Aa

Vì sao BĐS khu công nghiệp Việt Nam “tuột tay” 1 tỷ USD từ Apple?

Thứ Sáu, 31/03/2017 - 14:26

Tại cuộc họp báo gần đây, đại diện Công ty Jones Lang Lasalle Việt Nam tỏ ra tiếc nuối vì Việt Nam đã "đánh rơi" 1 tỷ USD FDI từ Apple dù Tập đoàn này đã từng có ý định xây dựng nhà máy tại Việt Nam năm 2016.

Trao đổi riêng với Reatimes, ông Đặng Văn Quang – Giám đốc quản lý tài sản và BĐS của Jones Lang Lasalle Việt Nam tiết lộ: “Năm 2016, BĐS khu công nghiệp "đánh rơi" mất gói đầu tư 1 tỷ USD của Apple. Nhà đầu tư lớn này đã có kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam xong có thể do không thỏa thuận được cơ chế ưu đãi và một vài nguyên nhân khác nên họ đã chuyển nhà máy tương lai sang Ấn Độ. Bởi cũng chỉ mới có ý định nên công ty này chưa tìm địa điểm cụ thể. Mặc dù 1 tỷ USD FDI của Apple không lớn so với con số SamSung đã đầu tư vào nhưng nó là một sự tiếc nuối cho mảng BĐS khu công nghiệp”.

Ông Quang cho rằng, hiện BĐS Khu công nghiệp Việt Nam không chỉ còn nhiều bất cập khiến nhà đầu tư nước ngoài còn e ngại như điều kiện cơ sở hạ tầng thấp, ngành công nghiệp kém phát triển... mà công tác đầu tư còn gặp phải nút thắt hành chính, trong khi thị trường BĐS còn thiếu minh bạch và còn tình trạng tham nhũng. Một yếu tố khách quan nữa cản trở dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2016 là do ảnh hưởng bởi sự thất bại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP.

Cơ sở hạ tầng chưa tốt là điểm bất lợi cho BĐS khu công nghiệp trong việc hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.

Cơ sở hạ tầng chưa tốt là điểm bất lợi cho BĐS khu công nghiệp trong việc hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.

Tuy nhiên, vị đại diện JLL Việt Nam khẳng định, thị trường BĐS Việt Nam nói chung và phân khúc BĐS khu công nghiệp vẫn có nhiều điểm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam có lao động rẻ, giá đất rẻ và giá xây dựng rẻ. Việt Nam cũng có lợi thế là dân số trẻ, Việt Nam cũng là khu vực có văn hóa cao dù tay nghề thấp. Trong khi đó, Chính phủ có cơ chế ủng hộ doanh nghiệp và thực tế cũng đã thực hiện được phần nào mục tiêu đề ra. Nền chính trị cũng như kinh tế của Việt Nam khá ổn định cũng là điểm các nhà đầu tư đặc biệt yên tâm.

“Một điểm đáng nói nữa là hiện nay rất nhiều nhà đầu tư lớn đã rút khỏi thị trường Trung Quốc do chi phí giá cao và nền chính trị có điểm bất ổn. Đây lại là cơ hội cho Việt Nam và các nước khác. Tuy nhiên, dòng FDI rút khỏi Trung Quốc và sẽ đi vào đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, ông Quang nhận định.

Theo báo cáo của Jones Lang Lasalle, tính đến quý I/2017, Việt Nam đã thu hút được 7,7 tỷ USD vốn FDI, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng vốn FDI giải ngân đạt 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với năm ngoái. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã thu hút 493 dự án đăng ký mới với khoảng 2,9 tỷ USD và 3,9 tỷ USD vốn FDI tăng thêm từ 223 dự án.

Trong tổng số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ, Hàn Quốc vẫn giữ vững vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký mới đạt 3,75 tỷ USD, chiếm 48,6% tổng nguồn vốn FDI, theo sau là Singapore (910,9 triệu USD) và Trung Quốc (823,6 triệu USD). Theo ngành thu hút đầu tư, vốn FDI chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 6,5 tỷ USD, chiếm 84,9% tổng FDI; hoạt động kinh doanh BĐS thu hút khoảng 344 triệu USD, chiếm 4,5% tổng vốn FDI.

Một số dự án mới nổi bật gồm khoản đầu tư tăng thêm 2,5 tỷ USD vào dự án Samsung Display Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh; 485,8 triệu USD vào nhà máy sản xuất polyester và sợi tổng hợp Polytex Far Eastern (Việt Nam) tại tỉnh Bình Dương; 319,8 triệu USD vào dự án nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội và 284,7 triệu USD vào VSIP III tại Bình Dương.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top