không được phép diễn ra.
Trong khi đó, ở các khu nghỉ dưỡng, các Tập đoàn tư nhân Mỹ xây dựng các tổ hợp nghỉ dưỡng rất chuyên nghiệp và bài bản, tiêu chuẩn 5 sao. Những tổ hợp không chỉ hội tụ các dịch vụ đa năng mà ngay cả chất lượng phục vụ dịch vụ rất tốt. Người Mỹ làm du lịch rất chuyên nghiệp và bài bản.
Sự góp mặt của những tổ hợp nghĩ dưỡng do các Tập đoàn tư nhân kiến tạo là điều không thể thiếu trong các khu du lịch tại Mỹ. Các Tập đoàn tư nhân rất sáng tạo, biết chiều lòng khách, bởi họ rất biết cách làm du lịch, với sự kết nối của hệ thống các dịch vụ, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.
Tất nhiên, ở Mỹ, ngoài quy hoạch rõ ràng, các chính sách hỗ trợ cho tập đoàn tư nhân cũng minh bạch. Điều này giúp doanh nghiệp có động lực xây dựng và phát triển các chuỗi nghỉ dưỡng chuyên nghiệp, hiện đại.
Kinh nghiệm phát triển du lịch cho Việt Nam
Trong khi đó tại Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng cơ sở hạ tầng cũng như cách làm dịch vụ còn yếu kém. “Việt Nam chỉ có một số nơi có cơ sở lưu trú 5 sao như Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang… trong khi các khu vực khác, phòng nghỉ dưỡng chất lượng chỉ 3 sao. Ngoài ra, cách làm dịch vụ của các tổ chức du lịch thiếu bài bản, chuyên nghiệp và nhiệt tình”, ông Hiếu nói.
Vị chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh, muốn bất động sản nghỉ dưỡng phát triển thì du lịch phải tăng trưởng. Muốn du lịch tăng trưởng tốt, Việt Nam cần học cách làm du lịch bài bản hơn.
Theo ông Trần Đình Quý, Nhà nước cần các cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời mang tính định hướng để doanh nghiệp chủ động sáng tạo. Ông Quý cũng đề xuất phát triển mạnh hơn nữa mô hình kinh tế ban đêm để tạo động lực phát triển cho du lịch.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Covid-19 đưa thế giới vào trạng thái “bình thường mới”, Việt Nam cần nhanh chóng chớp thời cơ để tạo đà phát triển du lịch cũng như thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.