Aa

Vì sao BQL dự án – đô thị cấp huyện ở Quảng Nam bị cấp trên đề nghị xử phạt?

Thứ Hai, 11/03/2024 - 06:00

Không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường tại dự án Khu dân cư số 3, 4 (thôn Quý Thạnh 1, xã Bình Quý, H. Thăng Bình, Quảng Nam), Ban Quản lý dự án – đô thị huyện Thăng Bình bị UBND huyện đề nghị xử phạt hành chính 300 – 400 triệu đồng.

Mới đây, UBND huyện Thăng Bình có Tờ trình số 62 gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của công trình Khu dân cư tổ 3, 4 (thôn Quý Thạnh 1, xã Bình Quý) do Ban quản lý dự án – đô thị huyện Thăng Bình (BQL) làm chủ đầu tư.

2 năm bị "bỏ hoang", dự án thành nơi chăn thả bò

Theo UBND H. Thăng Bình, dự án trên thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐG TĐMT) thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh. Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng dự án này đã không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐG TĐMT.

"Hành vi này vi phạm quy định tại điểm C, khoản 1, Điều 13, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Mức tiền phạt theo quy định là từ 300 - 400 triệu đồng", UBND H. Thăng Bình, nêu rõ.

Vì sao BQL dự án – đô thị cấp huyện ở Quảng Nam bị cấp trên đề nghị xử phạt?- Ảnh 1.

Khu dân cư tổ 3, 4 (thôn Quý Thạnh 1, xã Bình Quý) do BQL dự án - đô thị H. Thăng Bình làm chủ đầu tư không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. (Ảnh: Huy Hoàng)

Trước đó, ngày 26/2, Phòng Tài nguyên Môi trường H. Thăng Bình tiến hành kiểm tra tại khu vực dự án Khu dân cư tổ 3, 4 (thôn Quý Thạnh 1). Kết quả cho thấy, BQL đã xây dựng các hạng mục nhưng không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định ĐG TĐMT theo quy định. Được biết, dự án trên được triển khai xây dựng từ tháng 5/2018 và đã hoàn thành các hạng mục xây dựng vào tháng 12/2022 nhưng chưa có hồ sơ về môi trường. Quy mô dự án khoảng 24.000m2, khai thác 100 lô đất ứng với 100 hộ dân.

Theo ghi nhận của PV Reatimes, dự án Khu dân cư tổ 3, 4 (thôn Quý Thạnh 1) nằm ngay mặt tiền QL 14E thuộc khu vực đông dân cư, giao thương đi lại liên tục. Hạ tầng dự án như hệ thống đường, điện, cây xanh, cống nước cơ bản đã hoàn thiện. Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục, dự án bị "bỏ hoang" 2 năm nay. Hiện nay, cỏ mọc um tùm, thậm chí người dân tận dụng để trồng cỏ và phục vụ chăn thả bò. Ngoài ra, khu vực xung quanh dự án còn là nơi tập kết vật liệu, gỗ keo kích thước lớn, phân bón cây trồng… gây mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, dự án chưa phát sinh vấn đề về môi trường ảnh hưởng đến khu vực và người dân.

Vì sao BQL dự án – đô thị cấp huyện ở Quảng Nam bị cấp trên đề nghị xử phạt?- Ảnh 2.

Vướng thủ tục, dự án bị "bỏ hoang" 2 năm... trở thành bãi tập kết vật liệu, gỗ keo kích thước lớn. (Ảnh: Huy Hoàng)

Chị N.T.Q., (30 tuổi, trú thôn Quý Thạnh 1) cho hay: "Nói không ngoa chứ dự án này nằm vị trí khá đắc địa, sát quốc lộ và tiếp giáp với thị trấn Hà Lam nên nếu được đưa vào sử dụng sẽ phát huy tốt giá trị. Về phần tác động môi trường khiến dự án "đứng bánh" như hiện nay thì tôi cũng như mọi người quanh đây thấy bình thường, không có nguyện vọng gì lớn. Chỉ mong chủ đầu tư để ý chỗ mương cống, đảm bảo việc thoát nước, không gây ùn ứ là được".

Các bên liên quan nói gì?

Nói về việc dự án "đứng bánh" vì thiếu ĐG TĐMT, Giám đốc BQL dự án – đô thị H. Thăng Bình Nguyễn Tấn Thu, cho rằng trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị đã trình phê duyệt Báo cáo Kinh tế - kỹ thuật tại Tờ trình số 249 ngày 27/10/2017 và đã được Phòng Kinh tế - Hạ tầng thẩm định; được UBND H. Thăng Bình phê duyệt tại Quyết định số 2746 ngày 30/10/2017.

Do đó, trong quá trình thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án khu dân cư trên, BQL đã không tiến hành thực hiện công tác lập báo cáo ĐG TĐMT trước khi trình cơ quan chuyên môn thẩm định.

Vì sao BQL dự án – đô thị cấp huyện ở Quảng Nam bị cấp trên đề nghị xử phạt?- Ảnh 3.

Hiện trạng dự án cỏ mọc um tùm, thậm chí người dân tận dụng để trồng cỏ và phục vụ chăn thả bò. (Ảnh: Huy Hoàng)

Theo ông Thu, căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, không có hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công; Dự án sử dụng vốn Nhà nước ngoài đầu tư công chỉ cần lập Báo cáo Kinh tế - kỹ thuật, có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa thì có hay không có việc thực hiện các thủ tục để ĐG TĐMT theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Ở đây chỉ quy định hướng dẫn, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường là công trình thuộc dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường có yêu cầu lập ĐG TĐMT …

Vì vậy, tại thời điểm lập, trình thẩm định phê duyệt Báo cáo Kinh tế - kỹ thuật công trình, cơ quan chuyên môn căn cứ Nghị định số 59, không yêu cầu chủ đầu tư thực hiện công tác lập ĐG TĐMT ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Vì sao BQL dự án – đô thị cấp huyện ở Quảng Nam bị cấp trên đề nghị xử phạt?- Ảnh 4.

Hạ tầng dự án như hệ thống đường, điện, cây xanh, cống nước cơ bản đã hoàn thiện nhưng chưa được đưa vào sử dụng. (Ảnh: Huy Hoàng)

Tuy nhiên, theo khoản 5, Điều 12, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng có nêu: Theo yêu cầu riêng của từng dự án, chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải thực hiện các thủ tục, yêu cầu theo quy định của pháp luật có liên quan ở giai đoạn chuẩn bị dự án, trình cơ quan chủ trì thẩm định làm cơ sở xem xét, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, gồm:… Kết quả thực hiện thủ tục về ĐG TĐMT theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nhận thức được vi phạm trên, song lãnh đạo BQL cho rằng là đơn vị sự nghiệp công, tự đảm bảo thu, chi nên nguồn kinh phí hoạt động còn khó khăn. Tuy nhiên, dự án khu dân cư trên được UBND H. Thăng Bình giao là dự án cấp thiết, phục vụ bố trí di dời, tái định cư cho các hộ dân ảnh hưởng dự án nâng cấp, mở rộng QL 14E. Trên cơ sở nguyên nhân dẫn đến vi phạm, BQL nhận khuyết điểm, hạn chế.

Vì sao BQL dự án – đô thị cấp huyện ở Quảng Nam bị cấp trên đề nghị xử phạt?- Ảnh 5.

Dự án nằm ngay mặt tiền tuyến QL 14E, thuộc khu vực đông dân cư, giao thương đi lại liên tục. (Ảnh: Huy Hoàng)

"Căn cứ Nghị định số 118/2021 ngày 23/12/2021 một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính. Cơ quan nhà nước vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước, thì không bị xử phạt vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Do đó, BQL H. Thăng Bình kính đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm, xem xét các tình tiết dẫn đến vi phạm để không áp dụng hình thức xử phạt tiền, mà chỉ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để xử lý vi phạm", ông Nguyễn Tấn Thu, đề xuất.

Trao đổi với Reatimes về vụ việc này, Phó Chủ tịch UBND H. Thăng Bình Phan Thị Nhi, cho biết sau khi huyện có văn bản đề nghị xử phạt BQL thì UBDN tỉnh Quảng Nam đã giao lại cho huyện kiểm tra lại các thủ tục một lần nữa. "Hiện địa phương đang kiểm tra lại các hồ sơ thủ tục vì có liên quan đến câu chuyện giải trình của BQL. Sau khi hoàn tất, H. Thăng Bình sẽ tiếp tục báo cáo, tham mưu tỉnh giải quyết", bà Nhi nói.

Khi được hỏi mức tiền phạt đề nghị cao nhất là 400 triệu đồng thì nếu tỉnh phê duyệt, BQL sẽ dùng nguồn tiền nào để nộp phạt thì bà Nhi cho hay địa phương đang tính toán lại, chưa biết kết quả như thế nào.

Liên quan hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, ngày 27/1/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ban hành Quyết định số 191 xử phạt đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn với số tiền 140 triệu đồng.

Quyết định 191 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Ban vi phạm quy định về thực hiện quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh. Cụ thể, không thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2814 ngày 15/10/2020.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top